Bút ký

Một trang đời mở ra

Thứ Tư, 13/01/2021 | 16:38

(tiếp theo số báo 3416)

Minh họa: B.T

Sau phút xúc động khi xem thơ của anh Ba, má tôi bình tĩnh nhìn con dâu tương lai từ đầu đến chân, rồi gật đầu hài lòng. Con gái ruộng mà chị Cưởng trắng như bông bưởi. Đôi mắt bồ câu ướt rượt, sống mũi dọc dừa, đôi má son hồng như dồi phấn, cái miệng cười hồn nhiên, hiền lành. Má tôi ôm chị, vuốt mái tóc đen huyền chấm lưng của chị âu yếm như vuốt tóc con gái. Đêm đó, chị Cưởng vào buồng ngủ với má tôi, chị ôm má tôi vừa thủ thỉ vừa khóc.

Nhà chị ở Hòa Tú (một xã của tỉnh Sóc Trăng ngày nay), cũng làm ruộng và nghèo như nhà tôi. Chị có cha mẹ già, một đứa em gái và một người anh thứ Hai. Thập niên 60 (thế kỷ XX), quân đội Mỹ leo thang chiến tranh thì quê chị chìm trong đạn bom, máu lửa. Năm 1967, máy bay bỏ bom làm sụp hầm, giết chết mẹ và em gái chị.

Cũng như anh Ba tôi, anh Hai chị lên đường tham gia kháng chiến. Chị sống côi cút với cha già. Dường như có duyên số sắp đặt, anh Hai chị là Đại đội trưởng của Tiểu đoàn Phú Lợi I, thủ trưởng của anh Ba tôi. Đơn vị Phú Lợi I đóng quân ở Hòa Tú rất thường nên anh Hai chị hay dẫn anh Ba tôi về nhà mình chơi. Đến năm 1970, anh Hai chị hy sinh trong một trận chống càn ở Sài Ca Nã. Sau biến cố này, ba chị tưởng như không còn chịu đựng được nữa, may nhờ có anh Ba tôi hay đến động viên, an ủi nên ba chị cũng dần nguôi ngoai. Mỗi khi đóng quân gần, anh Ba tôi dẫn quân về nhà chị gặt lúa dùm rồi kéo lúa vào sân. Chị Cưởng bảo anh Ba tôi giỏi lắm! Mỗi lần ghé thăm là leo lên thóc nóc nhà cho chị, hay sửa cái giàn bếp, khi thì sên dùm cái đìa… Anh làm những việc ấy bằng tấm lòng của đứa con trai trong nhà. Nghĩa cử đó làm cho chị cảm mến anh Ba, còn ba chị thì bảo: “Tao phải gả con Cưởng cho thằng Ba Đờn thì mới yên cái bụng”. Từ đó, việc hôn nhân giữa chị và anh Ba mới thành sự.

Nửa đêm, tôi nghe chị Cưởng và má tôi sụt sịt khóc. Chị bảo đời chị côi cút, đau thương. Giờ đây có anh Ba Đờn, có gia đình tôi, chị xem như có gia đình mới của chị, chị cảm thấy được an ủi, bù đắp nên mừng lắm. Chị bảo, trước khi chị vô đây, ba chị dặn vào nhà tôi lo tết với gia đình chồng để tạo tình thân. Thế là chị ở nhà tôi từ Rằm tháng Chạp đến mồng Bốn tết chị mới về. Suốt thời gian ấy, chị quấn quýt với mẹ và em chồng. Chị tắm rửa, kỳ cọ cho tôi và con Diệu. Chị thoa dầu dừa rồi chải đầu, bắt chí cho má tôi. Chị không cho má tôi làm động móng tay, còn chị thì làm việc không nghỉ tay. Gà gáy chập đầu, chị đã thức dậy lọ mọ vo gạo nấu cơm rồi dọn dẹp bếp núc. Sáng sớm, chị ra vườn chẻ củi, tét lá dừa, rồi đi rọc lá chuối để phơi, chuẩn bị gói bánh tết. Thời gian ở nhà tôi, chị chẻ củi chất thành một cự to ở sau hè và tét mấy chục bó lá dừa để nhóm lửa chất bên chái bếp mà má tôi dùng nửa năm cũng không hết. Chị bảo anh Ba Đờn thương má lắm! Giờ anh bận lo việc nước nên chị thay anh đỡ đần cho má được chút ít là chị mừng rồi. Nghe chị nói, má tôi ôm chị mà rơm rớm nước mắt.

Chị bảo mấy tháng trước chị ướm thử hối anh làm đám cưới. Anh bảo ráng chờ độc lập, đám cưới có ba má và các em dự cho vui. Chờ anh bao lâu chị cũng chờ được, nhưng chị sợ. Một nỗi sợ mơ hồ rồi rõ dần thành nỗi ám ảnh triền miên.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, đơn vị anh Ba chiến đấu liên miên. Mỗi lần anh về là y như trên người anh có thêm một vết thương. Chị sờ lên những vết thương ấy mà khóc. Khi anh đi, mỗi lần nghe bom rền pháo dội xa xa là chị đứng ngồi không yên.

Nỗi sợ của chị Cưởng cũng là nỗi sợ của ba má tôi. Tại làng tôi, chết chóc cứ rình rập. Chiều, con đầm già vẫn lượn lờ phóng pháo, đêm thì pháo 105mm từ chợ Bạc Liêu vẫn bắn ra. Nhưng đó không phải là nỗi sợ lớn của ba má tôi, mà nỗi sợ của hai người ở phía Vàm Lẽo - nơi anh Ba tôi đang xông pha trận mạc.

(còn nữa)

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.