Văn hóa - Nghệ thuật
Người trẻ với cải lương
Những ánh mắt chăm chú hướng về sân khấu, những tràng pháo tay qua các phần thi là minh chứng cho sự thành công của Cuộc thi Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc - 2023. Cuộc thi còn rất thành công khi thu hút nhiều khán giả trẻ đến xem và chia sẻ cảm nhận về nghệ thuật cải lương.
Trích đoạn “Hòn đất” nhiều xúc cảm và giúp nhiều bạn trẻ hiểu thêm về nữ anh hùng Phan Thị Ràng qua hình tượng chị Sứ. Ảnh: T.N
Đâu chỉ dành cho người “có tuổi”
“Người trẻ thường không thích cải lương”, “chỉ người có tuổi mới thích xem cải lương”… là những nhận định của nhiều người khi được hỏi về sự yêu thích của khán giả tuổi Gen Z đối với một trong những loại hình nghệ thuật có độ tuổi lâu đời của sân khấu Việt Nam. Nhưng, cuộc thi đã đón bước chân nhiều khán giả trẻ đến xem.
Xem trích đoạn “Nỗi đau người mẹ” của Trung tâm VH-NT Đồng Tháp, một nhóm khán giả trẻ trao đổi rằng nghệ sĩ này diễn đạt, ca muồi, bạn khác thì “phát hiện” nhân vật chị Sứ trong trích đoạn là nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Ràng ngoài đời thực. Có bạn đánh giá, thí sinh diễn vai bà Cà Sợi đã hóa thân thành công cảm xúc của người mẹ khi phải lựa chọn giữa tình mẫu tử và lòng yêu nước, căm thù cái ác khi chính con trai mình (Xăm) là tên lính Cộng hòa ác độc, gian tà.
Ở một góc khán phòng, một gia đình nhiều thế hệ vừa xem cải lương, vừa lấy điện thoại ra quay lại vở diễn. Khi được hỏi có phải cải lương chỉ thu hút khán giả có tuổi hay không, một khán giả lớn tuổi cho rằng nhiều người trẻ hiện nay cũng rất am hiểu và mê cải lương, như gia đình ông có 2 người cháu luôn có mặt qua các đêm thi diễn và rủ cả gia đình cùng đến xem.
Một khán giả trẻ (Trường đại học Bạc Liêu) xúc động khi xem trích đoạn “Câu hò đất mẹ”. Ảnh: C.T
Chiếm “cảm tình” của người trẻ
Trương Nguyễn Hồng Ngọc - sinh viên Trường đại học Bạc Liêu phải ngả vào lòng người bạn nữ ngồi kề bên và... khóc sướt mướt khi xem “Câu hò đất mẹ” kể về hành trình chiến đấu đầy chông gai nhưng cũng quả cảm của vợ chồng Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai. Sự hy sinh của những chiến sĩ cách mạng vẻ vang đã khiến những khán giả trẻ như được bồi đắp thêm lòng yêu đất nước. Cải lương đã làm được điều đó!
Cuộc thi còn có nhiều trích đoạn về tình yêu nghiệp diễn của những người trẻ, sự chông chênh của tuổi trẻ với đam mê của mình, điển hình như các trích đoạn độc diễn “Kiếp tằm” của Võ Hoàng Dư, hay “Người cáo” của Nguyễn Thị Ngọc Huyền...
Có mặt tại các đêm thi diễn, bạn Nguyễn Văn Thọ (Phường 5, TP. Bạc Liêu), chia sẻ: “Tôi cảm thấy các tiết mục được đầu tư cả về diễn xuất lẫn phục trang, đạo cụ sân khấu, chính vì vậy người xem thật sự cảm nhận trọn vẹn cảm xúc của nhân vật, cùng buồn, vui, đồng cảm với tình cảnh của nhân vật trên sân khấu. Hơn hết, nhiều diễn viên rất trẻ nhưng hóa thân vào các vai từ trẻ đến già rất thuyết phục”. Huỳnh Nga, bạn trẻ đến từ tỉnh Đồng Tháp thì cho rằng, cải lương đang dần chiếm cảm tình của người trẻ, không những vì thế hệ nghệ sĩ trẻ đang nỗ lực gìn giữ và phát huy vẻ đẹp của loại hình nghệ thuật có từ trăm năm trước, mà còn bởi các nghệ sĩ trẻ có nhiều ý tưởng sáng tạo, mới mẻ đã phần nào ảnh hưởng đến phong cách cải lương hiện đại. Từ đó, nghệ thuật cải lương mang tinh hoa truyền thống của các bậc tiền nhân, đồng thời cũng không ngừng giao thoa và chuyển mình mạnh mẽ.
Cuộc thi thật sự đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho diễn viên và người xem, hơn hết các tiết mục đã chinh phục được trái tim của nhiều khán giả nói chung và khán giả trẻ nói riêng.
NGHI MAI
- Bộ Công an nhắc lại yêu cầu Bạc Liêu cung cấp hồ sơ các dự án cây xanh có liên quan đến Công ty Công Minh
- Bạc Liêu triển khai tổ chức lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013
- Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều làm việc với Công ty Vinfast về chương trình chuyển đổi xanh
- Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa 2 tỉnh Bạc Liêu và Ninh Bình năm 2025
- Quân chủng Hải quân đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh