Văn hóa - Nghệ thuật
Ngẫu hứng cùng Bạc Liêu...
Đắm hồn mình vào những câu ca vọng cổ trong trích đoạn cải lương “Tiếng trống Mê Linh”, nhà văn Trầm Hương (tác giả kịch bản phim “Người đẹp Tây Đô”) diễn “phiêu” đến mức thu hút khá nhiều du khách ghé vào xem.
Khách phương xa cứ ngỡ chị là thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Âm vang Dạ cổ chuyên phục vụ du khách đến với Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (gọi tắt là Khu lưu niệm).
Từ trái sang: nhà văn Hoài Hương, nhà văn Trầm Hương, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, anh Nguyễn Huy Thái - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu và hướng dẫn viên Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Nhà văn mê ca cải lương
Hôm ấy, trong nhiều đoàn khách đến với Khu lưu niệm, có một số vị khách khá đặc biệt: nhà báo, “cây phóng sự” Huỳnh Dũng Nhân; nhà văn Trầm Hương; nhà văn Hoài Hương đến từ TP. Hồ Chí Minh. Là giám khảo cuộc thi bút ký văn học Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022, các vị về Bạc Liêu tham gia lễ tổng kết giải và dĩ nhiên dành thời gian để đi và có những phút giây ngẫu hứng cùng đất và người Bạc Liêu.
Nghe xong 2 tiết mục biểu diễn của CLB Âm vang Dạ cổ thì nhà văn Trầm Hương đã không giấu được đam mê của mình. Chị “xung phong” lên giao lưu bằng một tiết mục trích đoạn vở “Tiếng trống Mê Linh”. Cả gian phòng im lắng để chìm theo giọng ca ngọt trầm của chị. Không khó để nhiều người nhận ra chất giọng này gần giống cố nghệ sĩ Thanh Nga. Càng bất ngờ hơn, khi những trích đoạn cải lương chị chọn để giao lưu toàn là những vở bất hủ đã gắn liền với nữ cố nghệ sĩ này. Trích đoạn vở “Bên cầu dệt lụa” lại tiếp tục được nhà văn Trầm Hương biểu diễn ngay sau đó. Có đôi chỗ quên lời, chị phải nhờ anh em trong CLB “nhắc tuồng”.
Không khí giao lưu cởi mở ấy khiến cho gian phòng không còn là nơi để biểu diễn phục vụ mà là một sân khấu nhỏ cho những lời ca, câu vọng cổ được ngân lên, không câu nệ ai là chủ nhà, ai là khách! Khi nhìn ngắm sự giao lưu này, tôi trộm nghĩ, vọng cổ vẫn là “món ăn tinh thần” làm say lòng bao nhiêu người. Và Khu lưu niệm của Bạc Liêu khi ấy bỗng dưng như trở thành một bảo tàng cải lương, bảo tàng về nghệ thuật ĐCTT để người ta tìm đến với nhau bởi một niềm đam mê chung.
Nhà văn Trầm Hương giao lưu với trích đoạn cải lương “Tiếng trống Mê Linh”. Ảnh: C.T
Nhà báo sáng tác thơ, vọng cổ
Tôi vừa gửi bản vọng cổ “Khúc ngẫu hứng Bạc Liêu” - bản đã được ghi hình cho anh Văn Công Diệp - Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu. Bản vọng cổ do tác giả Trần Tuấn Kiệt viết dựa trên bài thơ cùng tên của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã được nhà báo sáng tác cách đây vài năm, nhân chuyến về Bạc Liêu giảng dạy một lớp nghiệp vụ báo chí. Sở dĩ tôi gửi cho Giám đốc Nhà hát vì đã hơn một lần, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ, ông muốn làm sao để bản vọng cổ này được hát, được biết rộng rãi hơn. Bởi vì đó là tình cảm ông gửi gắm cho Bạc Liêu sau những chuyến đi - về, yêu mến mảnh đất và con người nơi đây. “Đêm Bạc Liêu anh chong đèn chép nhạc. Bài Dạ cổ hoài lang miền quê em tha thiết quá. Nhớ nhớ, thương thương bồi hồi đến lạ, khiến lòng anh da diết đắm say… rồi”. Không chỉ vậy, bản vọng cổ viết từ ý thơ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân còn tha thiết với“nỗi nhớ ngút ngàn quay cuồng như cánh quạt điện gió”, “điệu nhạc, hương cau, vị trà, hơi đất, dịu dàng như hoa, ngọt ngào như mật”, với muối trắng, phù sa... Những điều tưởng bình dị, mộc mạc nhưng hóa thành nỗi nhớ niềm thương để có một “Khúc ngẫu hứng Bạc Liêu” đặc biệt được viết nên.
Bạc Liêu với bản Dạ cổ hoài lang, với Khu lưu niệm mà nhiều người quen gọi là bảo tàng nghệ thuật ĐCTT, với những cánh quạt điện gió ngoài khơi, những đồng muối trắng... mà đủ vấn vương bao người khi đến nơi này. Bởi trong từng câu ca, hay từng hạt phù sa, muối mặn có cái tình Bạc Liêu trong đó. Là cái sâu nặng của nghĩa vợ tình chồng để bác Sáu Lầu viết nên khúc nhạc lòng, là lòng thủy chung với cái nghề nhọc nhằn để cho bây giờ Nghề muối cũng trở thành Di sản phi vật thể quốc gia và không xa sẽ “làm nên chuyện” khi phục vụ du khách đến với Bạc Liêu (đã có ý tưởng về khu du lịch cánh đồng muối của một nhóm sinh viên Bạc Liêu)...
Bạc Liêu gây cảm tình và tạo nên “khúc ngẫu hứng” cho người đến nơi này, bởi những điều bình dị mà sâu lắng thế đó.
Nhật Quỳnh