Văn hóa - Nghệ thuật
Ngọt ngào lời ru...
Không biết tự bao giờ, giọng hát ru và hình ảnh mẹ ru con, bà ru cháu đã đi vào thơ ca thật êm đềm và ngọt ngào như chính âm điệu của nó. Những câu hát mẹ ru sẽ mãi ăn sâu vào tiềm thức của con trẻ; những lời mẹ ru sẽ là những gì êm ái nhất, nhân bản nhất trong hành trang khi con bước vào đời. Câu hát ru mãi mang một sức sống diệu kỳ như thế dù tuổi thơ ai đó đã đi qua...
Tôi nghe giai điệu ru con mượt mà sâu lắng của bà, của mẹ từ thuở còn thơ. Những câu hát dịu êm đã đưa tôi vào giấc ngủ tuổi thơ, dù đã rất lâu, nhưng vẫn cứ như mãi ngân lên trong tâm khảm tôi mỗi khi bất chợt nghe: “Ầu ơi, ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/ Khó đi mẹ dắt con đi/ Con đi trường học... ầu ơ, con đi trường học... mẹ đi trường đời”. Chỉ là những giai điệu mượt mà đưa trẻ thơ vào giấc ngủ nhưng khi lớn lên tôi mới cảm nhận ra rằng, đó đâu chỉ đơn giản là một lời ru mà chất chứa bao nhiêu nỗi niềm của người mẹ. Đẹp vô ngần hình ảnh “khó đi mẹ dắt con đi”, con thì tung tăng đến trường, còn mẹ thì dong ruổi trên con đường đời dài vô tận và khó khăn lắm thay với bao gập ghềnh thử thách, gian nan, vất vả. Một tình yêu bao la vô bờ bến của mẹ dành cho con và đức tính chịu thương, chịu khó của người phụ nữ đã chất chứa hết trong một lời ru như thế!
Những câu hát ru đã trở thành thứ văn hóa nội sinh ăn sâu vào cội rễ tâm thức của biết bao thế hệ con người Việt Nam. Nếu vào công cụ tìm kiếm Google, thử gõ cụm từ “hát ru con” xem, có đến hơn... 1 triệu kết quả trong tích tắc. Đó là những câu bình luận, những điệu hát ru của Việt Nam, cả ba miền Bắc - Trung - Nam đều có những điệu ru con đã trở thành một thứ văn hóa đặc biệt: “Văn hóa ru con”! Có những bài hát ru con đã được đưa lên sân khấu như: “Bèo dạt mây trôi, chốn xa xôi/ Anh ơi em vẫn đợi… bèo dạt/ Mây í ì trôi, chim sa tang tính tình, cá lội/ Ngẫm một tin trông, hai tin đợi, ba bốn tin chờ/ Sao chẳng thấy đâu?” (“Bèo dạt mây trôi” - Dân ca quan họ Bắc Ninh); hay câu hát ru miền đồng bằng Bắc bộ: “Con cò là cò bay lả lả bay la/ Bay từ từ cửa phủ bay ra, ra cánh đồng”...; hay chân chất như lời ru Nam bộ: “Ví dầu tình bậu muốn thôi/ Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra”...
![]() |
“Gió mùa thu mẹ ru con ngủ”. Minh họa: B.T |
Những lời hát ru con mang một sức quyến rũ lạ kỳ đối với giấc ngủ trẻ con. Giữa thời buổi hiện đại hôm nay, trong khi nhiều bà mẹ chọn dòng nhạc cổ điển với những âm thanh nhẹ nhàng, du dương với tiết tấu mềm mại là những bản sonat, conceston của Beethoven, Mozart… cho thai nhi nghe để bé phát triển trí não từ trong bụng mẹ, thì tôi vẫn tin rằng, những câu hát ru dân gian, những bài đồng dao vẫn giữ nguyên giá trị. Nhưng tiếc là còn rất ít người chịu (hay “biết”?!) hát ru con! Trong khi đó, bộ môn Tâm lý học ở giảng đường đại học đã cho chúng ta biết thêm rằng, những câu hát ru con mang một tầm ảnh hưởng quan trọng đối với quá trình phát triển nhân cách của một con người ngay ở giai đoạn đầu đời. Thay vì tự hát ru con thì nhiều bà mẹ trẻ bây giờ đã chọn cách mở nhạc trong máy nghe nhạc, trong điện thoại di động với những bài hát “tân thời” để... ru con?!
Không biết có ai đã từng đề xuất trong tương lai hát ru sẽ trở thành di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam? Riêng tôi, trong cảm nhận và qua thực tế minh chứng, tôi cho rằng hát ru và những câu hát ru ngọt ngào, sâu lắng có khả năng “tẩm bổ” cho tâm hồn trong trắng của trẻ thơ hoàn toàn có giá trị để trở thành di sản cần được bảo tồn! Các bà mẹ trẻ hãy thử học cách hát ru con để thấy rằng lời ru có giá trị như thế nào đối với giấc ngủ trẻ thơ. Riêng tôi, tôi thầm cảm ơn bà và mẹ tôi - những người đã giúp tôi hiểu sâu sắc rằng, những câu ầu ơ, ví dầu, những lời ru ngọt ngào đã tắm tưới tâm hồn tuổi thơ tôi để tôi nên vóc nên hình, và xây dựng nên một nhân cách đẹp trong tôi. Tôi sẽ truyền lại lời ru ấy như một cách “giữ lửa” yêu thương để sưởi ấm tâm hồn và xây dựng nhân cách cho con cháu của mình.
Cẩm Thúy