Bút ký

Một trang đời mở ra

Thứ Sáu, 20/11/2020 | 16:38

(tiếp theo số báo 3393)

Kiếp tá điền. Ảnh minh họa: T.L

Trước tiên là Nhà nước Pháp, khi kênh đào, lộ đi ngang thì đất thổ cư cũng như đất canh tác nông nghiệp trở nên có giá cao gấp nhiều lần. Chính quyền Pháp tổ chức bán đấu giá và thu về một khoản tiền khổng lồ. Kế đến là khi diện tích canh tác lúa phình ra, Nhà nước cũng thu về những khoản tiền lớn từ thu thuế điền, thuế thân và thuế mua bán lúa gạo…

Còn đối với giới điền chủ, hương chức hội tề, quan lại… nói chung là những người có tiền được Nhà nước Pháp ủng hộ bằng chủ trương: Ai có tiền, có vật lực, nhân lực thì cứ tự do vào Bạc Liêu và Hậu Giang trưng khẩn, hễ quy tụ được 100 hộ và chịu trách nhiệm việc đóng thuế thân, thuế điền của họ thì cho làm trưởng thôn. Cứ thế, nếu tập hợp được 1.000 hộ thì làm trưởng làng. Chủ trương này đã giúp cho người có tiền được làm chủ điền lớn và cả làm quan nữa. Thời đó, chuyện rất phổ biến là chủ điền thu nạp dân tứ xứ mới về bằng cách giao ruộng cho họ thuê, lại cho vay lúa ăn, lúa giống, tiền bạc và cho mướn trâu làm. Thoạt nhìn, tưởng rằng họ làm phúc nhưng sâu xa họ trói buộc đời nông dân nghèo trong đồn điền của mình như một sợi dây thòng lọng mà không có cách gì bứt ra được. Cứ vay, cứ làm rồi trả nợ là hết, lại phải vay tiếp để mà sống.

Lúc bấy giờ người Pháp ban hành nhiều luật lệ về trưng khẩn đất mới rất phức tạp và thay đổi liên tục, khiến nông dân nghèo “thấp cổ bé miệng” và cư ngụ ở những làng quê xa xôi hẻo lánh không hiểu nổi, không theo kịp. Thế là khi tiến hành lập bộ điền mới chính là cơ hội để điền chủ, quan lại, hương chức hội tề kê khai đăng ký vào bộ mảnh ruộng mà trước đó người khẩn hoang đã khai phá làm ruộng lâu rồi, nhưng không rành luật lệ để làm giấy đất. Thế nên người khẩn hoang ôm hận nộp lúa ruộng cho điền chủ trên chính mảnh đất mà họ mới là chủ thật sự. Còn nếu như vì hận quá mà bỏ đi, dang lưng ra mà khai hoang mảnh đất khác, đến khi lúa thu hoạch sẽ có từng khạo đến “vét nồi giũ ống” vì cái mảnh đất mới ấy, trước đó cũng đã được chính quyền cấp cho điền chủ rồi.

Vụ án thương tâm của gia đình ông Mười Chức ở làng Phong Thạnh (quận Giá Rai), năm 1928 là một điển hình. Năm 1917, Mã Ngân - một điền chủ giàu khét tiếng ở Giá Rai đã mua miếng đất của bà Nguyễn Thị Dương và cho thêm tiền để bà này ký giấy bán đất trùm lên miếng đất 73 mẫu, chưa có giấy tờ hợp lệ của anh em ông Mười Chức, đã trực tiếp khẩn hoang và canh tác hai đời. Anh em Mười Chức khiếu nại nhiều năm, nhiều cấp nhưng chính quyền lúc đó vẫn công nhận đất ấy là của Mã Ngân. Từ đó dẫn đến xung đột đẫm máu khiến gia đình Mười Chức chết 5 người, máu nhuộm đỏ sân lúa của họ. Trước đó, năm 1927 cũng xảy ra một vụ án tương tự, mà người đời gọi là vụ án Chủ Chọt ở làng Ninh Thạnh Lợi (quận Phước Long). Báo chí Pháp và cả báo Việt ngữ thời bấy giờ cho rằng nó là biểu hiện của sự khủng hoảng chính sách khẩn hoang của người Pháp. Còn ta, ta nhìn nhận đó là một hiện tượng đặc biệt về sự phản kháng dữ dội của nông dân Việt Nam.

Có một thống kê chính thống rằng số lượng điền chủ ở Bạc Liêu ít nhất nước, chưa đầy 2%, nhưng lại chiếm nhiều ruộng đất nhất nước, khoảng 95%. Theo đó, Trần Trinh Trạch, cha đẻ của Công tử Bạc Liêu chiếm 110.000 mẫu đất trồng lúa và 11.000 mẫu đất làm muối. Đứng thứ hai là điền chủ Vưu Tụng chiếm 75.000 mẫu; thứ ba là Châu Oai chiếm 40.000 mẫu; thứ tư là Đốc phủ xứ Cao Minh Thạnh, thân sinh của nhân sĩ yêu nước, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Cao Triều Phát; kế đến là Huỳnh Hữu Phước và anh em Mai Hữu Quỳ, Mai Hữu Kiến, kế nữa là Quách Ngọc Đống mà ngày nay vùng Phong Thạnh - Giá Rai dân gian còn gọi là điền chủ Đóng. Ngoài ra còn 8 chủ điền Tây cũng chiếm rất nhiều ruộng đất.

Quá trình khẩn hoang thời Pháp thuộc là một bức tranh ảm đạm, đại bộ phận lưu dân khẩn hoang đều không được làm chủ ruộng đất. Họ sống kiếp làm thuê với đời nghèo tả tơi manh áo. Họ xuất thân từ thân phận thấp hèn, cơ nhỡ, họ chạy loạn chiến tranh do giặc Pháp gây ra, họ muốn chối bỏ ách địa chủ thực dân với phận tá điền đầy nợ nần và nghèo khó từ miệt Tiền Giang hay mạn ngoài xa xôi, họ là những người thất cơ lỡ vận… khoác lên mình cuộc đời tha phương cầu thực, thân phận cơ nhỡ để về đất mới với một khát vọng cháy bỏng là được làm chủ ruộng đất, được đổi thay số phận.

(còn nữa)

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.