Ký ức một thời

Ngôi nhà cũ

Thứ Sáu, 26/06/2020 | 16:33

Ngôi nhà ấy là tổ ấm chở che sáu thành viên trong gia đình tôi. Sự chở che không chỉ mang ý nghĩa mái nhà bằng vật chất để chúng tôi được kín mưa kín nắng qua bao tháng năm, mà sự chở che ấy ấm áp hơn nhiều từ những yêu thương trao gửi cho nhau nơi đó - nơi đã giữ cho chúng tôi những ký ức đẹp chưa bao giờ phai nhòa trong tâm trí.

Ngôi nhà cũ bị xóa sạch vết tích trong nỗi luyến tiếc của cả nhà tôi. Đó là vào những năm 1999 - 2000, Bạc Liêu thực hiện những dự án xây dựng quy mô để kiến tạo một trung tâm hành chính của tỉnh bề thế, khang trang như hiện nay. Vị trí căn nhà ấy nằm ngay phía sau Trung tâm Văn hóa tỉnh bây giờ.

… Ngôi nhà cũ lọt thỏm trong khuôn viên trên 2.000m2, nằm ở cuối xóm - một cái xóm vốn đã vắng, ngôi nhà cuối xóm càng quạnh hiu hơn! Xung quanh người ta làm ruộng, có những khoảnh đất còn là nơi yên nghỉ của người quá cố. Con đường dẫn vào nhà tôi một bên được rào bằng hàng rào me keo (một thứ cây có gai, trái chín căng mọng, thơm ngọt mà bọn trẻ thời ấy rất mê), một bên là những cái ao cha tôi đào để nuôi cá. Trên bờ ao, chị em tôi trồng các loại hoa, thường là hoa mười giờ, gần tết thì trồng vạn thọ, bình minh, soi nhái… Giữa không gian bao la, vắng vẻ, xa xa còn có những cái mả đất, đám bạn chị em tôi đến chơi hay hỏi “bộ ở vậy không sợ ma hả?”. Đó chỉ là câu hỏi của mấy đứa… nhát gan, còn mấy đứa khác thì mê lắm, vì xung quanh nhà đất rộng, vừa có vườn, vừa có ao cá, chúng tôi tha hồ… quẫy. Vườn có rất nhiều loại cây như mãng cầu gai, ổi, đu đủ, táo, khế… nên quanh năm lúc nào cũng có thứ để hái ăn. Ao thì nuôi cá phi, cá trắm cỏ, cá mè, cá chép… Nhớ lắm mỗi mùa tát đìa, cá tươi mẹ đem bán, cá ngộp mẹ làm mắm hoặc phơi khô.

Trên đất vườn, dưới ao đìa, cha đổ mồ hôi, sức lao động của mình để chúng tôi có được  những bữa cơm ngon. Cha tôi không bao giờ ngơi nghỉ đôi tay chai sần của mình để vun đắp cho mái nhà và tổ ấm của chúng tôi. Khi thì lợp mái chòi trên ao để nuôi gà công nghiệp, khi thì quần quật chở từng bao tấm, bao cám, thùng cơm cặn về nuôi heo, nuôi vịt. Lời bài hát “Mẹ tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến như cứa vào tim mỗi khi tôi nhớ về thời vất vả của cha: “Ngày xưa bên giường cha nằm, mẹ ngồi xa vắng, nhìn cha, thương cha chí lớn không thành”. Cha không chút danh phận trong xã hội nhưng là người thầy lớn của mấy chị em chúng tôi! Cha dạy chúng tôi bằng chính nhân cách của mình. Người hay biếu người nghèo trong xóm khi thì bọc trái cây, khi thì mấy con cá ao nhà, mỗi lần như thế cha lại dẫn chúng tôi theo để dạy chúng tôi biết “thương người như thể thương thân”, biết san sẻ với người nghèo khó, dù gia cảnh mình cũng chẳng khấm khá gì. Cha dạy chị em tôi phải lễ phép với người lớn, hiếu đạo với ông bà, thầy cô, thuận thảo với nhau. Cha còn là người bạn lớn khi bày cho chúng tôi những trò chơi con nít. Người giúp chúng tôi dựng cái nhà chòi dưới tán phượng sum sê. Mưa rớt hột, cha lấy manh cao su quấn quanh mái nhà chòi để tụi tôi ra ngoài đó chơi trò trú mưa. Đứa chị làm việc lớn, đứa em làm việc nhỏ khi chơi nhà chòi, chính từ đó cha dạy chúng tôi biết chở che, san sẻ với nhau từ khi thơ bé cho đến lúc trưởng thành. Trong mái ấm đơn sơ và riêng tư đó, chúng tôi truyền nhau những bài học quý giá thuộc về truyền thống gia đình Việt Nam: nghĩa vợ tình chồng, ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục, sự thuận hòa giữa anh em ruột thịt trong nhà, chan hòa với bà con lối xóm…

… Ngôi nhà cũ đã mất sạch dấu vết kể từ khi chúng tôi nhận tiền đền bù giải tỏa của Nhà nước, rồi sau đó xây nên một căn nhà khang trang hơn. Ngôi nhà hiện tại có máy điều hòa, có nhiều phòng riêng để tiện bề sinh hoạt, giờ chỉ còn đứa em trai út là ở chung với mẹ. Cuối tuần, chúng tôi lại quây quần về nơi ấy, trước là để thắp lên bàn thờ cha nén nhang thơm, sau là dùng chung bữa cơm gia đình với hơn chục người, gồm đủ đầy dâu rể, cháu nội, cháu ngoại.

Ngôi nhà hiện tại đủ đầy tiện nghi nhưng không thể nào sánh được với ngôi nhà cũ. Bởi ngôi nhà cũ trong ký ức đã cất giữ cho chúng tôi những kỷ niệm đẹp, những tháng ngày được sống bên nhau, ở đó có đủ đầy chồng - vợ, cha - con, mẹ - con, anh chị em cùng quây quần và san sẻ cho nhau đi qua những gian nan, khốn khó. Cái kệ tivi của ngôi nhà mới đắt tiền và sang trọng nhưng không chứa kỷ niệm như cái kệ bằng gỗ mà cha đã dày công đục đẽo làm nên. Kể cả cái giá võng bằng inox bạc triệu cũng không đậm tình thương bằng cái giá võng mà cha đã tự tay làm và sơn dầu mỗi năm, cách đây hơn ba chục năm rồi. Những thứ này khi ra riêng, tôi đã xin mẹ cho tôi mang về nhà và cất giữ như những thứ tài sản vô giá mà tôi tự xem đó là “của hồi môn” cha dành tặng cho riêng mình.

Căn nhà cũ, giờ đã không còn. Nhưng bao kỷ niệm gắn bó trong từng ngóc ngách của chiếc tổ ấm chở che chúng tôi chưa bao giờ phai nhòa trong tâm trí mỗi đứa.

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.