Bút ký

Một trang đời mở ra

Thứ Tư, 18/11/2020 | 15:14

(tiếp theo số báo 3392)

Khẩn hoang Nam Bộ. Ảnh: T.L

Sau một thời gian đào những con kênh không lâu, người Pháp bắt đầu tiến hành công cuộc “lấy đất ấy mà đắp lộ” theo lời nói của quan đầu tỉnh. Ví như năm 1901 triển khai làm lộ Bạc Liêu - Cà Mau. Hồi đó không gọi là Quốc lộ mà gọi là lộ Đông Dương. Ngày nay nó là Quốc lộ 1A, chỉ có vài đoạn như ở chợ Láng Tròn, Hộ Phòng được làm mới nên nó chệch đi.

Triển khai công cuộc đào kênh, làm lộ có hai vấn đề cần nói: Chính quyền ủng hộ, nuôi dưỡng giới tư bản công nghiệp của Pháp, nhưng lại bóc lột sức lao động dân bản xứ một cách thậm tệ.

Năm 1901 lộ Bạc Liêu - Cà Mau làm từng khúc, chính quyền chủ trương lộ ngang tổng nào thì tổng ấy làm, rồi huy động toàn bộ dân đinh của tổng ấy thực hiện việc đắp lộ. Luật của người Pháp lúc bấy giờ là mỗi dân đinh trong độ tuổi phải làm xâu (nghĩa vụ công ích) 2 ngày công trong một năm. Thế nhưng, khi làm xâu đắp lộ Bạc Liêu - Cà Mau, họ bắt dân làm khối lượng công việc đến 2 tháng chưa chắc đã xong. Đó là bắt mỗi người đắp 14m lộ chiều dài, chiều cao 0,5m và phải hầm 7m3 đất đỏ để phục vụ việc trải đường nhằm để đi mùa mưa. Đã thế, hương chức làng còn bắt dân đinh làm nhiều hơn khối lượng nêu trên. Ví như làng Vĩnh Mỹ, dân đinh bị bắt đắp đến 28m lộ mà không cho họ thêm một đồng nào. Chính quyền chỉ phát rượu công xi gọi là “thức uống hợp vệ sinh”. Rượu này lấy từ công xi rượu Bạc Liêu do đại điền chủ Trần Trinh Trạch, cha đẻ của Công tử Bạc Liêu làm quản đốc. Lúc bấy giờ dân làm xâu rất khổ, dân làng Hòa Bình phải bơi xuồng xa hơn 10 cây số, tận đồng chó ngáp của Phước Long mà lấy củi tràm về để hầm đất đỏ, chủ tỉnh khoe đã huy động mỗi ngày từ 10.000 - 12.000 dân làm xâu.

Năm 1825 mùa màng thất bát nặng nề, dân vô cùng đói khổ, cai tổng Thạch Hưng đã làm một báo cáo gởi lên Thống đốc Nam kỳ: “Bây giờ dân không biết đi đâu hết vì nội tổng tôi không có lúa, nó đi kiếm ăn đỡ đói… ”.

Từ lời than vãn này mà 11.484 dân bộ được giảm thuế thân để tiếp tục đào kênh đắp lộ Bạc Liêu - Cà Mau. Dân làng Hòa Bình - Vĩnh Mỹ đói khổ quá nên đình công, kéo lên tòa bố Bạc Liêu để khiếu nại rằng hương chức hội tề bắt họ làm nhiều hơn luật định.

Nói cho công bằng, công cuộc đào kênh, đắp lộ nêu trên đã thúc đẩy nhanh việc khẩn hoang ở Bạc Liêu - Cà Mau. Đến năm 1927 diện tích đất trồng lúa đã chiếm 34% so với diện tích tự nhiên. Trong khi đó vào 30 năm trước nó chiếm chưa đầy 5%. Lúa gạo bán ra khỏi tỉnh vì lẽ trên mà tăng nhanh. Năm 1893 bán ra được 316.000 tạ gạo, đến năm 1921 bán ra đến 2.733.330 tạ. Diện tích canh tác năm 1927 tăng so với năm 1926 là 72.440 mẫu.

Những số liệu trên cho chúng ta biết tình hình trưng khẩn đầu thế kỷ XX ở Bạc Liêu - Cà Mau là rất sôi động và tiến triển nhanh chóng. Và chúng ta phải hiểu rằng công lao ấy thuộc về những người nghèo khổ đi khẩn hoang lập nghiệp. Bởi họ là những người trực tiếp khẩn hoang.

Dân tứ xứ kẻ trước người sau về Bạc Liêu ngày một nhiều thêm. Trước đó, khi anh em Tây Sơn mà trực tiếp là Nguyễn Nhạc đã tấn công Cù Lao Đại Phố, hòng cắt đi hậu phương lớn của chúa Nguyễn, người Hoa chạy về Bạc Liêu rất đông và trước đó nữa, triều đình Mãn Thanh thất bại trong cuộc chiến thuốc phiện. Sự thất bại ấy có tác động sâu sắc đến đời sống Nhân dân, nhiều thợ thủ công phá sản, nông dân mất mùa, mất đất, nhà cửa… tạo ra một làn sóng dân Trung Quốc rời quê hương đi khắp các nước mà cầu thực. Trong số đó có rất nhiều người làm dân đinh cho thương thuyền Hải Nam chở đồ gốm, vôi ăn trầu… đến Bạc Liêu bán và mua lại sáp ong, bong bóng cá đường, heo con, cá khô… Những dân đinh này ở lại Bạc Liêu khi thương thuyền Hải Nam cập bến…

Người Hoa về Bạc Liêu đông đến nỗi đầu thế kỷ XX chợ Bạc Liêu giao tiếp buôn bán bằng tiếng Hoa. Đông đến nỗi Thiên Địa Hội đặt ra yêu sách với Thống đốc Nam kỳ đòi thành lập khu tự trị người Hoa ở Bạc Liêu. Đến năm 1916 ghi trong bộ tỉnh Bạc Liêu có 97.000 dân thì người Minh Hương chiếm đến 13.976 người, cộng thêm 5.916 người Hoa nữa. Một điều mà chúng ta nên nhìn nhận là họ tổ chức buôn bán, có tính chất quyết định hình thành chợ Bạc Liêu.

Còn người Khmer Nam Bộ cũng do loạn lạc mà kéo thêm về Bạc Liêu từ tỉnh Trà Vinh, An Giang khá đông. Năm 1882, Lamothe De Carrier cho điều tra dân số thì dân số Khmer chiếm số đông, chỉ sau người Việt.

Lực lượng khẩn hoang chủ yếu vùng Bạc Liêu là 3 dân tộc anh em Kinh - Hoa - Khmer. Họ đã chung lưng đấu cật thành một truyền thống tốt đẹp lâu đời.

Và có một điều trớ trêu rằng, thành quả khẩn hoang nhanh chóng ở miệt Hậu Giang nói chung và Bạc Liêu nói riêng, lực lượng chiếm số đông, trực tiếp khai hoang, sản xuất, chịu nhiều cực khổ nhất lại không được hưởng, mà miếng “mứt gừng” thơm tho, ngọt ngào ấy lại vào tay chính quyền Pháp, tay sai của họ và giới điền chủ lớn.

(còn nữa)

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.