Bút ký

Một trang đời mở ra

Thứ Hai, 22/02/2021 | 16:48

(tiếp theo số báo 3429)

Nhà văn Phan Trung Nghĩa. Ảnh: Internet

Tôi cũng xúc động trước cuộc hội ngộ ngẫu nhiên và đầy thú vị này. Tôi thay mặt anh Bé gắp thức ăn cho từng người. Đây là món chim nấu chanh muối, món chuột đồng chiên giòn do tôi và anh Bảy Chánh mang từ Bạc Liêu xuống; nọ là món mắm cá lóc đồng chưng cách thủy, kia là món ba khía xé trộn chanh đường, rau thì có đọt choại… Tôi thầm khen anh Bé, cơ cấu món ăn của anh thật xứng tầm, ăn vào là nhớ đồng ruộng Bạc Liêu cò bay thẳng cánh, nhớ U Minh bốn bề là tràm, nhớ Rạch Gốc rừng đước giăng giăng. Đó là những nơi 40 năm trước có những người con của Báo Minh Hải lặn lội từ trong chiến tranh đi ra hòa bình, rồi được Đảng giao gây dựng tờ báo Đảng, có những người sau giải phóng tập tành làm báo, sống trong cảnh đói khát đi làm báo cho Đảng, cho dân. Bàn chân chúng tôi đã sải khắp đồng bưng sông ngòi rừng rậm của hai tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau. Ở đâu cũng ghi lại trong tim chúng tôi thật nhiều kỷ niệm. Đó là tình yêu đất địa mà chúng tôi đã lấy nó làm hành trang để bôn ba làm báo, mà nếu không có nó chúng tôi không biết làm báo để làm gì?

Đầu tiên tôi gắp thức ăn cho anh Bảy Minh, kế đến là anh Bảy Chánh, đó là hai ông già của buổi họp mặt. Anh Bảy Minh thì đã 79, anh Bảy Chánh cũng đã 71 tuổi rồi. Họ không chỉ là người lớn tuổi nhất của buổi tiệc mà đây còn là hai cánh chim đầu đàn của làng báo Minh Hải và cũng là hai ông thủ trưởng của tất cả chúng tôi. Thời gian cứ đi miết, tóc xanh rồi tóc bạc. Mới đó mà đầu anh Bảy Minh đã bạc trắng, miệng móm mém, bệnh ngày càng nhiều, còn anh Bảy Chánh cũng đã có những biểu hiện của người già.

Kế đến, tôi gắp thức ăn cho 3 ông anh cùng 60 tuổi (tuổi ta), đó là anh Nguyễn Bé, Phi Thường và Trần Thanh Quang. Anh Bé về công tác Báo Minh Hải trước tôi 3 năm. Thời trai trẻ tất cả chúng tôi đều có biệt danh, ví như tôi là Nghĩa “hụm”, bạn bè anh em đặt cho căn cứ vào đặc điểm của người đó. Tôi là Nghĩa “hụm” vì tôi có tật cà lăm. Còn anh Bé thì chúng tôi gọi là Bé “đỏ”. Chữ đỏ ở đây không chỉ cái nhận thức, lập trường của anh Bé mà nó đỏ từ cái màu đỏ của một bộ phận trong cơ thể của anh. Còn anh Phi Thường thì có cái tên là Năm “ngạnh”, chữ ngạnh ở đây là từ khuôn mặt khá đẹp trai của anh lại có hai cái quai hàm bạnh ra giống như hai cái ngạnh. Còn Trần Thanh Quang thì gọi là Quang “lùn” vì chiều cao “khiêm tốn”.

Ba con người này tôi quen và chơi với nhau từ gần 40 năm trước. Tuy công việc khác nhau nhưng tình cảm thì giống nhau. Hồi tôi ở Báo Minh Hải, anh Bé là Bí thư Chi bộ, anh đã góp phần kèm cặp giúp đỡ tôi, chính anh là một trong 2 người giới thiệu tôi vào Đảng. Tình cảm anh Bé dành cho tôi chan chứa mà âm thầm. Khi tỉnh Minh Hải chia tách, tôi về Bạc Liêu, sau đó mấy năm, anh là Tổng Biên tập Báo Cà Mau, anh lặng lẽ giới thiệu nhiều tác phẩm của tôi trên báo Cà Mau. Trong mắt tôi, anh Bé là một người anh chân thành, tâm hồn trong veo, tuy có lúc nhậu vô la chói lói, thấy ghét.

Còn anh Phi Thường cũng về Báo Minh Hải trước tôi 3 năm. Đó là một con người thông minh và khôn ngoan, lại có mặt mạnh trong nghề báo. Cách đây gần 40 năm, anh viết bút ký “Làng rừng” mà đến giờ tôi và nhiều người vẫn nhớ! Từ Báo Minh Hải anh chuyển công tác về Đài PT-TH tỉnh Cà Mau và sau đó về Đài Truyền hình Việt Nam khu vực Cần Thơ như đã kể trên.

Do không có điều kiện gần gũi, ít chơi nên tôi phai nhạt với anh Thường. Thế nhưng gần đây thì tôi đột nhiên quý anh, tình cảm cũ đã phục hồi dần. Thấy chức cao vọng trọng như thế, nhưng anh Thường không phải là người lạt tình. Hôm anh đến dự tiệc không quên mang theo một món quà quý trị bệnh tặng anh Bảy Minh, thủ trưởng cũ của mình. Trước đó khi về chỉ đạo chương trình “Giai điệu phương Nam” do Đài PT-TH tỉnh Bạc Liêu đăng cai, anh rủ tôi ra nhậu, rồi kêu tôi chở anh lại nhà thăm anh Bảy Chánh, nhân đó anh tặng 10 triệu đồng cho cháu ruột anh Bảy để hỗ trợ in tập thơ. Tập thơ đó là của Trần Văn Chiếm - một tác giả thơ nghèo, vốn là bạn cũ của tôi và anh Thường. Chưa hết, mỗi lần tôi đề nghị hỗ trợ tuyên truyền cho Bạc Liêu, anh đều đồng ý. Nghĩa cử của anh Thường làm tôi xúc động. Và rồi tôi chợt thương anh như thương những ông anh đã giao tình với mình gần 40 năm trước.

Còn Trần Thanh Quang, mặc dù là kẻ ngoại đạo nhưng tôi buộc phải kể vì nó gắn bó giao tình như đã nói trên. Tôi quen anh Quang trước hơn anh Thường, anh Bé một năm. Đó là lúc Tỉnh đoàn cử anh và Ngô Hải cùng nhiều anh chị em khác vào nhà tôi ở đậu để làm ruộng tự túc cho cơ quan, mà tôi đã kể.

Trần Thanh Quang không làm báo, không viết báo, Trần Thanh Quang chỉ đọc tất cả những bài báo của những nhà báo mà Trần Thanh Quang thân quen. Chỉ có vậy thôi mà tất cả những nhà báo thời Minh Hải, dù có bôn ba tận Sài Gòn cũng đặt mối giao tình sâu nặng với anh. Quang là người “chịu đấm ăn xôi”, mỗi khi có các nhà báo cũ từ xa về là Quang cảm thấy mình là người có trách nhiệm đứng ra chịu đòn. Đó là những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng, nằm lăn lóc với nhau. Tôi chưa bao giờ thấy Trần Thanh Quang bỏ trốn tiệc nhậu. Anh tốt tánh với anh em báo chí như thế nên có lúc tôi ngỡ anh là người trong nhà.

(còn nữa)

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.