Mô hình “Mỗi ngày, 1 nghìn đồng”: Lan tỏa thói quen lo cho dân

Thứ Hai, 08/10/2018 | 16:47

Hơn 3 năm kể từ khi thực hiện mô hình “Mỗi ngày, 1 nghìn đồng”, những ngày cuối tháng luôn mang nhiều ý nghĩa và niềm vui đối với cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) của thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân). Niềm vui ấy được tạo ra theo một cách đơn giản là cùng nhau thể hiện tấm lòng, trách nhiệm với dân. Dù chỉ là phần việc nhỏ nhưng mô hình đã đưa việc học và làm theo gương Bác ở Ngan Dừa đi sâu vào cuộc sống, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp cho bộ máy chính quyền, từng bước hình thành và lan tỏa thói quen lo cho dân trong CB, ĐV và quần chúng nhân dân.

VIỆC NHỎ, SỨC LAN TỎA LỚN
Một ngày cuối tháng 9, không khí ở trụ sở Đảng ủy - UBND thị trấn Ngan Dừa nhộn nhịp hơn so với mọi ngày. Căn phòng Ban Tuyên giáo lại “sắm” nhiệm vụ quen thuộc - điểm giao và nhận tiền đóng góp của hơn 300 CB, ĐV thuộc các chi bộ ấp, cơ quan, trường học. Ai cũng mang tâm trạng vui tươi, hớn hở với việc làm lo, nghĩ cho dân.
Anh Dương Hoàng Nam, Phó ban Tuyên giáo thị trấn Ngan Dừa đã quen với việc hàng tháng thay người nghèo nhận tấm lòng của CB, ĐV qua mô hình “Mỗi ngày, 1 nghìn đồng”. Anh Nam, hồ hởi: “Chúng ta đều nghĩ rằng, 1 nghìn đồng là số tiền rất nhỏ nhưng khi nhân nó lên trong nhiều ngày, cộng lại với nhiều người thì không còn là con số nhỏ. Vừa chăm lo cho người dân nghèo, việc làm này cũng giúp CB, ĐV học Bác đức tính tiết kiệm, tư tưởng thương dân, lo nghĩ đến dân”.
Những ngày đầu phát động, Đảng ủy thị trấn luôn trăn trở làm thế nào để mô hình trở thành “chất keo” gắn kết sức mạnh của CB, ĐV. Quyết tâm đó được cụ thể hóa khi cả hệ thống chính trị dồn sức cho “mặt trận” tuyên truyền. Vậy là, cụm từ “Mô hình mỗi ngày, 1 nghìn đồng” được xuất hiện dày đặc từ trong các văn bản chỉ đạo đến hoạt động chính trị, phong trào cách mạng ở địa phương. Từ một vài chi bộ tiên phong, mô hình nhanh chóng nhận được sự nhập cuộc của toàn thể CB, ĐV ở Ngan Dừa. Từ nhắc nhở rồi việc mỗi ngày tiết kiệm 1 nghìn, vài nghìn đồng thực hiện mô hình đã trở thành việc tự nguyện, thói quen của nhiều người. 
Kể từ khi thực hiện mô hình, ông Nguyễn Hoàng Vũ, Bí thư Đảng ủy thị trấn Ngan Dừa luôn tranh thủ nộp tiền ủng hộ sớm nhất. Là người đứng đầu Đảng ủy, ông muốn làm tấm gương, lan tỏa ý thức tự giác lo cho dân đến CB, ĐV. “Sau 3 năm thực hiện mô hình, việc tiết kiệm gây quỹ chăm lo cho hộ nghèo dần trở thành một thói quen hàng ngày trong CB, ĐV. Việc làm tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng trui rèn cho CB, ĐV thói quen yêu thương, trách nhiệm với dân. Không chỉ trong CB, ĐV, tinh thần vì người nghèo còn lan tỏa trong cộng đồng thông qua việc hộ khá, giàu tương trợ hộ nghèo làm kinh tế, đóng góp các nguồn quỹ chăm lo cho người nghèo”, Bí thư Đảng ủy thị trấn, tâm đắc.

* Ông Hồ Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) trao tiền hỗ trợ hộ nghèo. 
* Gia đình anh Nguyễn Thanh Cường cải thiện cuộc sống từ nguồn vốn của mô hình “Mỗi ngày, 1 nghìn đồng”. 
Ảnh: H.T

 

DÂN gặp KHÓ... Có CÁN BỘ
Có khi, suất hỗ trợ của mô hình chỉ là những nhu yếu phẩm (đối với hộ nghèo già yếu, neo đơn), cũng có khi là vốn làm ăn, phương tiện lao động, sinh hoạt… Không có sự quy định cụ thể, hình thức hỗ trợ của mô hình “Mỗi ngày, 1 nghìn đồng” được khuyến khích thực hiện hoàn toàn linh hoạt. Nghĩa là, người dân gặp khó khăn việc gì, thiếu hụt ở tiêu chí nào (theo chuẩn nghèo đa chiều) thì mạnh dạn giãi bày để CB, ĐV nắm và giúp đỡ.
Có mặt tại căn nhà tình thương do Đảng ủy - UBND thị trấn vận động xây cất, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc của gia đình anh Nguyễn Thanh Cường (ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa). Khi ước mơ an cư thành hiện thực, vợ chồng anh trở nên hăng say lao động, quyết chí thoát khỏi cảnh nghèo. Nhưng do thiếu vốn nên anh tìm đến CB, ĐV trình bày nguyện vọng và được xem xét hỗ trợ 3,5 triệu đồng từ mô hình “Mỗi ngày, 1 nghìn đồng”. Với số tiền này, anh Cường đóng khung, mua nguyên liệu về dệt chiếu tại nhà. Chịu khó lấy công làm lời, vợ chồng anh dệt thành phẩm từ 2 - 3 đôi chiếu/ngày, sau khi trừ chi phí thì lời từ 150.000 - 200.000 đồng.
Anh Cường, chia sẻ: “Nếu không có CB, ĐV thị trấn tận tình quan tâm, giúp đỡ thì gia đình tôi vẫn còn sống trong căn nhà lá dột nát. Đâu chỉ hỗ trợ vốn làm ăn, chính quyền địa phương cũng thường xuyên tới lui thăm hỏi, động viên gia đình chăm chỉ lao động. Đôi lúc, hành động nhỏ nhặt của các anh như quan tâm chuyện học, tặng tập vở cho các cháu làm gia đình rất cảm động, quý mến”.
Bên cạnh góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương, mô hình “Mỗi ngày, 1 nghìn đồng” còn ghi dấu ấn trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Điển hình là phần việc hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng để phụng dưỡng, tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Lãnh (ấp Xẻo Quao, thị trấn Ngan Dừa). Với nghĩa cử này, CB, ĐV thị trấn ngày càng chiếm được sự tin yêu, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng quần chúng nhân dân. “Đều đặn hàng tháng, các CB, ĐV lại đến tận nhà thắp nén hương cho các con của tôi đã hy sinh và thăm hỏi sức khỏe, tặng tôi phần quà. Cảm động trước tấm chân tình đó, tôi thường khuyên bảo các con, cháu phải biết ơn Đảng, Nhà nước, sống tuân thủ pháp luật, ra sức học tập, lao động để xây dựng và phát triển quê hương”, Mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Lãnh, tâm sự.
Mô hình “Mỗi ngày, 1 nghìn đồng” là một trong số rất nhiều phần việc điển hình về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Bạc Liêu. Những giá trị mà mô hình này mang lại đã chứng minh, học và làm theo gương Bác không nhất thiết phải là công trình, phần việc to tát, mà đôi khi những hành động nhỏ được xuất phát từ tấm lòng yêu thương, lo nghĩ cho nhân dân, và chỉ cần như thế là đủ để xây dựng một chính quyền gần dân, thu phục được lòng dân.
HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.