Văn hóa - Nghệ thuật
Mẹ đi lấy chồng…
Tôi trở thành “bác phó nháy” bất đắc dĩ cho đám cưới của ông anh họ. Cưới vợ lần hai nên mọi thứ đều quy vào hai chữ “giản tiện”, cốt làm sao để cô dâu, chú rể biết mặt hai họ, hợp thức hóa cuộc sống chung của họ sau này.
Đường xuống nhà cô dâu ngoằn ngoèo như một ma trận. Chạy hết con lộ lót đan gần 20 cây số, đoàn rước dâu chúng tôi lại phải lội bộ hơn một cây số đường đất, khổ nhất là đám đàn bà con gái chân mang hài cao gót lại lỉnh kỉnh đủ thứ phụ kiện trên người, vậy mà phải vượt qua một chướng ngại vật: chiếc cầu khỉ. Ai cũng lắc đầu, lè lưỡi rồi buông lời trêu chọc ông anh tôi: “Hùng ơi! Bộ hết chỗ rồi sao mà cưới vợ lần hai mày lại chọn chốn khỉ ho cò gáy này, đày tụi tao một phen khốn đốn vì mày!”. Anh cười chống chế: “Tại ông Tơ bà Nguyệt chứ nào phải tại em đâu!”. Cả đoàn người tiếc đứt ruột vì những bộ đồ “vía” mà mình đã cất công chỉn chu giờ lại phải xắn quần, lột guốc, máng túi xách vào cần cổ… mà cố gắng bám víu để đi qua chiếc cầu khỉ lắt lẻo kia. Còn tôi, chỉ lo rớt xuống nước là kể như “người bạn đời” đi tong.
Vất vả lắm cả đoàn người mới qua được chiếc cầu thử thách ấy, lại phải tiếp tục cuốc bộ gần một cây số dưới con đường mòn của một đám dừa nước. Người nào người ấy mồ hôi nhễ nhại… cuối cùng cả đoàn cũng đến được nhà cô dâu. Có người còn nói đùa: “Đến được nhà cô dâu còn hơn tìm được đảo giấu vàng…”.
![]() |
Trời mưa bong bóng phập phồng… Ảnh: T.L |
Chị dâu mới của tôi số phận còn bi đát hơn. Ở cái tuổi tròn trăng đẹp nhất của đời con gái, chị lọt vào mắt xanh của một người đàn ông giàu sang tận miệt Cà Mau. Trong một lần lên Cây Dương (xã Long Điền Tiến) quê chị, anh ta đã đem lòng yêu mến và nhờ người trầu cau mai mối. Gia cảnh chị nghèo nên thấy con gái có được tấm chồng giàu sang, họ hàng ai cũng mừng lây cho chị. Có ngờ đâu… Lấy chồng được ba tháng, chị có thai, nhưng người chồng lại sanh lòng nghi ngờ giọt máu đang tượng hình kia không phải là con mình. “Nỗi oan Thị Kính” không thể giãi bày, không chỉ có chồng hành hạ, mẹ chồng đay nghiến; chị còn chịu sự áp bức của cả gia đình chồng. Quá uất ức, chị đành trở về nhà mẹ đẻ… Rồi đứa bé cũng ra đời, nó giống kẻ sở khanh y như khuôn đúc. Nghe kể, gia đình gã đã nhiều lần đến thăm nhưng chị đã quá sợ hãi và chán nản nên không chịu hàn gắn lại. Rồi gã cũng cưới vợ sinh con và rũ bỏ trách nhiệm với giọt máu của mình. Để có tiền nuôi con, chị phải lên tận Sài Gòn để ở mướn. Khó ai có thể tin rằng, bà mẹ ấy chỉ mới 22 tuổi.
Và qua mai mối, hai mảnh đời bất hạnh đã gặp nhau, cùng chia sẻ cảnh ngộ rồi phải lòng nhau lúc nào chẳng biết. Ngày đám cưới của anh chị ai cũng mừng lây vì nghĩ rằng họ chính là một nửa của nhau thật sự. Nhưng nụ cười trên môi tôi chợt méo sệt khi bắt gặp một ánh mắt trẻ thơ đằng sau khung cửa sổ: nó chính là thằng bé con của chị. Vừa tròn ba tuổi, nó chưa đủ để hiểu mẹ nó sắp có một gia đình, một cuộc sống mới và có lẽ trong cuộc sống ấy nó trở thành một người thừa. Nó chỉ biết rằng mẹ nó hôm nay thật khác, thật đẹp trong bộ quần áo và đầu tóc của cô dâu.
Có lẽ, nó sẽ còn cười tươi (vì bỗng dưng hôm nay mọi người tụ tập đông đúc, có những món ăn ngon mà chỉ có tết nó mới được ăn) nếu mẹ nó không nói lời từ giã, rồi ông bà ngoại và cậu dì của nó khóc òa lên vì cám cảnh cho số phận nó. Chưa có cảnh tượng nào bi đát hơn thế! Ông anh tôi đề nghị chị dẫn nó về nuôi vì anh không hẹp hòi đến nỗi không thể cưu mang một đứa trẻ đáng thương như thế. Nhưng biết làm sao khi nó không thể rời xa vòng tay của ngoại, không thể rời xa chiếc giường nhỏ thân quen và cả con chó mực nhỏ mà nó ôm mỗi đêm trước khi chìm vào giấc ngủ.
Cái bàn tay nhỏ xíu của nó không thể níu kéo mãi vòng tay mẹ, mẹ nó oằn mình nghe tim mình rỉ máu và gạt nước mắt chạy băng băng về chiếc cầu khỉ. Chúng tôi và ông anh đang đứng chờ bên đây cầu. Đứa trẻ chạy với theo gọi mẹ trong những tiếng thét tuyệt vọng và những bước chân ngã dúi dụi dưới những rãnh đất nứt nẻ. Chị đã đứng giữa nhịp cầu nhưng đầu cứ ngoái nhìn về phía đứa con thơ đang tức tưởi gọi mẹ. Xa xa, tiếng ai ru con vọng ra nghe não nuột: “Ầu ơ… Trời mưa bong bóng phập phồng… Mẹ đi lấy chồng con ở với ai…”.
KIM TRÚC
- Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Gần 200 võ sinh thi thăng đẳng môn Vovinam
- Quay hình chương trình đờn ca tài tử năm 2025
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Thăm, chúc mừng Đại lễ Phật đản Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và các cơ sở Phật giáo
- Hơn 300 đoàn viên, công nhân viên chức, lao động tham gia Hội thao chào mừng Tháng Công nhân