Văn hóa - Nghệ thuật
Nhà sala: Nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa phum sóc
Đối với đồng bào Khmer, nhà Sala (hay còn gọi là giảng đường) không chỉ là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mà còn là biểu tượng của lòng tín ngưỡng. Gắn liền với những thăng trầm của quê hương Bạc Liêu, nhà Sala đã trở thành “nhân chứng” lịch sử, nơi gìn giữ những nét đẹp văn hóa, phong tục cổ truyền của người dân phum sóc.
Nhà Sala truyền thống đươc xây theo hình thức nhà sàn với vật liệu chủ yếu bằng gỗ, có nét đặc trưng là nhiều gian, cửa sổ nhằm tạo sự thông thoáng, cổ kính. Ngoài ra, điểm nhấn của giảng đường còn nằm ở phần mái và trần được trang trí những họa tiết, bích họa độc đáo từ đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân.
Nhà Sala nằm trong quần thể chùa Khmer gắn liền với đời sống đồng bào dân tộc Khmer. Trong những năm tháng chiến tranh, nhà Sala trở thành nơi hoạt động bí mật, chở che của quân và dân ta. Với sự tấn công ác liệt của kẻ thù, không ít ngôi Sala đã bị tàn phá một cách nghiêm trọng. Ông Huỳnh Thạch Ruôl (nghệ nhân điêu khắc ở xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) bày tỏ: “Sala là sản phẩm sáng tạo trí tuệ của nghệ thuật kiến trúc phum sóc. Trước sự tàn phá của bom đạn, Sala vẫn hiên ngang, trở thành biểu tượng dũng mãnh, hiên ngang trong lòng mỗi người dân Khmer”.
Nhà Sala cổ kính của chùa Cái Giá Chót (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi). Ảnh: H.T |
Ngoài phục vụ du lịch, ý nghĩa chính của Sala là giảng đường học tập phật pháp, tu hành của sư sãi. Từ khi khánh thành ngôi Sala vào năm 2013, Ban trị sự và phật tử chùa Serey Vongsakos Thmây (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) vô cùng phấn khởi. Trước đây, ngôi Sala của chùa đã xuống cấp khá nghiêm trọng làm cho nhiều hoạt động văn hóa, tôn giáo không được duy trì thường xuyên. Ý thức được tầm quan trọng của Sala, đồng bào Khmer địa phương đã chung sức, góp của xây dựng ngôi giảng đường khang trang. Vào những ngày đại lễ, Sala chính là nơi đón tiếp, chiêu đãi khách quý. Còn những ngày tết cổ truyền của dân tộc, phật tử thường hay rủ nhau đến Sala để hành lễ Phật Thích Ca, dâng cơm, dâng y, cúng dường. Tại nhiều nơi, Sala còn được trưng dụng để thuyết giảng, tổ chức sinh hoạt văn hóa, bàn bạc các vấn đề quan trọng của phum sóc.
Bà Sơn Thị Sil (ấp Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) phấn khởi nói: “Nhờ có Sala mà các phong tục, lễ hội văn hóa cổ truyền của đồng bào Khmer được duy trì thường xuyên. Đến đây, bà con được hướng đạo theo những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các vấn đề liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó tiếp cận và thực hiện tốt các chính sách, thắt chặt tinh thần đoàn kết trong các dân tộc anh em”.
Với ý nghĩa là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa phum sóc, nhà Sala đã và đang góp phần tôn vinh nét đẹp tổng thể kiến trúc chùa Khmer. Mong rằng, đồng bào Khmer Bạc Liêu tiếp tục bảo tồn và phát huy vai trò của nhà Sala, để nơi đây mãi là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của phum sóc.
HỮU THỌ
- Bế mạc và trao giải các hội thi tại Hội xuân “Chợ quê ngày Tết”
- Đồng chí Võ Văn Dũng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương viếng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và chúc tết, tặng quà các cô, chú trong CLB Thắp hương Đền thờ Bác
- Đồng chí Võ Văn Dũng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương trao tặng quà tết cho công nhân, lao động tỉnh Bạc Liêu
- Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương chúc Tết Khu căn cứ Tỉnh ủy Cái Chanh
- Đồng chí Võ Văn Dũng - Phó Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương thăm, chúc tết và tặng quà tại huyện Đông Hải