Văn hóa - Nghệ thuật
Mì vịt tiềm
Bà ngoại “cứu đói”, gửi cho cặp vịt mập ú ù. Một con bị “xử” để làm hai món: nấu chao và xào gừng. Con còn lại cũng bị “trảm” tiếp vào cuối tuần với món mì vịt tiềm - ăn trừ cơm…
Vịt làm sạch lông, để khử mùi… vịt, đâm nhuyễn vài lát gừng, cho ít rượu trắng vào, xát gừng lên khắp con vịt, để khoảng 15 phút cho ngấm rượu. Tiếp đó, rửa sạch lại với chút muối, chặt vịt thành miếng to, để ráo nước. Trộn đều một ít tỏi và hành tím băm, chút nước tương, bột ngũ vị hương, bột nêm (hoặc muối), bột ngọt (hoặc đường), tùy theo khẩu vị gia đình, đeo bao tay vào, xát hỗn hợp gia vị lên thịt vịt vài phút. Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín thịt, cho vào ngăn mát tủ lạnh vài tiếng cho ngấm gia vị (nếu muốn đậm đà, có thể để qua đêm).
Sau khi vịt đã ngấm gia vị, bắc chảo nóng, cho ít tỏi và hành tím băm vào phi thơm cùng với dầu ăn, khi tỏi hơi ngả vàng thì tắt lửa, nhanh tay vớt ra chén, để riêng (lát sau trộn với mì). Vặn lửa trở lại, cho vịt vào chiên vàng đều hai mặt với lửa vừa cho vịt chín đều. Phần rìa phụ “gió đầu cành” (cánh, đầu, giò) thì mấy đứa nhỏ tranh nhau… cạp, phần thịt còn lại cho vào nồi nước lèo (nước dừa nấu với gói gia vị tiềm mua ở tiệm thuốc Bắc gồm: hoài sơn, kỷ tử, táo tàu…) nấu tiếp. Nêm vào nồi nước lèo chút muối và đường phèn, nêm nếm lại vừa ăn. Khi thịt vịt gần mềm thì cho vài tai nấm đông cô (đã ngâm nở, cắt cuống) vào nồi.
Trong lúc chờ vịt mềm, rửa sạch cải thìa (hoặc cải ngọt), chần qua nước sôi có cho vào chút muối và tí dầu ăn, để rau được xanh mướt. Tiếp đến, nấu nồi nước sôi khác, khi nước sôi già thì cho từng vắt mì vào trụng chín rồi vớt ra, giũ cho thật ráo nước. Cho vài giọt dầu mè (hoặc dầu ăn) vào chén tỏi, hành đã phi vàng, trộn đều lên rồi xóc với mì để sợi mì tơi ra, không bị dính vào nhau.
Khi ăn, cho ít mì vào tô, múc thịt vịt đã được nấu mềm, nấm đông cô, vài cọng cải, trang trí thêm cọng ngò rí và vài khoanh ớt xắt lên mặt tô, thưởng thức cùng chén muối tiêu chanh hoặc nước tương ngon.
N.B