Bút ký

Một trang đời mở ra

Thứ Tư, 03/03/2021 | 17:01

(tiếp theo số báo 3433)

Sau khi phụ trách viết mảng tiểu thủ công nghiệp một năm thì tôi được phân công làm phóng viên thường trú. Huyện đầu tiên tôi được phân công về là Cái Nước. Mỗi lần đi công tác huyện là mất 2 ngày, tiền tàu xe, ăn uống là đi tong khoản tạm ứng cho 15 ngày xuống huyện. Thế là 13 ngày còn lại, không có cách nào khác, anh nhà báo lại phải dựa vào cơ quan huyện và Nhân dân trong huyện mà sống. Hồi đó các cơ quan huyện còn khó hơn tỉnh về tài chính. Ở ngoài Bắc, cán bộ tỉnh xuống huyện là phải mang gạo theo hoặc phải nộp vào cơ quan mình thường trú một khoản kinh phí cho suất ăn, còn ở Minh Hải thời đó không ai nhận tiền, gạo của cán bộ tỉnh bao giờ. Việc này tạm hiểu là nó xuất phát từ tố chất hào phóng, nghĩa hiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng có điều là anh cán bộ tỉnh phải nhảy vào “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với địa phương. Việc này có khẩu hiệu hành động cách mạng chứ chẳng phải chơi. Hồi đó tôi thường được bố trí ăn ở tại Văn phòng Huyện ủy hoặc Ban Tuyên huấn huyện. Xuống tới là tôi cùng với mấy anh chị đi chẻ củi nấu cơm rồi cùng anh Tư Bình, cán bộ Ban Tuyên huấn huyện đi đặt lờ, đặt lợp. Cũng may, thuở ấy cá mắm nhiều lắm. Vài tiếng sau khi đặt lờ đi thăm là cơ man nào là cá sặc rằn, sặc bướm, cá lóc, cá rô, thậm chí có bữa còn bắt được vài chú rùa, rắn to mỗi con cả ký. Sau đó chỉ hái mớ bông súng non, bạc hà ở cạnh cơ quan, vậy là có một bữa cơm thịnh soạn, ngon hơn gấp nhiều lần bữa cơm của chị Hiếu ở Báo Minh Hải. Phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” nó hay lắm đối với nhà báo mới tập tễnh vào nghề như tôi. Đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm thì rất dễ đồng cảm. Đồng thời nhà báo sống trong đời sống sự kiện nên rất dễ nắm bắt tình hình, có nguồn có cội đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương.

Một bận, tôi mới xuống, chế Năm Nga, Chánh Văn phòng Huyện ủy cười rất hồn nhiên rồi bảo: “Ê nhà báo, mày vô đây chế tặng mày cái này”. Tôi vào văn phòng, chế Năm mở tủ ra đưa cho tôi chiếc nón tai bèo mới tinh. Dưới vành mũ nón còn thêu dòng chữ đỏ “Chế Năm Nga tặng em Trung Nghĩa”. Tôi không nói câu nào mà ngồi thừ ra ôm món quà mà ứa nước mắt. Đó thật sự là món quà quý, thời đó vải vóc đắt đỏ khan hiếm, mua được một khúc vải ly phăng màu xanh để may nón tai bèo là không phải dễ. Và nó càng quý hơn là chế Năm ngồi nhiều đêm để may nón và thêu 7 chữ tặng tôi. Thời đó không phải ai cũng may, thêu được, thường thì những người chị xuất thân làm cán bộ thoát ly đi kháng chiến hay học được kỹ năng này.

Tôi xúc động bao nhiêu thì chế Năm Nga hồn nhiên bấy nhiêu. Đó là cách cư xử rất bình thường đối với mấy chị cán bộ thời ấy, phẩm chất này được trui rèn trong cuộc chiến tranh đầy gian khổ, hy sinh.

Một bữa, anh Năm Thạo, Phó Ban Tuyên huấn Huyện ủy nháy mắt với tôi: “Ê chiều hai anh em mình, rủ thêm thằng Tư Bình về nhà anh. Đêm hôm anh đổ lợp được 2 con rùa, chắc hơn 2kg, để lâu nó ốm, tối nay 3 anh em mình “trảm” nó cho rồi”.

Nhìn đôi mắt tinh ranh của Tư Bình, tôi linh cảm rằng không đơn giản chuyện anh Năm Thạo rủ về nhà ăn rùa. Chiều mưa dầm lê thê, tôi ngồi giữa chiếc xuồng ba lá cho Tư Bình chèo, còn anh Năm thì ngồi trước mũi  phì phèo điếu thuốc gò to bằng ngón tay để xua bầy bù mắt và đàn muỗi đang rượt theo. Chúng tôi đi từ sông Cái Nước rồi rẽ vào kênh, qua lung bàu… đến vùng nông thôn heo hút mới tới nhà anh Năm Thạo. Tháng mưa, đất vùng hai của tỉnh Minh Hải thời ấy trông u buồn mà chan chứa hồn đất, tình quê. Đồng nước nổi mênh mông, những bờ bao của những mảnh vườn thửa ruộng đầy chuối, dừa. Giữa ruộng mọc đầy năn, cỏ, bồn bồn, nông dân phải phát những thứ này rồi cào thành bờ giồng và cấy những giống lúa rất dài ngày mà năng suất chỉ dăm ba giạ một công. Được cái, dưới làn nước là từng bầy cá sặc bổi, cá rô, cá lóc… chạy thành đàn. Lại có rùa, lươn, rắn… nhiều không sao kể xiết.

Hồi ấy vùng Cái Nước, Đầm Dơi, U Minh là cái túi, vựa cá đồng của tỉnh Minh Hải. Mới đây, khoảng một năm, tôi lần dò về chốn cũ, nơi mà gần 40 năm trước tôi sải bước chân nhà báo tuổi 20 thì cảnh quan thật tiêu điều, những hàng dừa cao trật ót, ghi dấu sự hình thành lâu đời của làng xóm và chấm phá thêu dệt một nét duyên quê đầy hồn phách cho vùng hai cũ giờ cụt đầu gãy ngọn giống như có một trận B52 bừa qua nơi này, thời chiến tranh.

(còn nữa)

PHAN TRUNG NGHĨA

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.