Văn hóa - Nghệ thuật
Muối Bạc Liêu mặn và... ngọt trong câu vọng cổ
Buổi trưa thả mình miên man trên cánh võng sau hè, tôi mê đắm bởi câu vọng cổ ngọt ngào từ chiếc radio của ngoại: “Muối Long Điền vẫn mặn nghĩa thủy chung, sao người con gái đồng bưng vội rời xa quê biển…”. Lắng nghe từng câu chữ trong bản vọng cổ của soạn giả Ngô Hồng Khanh, mới thấy muối Bạc Liêu quê mình vào vọng cổ thật ngọt ngào, da diết… .
Ca dao dùng muối và gừng để ngợi ca tình nghĩa son sắt của vợ chồng: “Muối ba năm muối đang còn mặn/ Gừng chín tháng gừng hãy còn cay. Đôi ta nghĩa nặng tình dày/ Có xa nhau đi nữa, cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”, hay “Tay bưng dĩa muối chấm gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau”… Trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đề cập đến muối và gừng để thể hiện tình cảm vợ chồng thủy chung - một trong vô số cái nghĩa tình cấu thành tên “Đất nước”: “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Nay, trong một bản vọng cổ, lại một lần nữa nhắc đến muối mặn - gừng cay, nhưng là hạt muối với “đích danh”: Muối Bạc Liêu.
![]() |
Thu hoạch muối ở xã Long Điền Tây. Ảnh: M.Đ |
Nếu vị soạn giả ở thế hệ tiền bối như Ngô Hồng Khanh mượn vị mặn - ngọt của muối Bạc Liêu để nói về tâm sự của chàng trai bị người yêu phụ rẫy (có thể vì nghịch cảnh nào đó) thì lớp sáng tác trẻ hơn, chẳng hạn như tác giả Vưu Long Vỹ cũng có lần mượn hạt muối Bạc Liêu để gieo vào lòng khán giả những tâm trạng u hoài, khắc khoải với bản vọng cổ nhịp 16 Chiều trên đồng muối Kinh Tư. Không khắc khoải sao được khi nghe tâm trạng như bật thành nước mắt của người con gái Kinh Tư: “Em mơ thành vợ thành chồng, cùng anh cuối đất cùng trời, mơ ngày loan phụng hòa đôi, ước mơ trọn vẹn. Ngờ đâu mưa giông tàn phá, muối chưa kết hạt thành đôi, đôi ta hai ngả chia lìa”. Nhưng người con trai mà cô gái mơ thành vợ thành chồng đã không trở lại để cô gái nghe như “muối Kinh Tư mặn đắng trong lòng”… Muối mặn thủy chung, biển quê son sắt… những hình ảnh thật đắt giá mà tác giả Vưu Long Vỹ sử dụng trong bản vọng cổ nhịp 16 cũng đã chiếm trọn cảm tình của khán giả trong Liên hoan hát ru, hát dân ca cổ truyền được tổ chức tại Bạc Liêu cách đây chưa lâu. Bài ca khiến nhiều người hiểu hơn về vị ngọt thủy chung của muối Bạc Liêu, cũng như vị mặn đắng của muối ấy khi tình yêu son sắt không được đáp trả bằng sự sắt son…
Đằng nào đi nữa, dù mặn hay ngọt, muối Kinh Tư, muối Long Điền và tựu trung là hạt muối Bạc Liêu thật đặc biệt khi nó ngọt ngào trong từng câu vọng cổ. Phải chăng, đó tiếp tục là sự kết tinh thêm những hương vị ngọt ngào cho âm nhạc Việt Nam bằng chính vị mặn pha lẫn ngọt ngào đặc trưng của hạt muối Bạc Liêu!
CẨM THÚY
- Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình đến Bạc Liêu dự mít-tinh kỷ niệm Ngày 30/4
- Lãnh đạo Tỉnh ủy kiểm tra các hạng mục khánh thành Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu
- Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 - năm 2025
- Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng biểu diễn nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân khu vực biên giới biển
- Thẩm định khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất