Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: Không còn “Trở lại Bạc Liêu”!

Thứ Sáu, 08/05/2020 | 18:05

Nhạc sĩ (NS) Vũ Đức Sao Biển đã vĩnh biệt cuộc đời sau một thời gian dài kiên cường, lạc quan chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Dẫu biết trước sẽ có ngày này, nhưng tin ông từ giã cõi đời vẫn gây niềm tiếc thương khôn nguôi trong lòng bè bạn thân hữu và đông đảo công chúng hâm mộ…

Tiếc thương vô hạn một con người tài hoa, một tâm hồn sâu nặng ân tình với người, với đời, và đặc biệt riêng đối với Bạc Liêu - quê hương NS đã từng dừng chân để yêu thương và để lại nơi này những sáng tác thấm đẫm ân tình.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (năm 22 tuổi). Ảnh: T.L

NS rời cõi tạm, chúng ta vĩnh viễn mất đi một con người tài hoa và một nhân cách đẹp. Nhắc đến tên ông, công chúng nhớ ngay đến một bản tình ca đi vào lòng bao thế hệ “Thu, hát cho người”. Và còn rất nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam bộ ngọt ngào, sâu lắng như chính tâm hồn người viết nên, như: “Điệu buồn phương Nam”, “Đau xót lý chim quyên”, “Trên sóng Cửu Long”, “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”, “Trở lại Bạc Liêu”…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Lâm Thị Sang đến tư gia thăm hỏi và trao bằng khen tri ân những đóng góp của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đối với Bạc Liêu (năm 2019). Ảnh: H.T

NS tên thật là Võ Hợi, sinh năm 1947 tại Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, là người con của “đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, rượu hồng đào chưa nhấm đã say” nên cái tình của người nghệ sĩ trong ông như men hồng đào gieo vị thơm nồng trong từng câu chữ khiến say lòng bao thế hệ. Ở ông, cái tình, cái tài và cái tâm như hòa quyện để có một Vũ Đức Sao Biển uyên thâm trên rất nhiều lĩnh vực: một nhà giáo, nhà báo, nhà văn và NS. Với bút danh Đồ Bì (cây viết biếm chủ lực của Tuổi Trẻ cười) được độc giả hâm mộ bởi giọng văn nhẹ nhàng, hóm hỉnh, viết cho người ta đọc - cười rồi ngẫm, ông có trên 2.000 bài báo đăng trên các báo, tạp chí; trên 50 đầu sách viết ở nhiều khía cạnh cuộc sống cho nhiều lứa tuổi, và hơn 300 bản tình ca… Thời gian 2 năm gần đây (từ khi mắc bệnh hiểm nghèo không còn nói được), dù sức khỏe đã giảm sút nhưng ông vẫn viết, vẫn ra mắt những ấn phẩm mang dấu ấn Vũ Đức Sao Biển luôn nặng nợ, nặng tình với cuộc đời!

Trên hành trình cuộc đời mình, NS Vũ Đức Sao Biển đã có một đoạn ngắn dừng chân trên mảnh đất Bạc Liêu. Đó là những năm 1970 - 1975, ông về Bạc Liêu dạy học, “thầy Hợi” của một thế hệ học trò Bạc Liêu thời ấy xem ông như thần tượng và yêu quý ông hết mực! Đáp lại, ông cũng đã xem đây là quê hương thứ hai của mình. “Trở lại Bạc Liêu”,  NS viết riêng cho Bạc Liêu với những ca từ chất chứa thương yêu “Bạc Liêu miền đất phương Nam sáng ngời tình yêu thủy chung…” là vì lẽ đó! Và trong nhiều lần đi - về quê hương thứ hai này, NS Vũ Đức Sao Biển đã thực hiện những công việc đầy tâm huyết với Bạc Liêu mà cả nước đều đã biết, đó là việc phục dựng bản “Dạ cổ hoài lang” (DCHL) của cố NS Cao Văn Lầu ra âm nhạc phương Tây, rồi sau đó là dịch thuật DCHL để phổ biến ra khắp thế giới. Vũ Đức Sao Biển đã góp công cho bản nhạc bất hủ của Bạc Liêu được sải những bước đi dài và rộng trong lòng công chúng, cả về thời gian lẫn không gian…

Chương trình nghệ thuật “Trở lại Bạc Liêu” tri ân những đóng góp của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đối với Bạc Liêu trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019. Ảnh: H.T

Kỷ niệm về NS Vũ Đức Sao Biển trong lòng người ở lại đều là những kỷ niệm đẹp. Những câu chuyện xoay quanh ông đều là những câu chuyện ân tình. Cuối năm 2017, khi hay tin ông lâm bệnh, Bạc Liêu đã tổ chức nhiều đoàn đến nhà riêng để thăm hỏi. Bản thân người viết bài này khi thăm ông cũng đã nhận ở ông lời ký thác: “Thầy muốn gửi sách của thầy để Bạc Liêu lưu giữ”. NS trao cho tôi một chồng sách hơn 10 quyển - toàn là những quyển hay của ông: “Kim Dung giữa đời tôi”, “Sông lạc đường về”, “Phía sau mặt báo”, “Xuân dược”, “Hai tuồng hát bội”, và các tuyển tập ca khúc… NS còn sao chép từ máy vi tính cho chúng tôi rất nhiều tư liệu quý nữa liên quan đến Bạc Liêu và bản DCHL như một sự trao truyền, một sự sắp xếp cho ngày đi xa…

Rồi sau này, tôi và NS thỉnh thoảng trao đổi với nhau bằng tin nhắn, bằng e-mail. Trong những dòng chữ NS gửi, tôi nhận ra rằng, mãi cho đến cuối đời mình, cái tình dành cho Bạc Liêu chưa khi nào vơi trong tim ông. Có lần, tôi nhờ ông viết bài cộng tác cho giai phẩm xuân Báo Bạc Liêu, ông đã viết ngay và chỉ sau hai ngày, chúng tôi nhận về một bài báo đầy hồi ức, nhiều tư liệu quý về bản DCHL ký tên NS Vũ Đức Sao Biển. Đêm 19/11/2019, trong khuôn khổ các hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019, Ban tổ chức đã trân trọng tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Trở lại Bạc Liêu” nhằm tri ân những đóng góp lớn lao, thiết thực của NS Vũ Đức Sao Biển dành cho Bạc Liêu. Vì lý do sức khỏe, NS không về Bạc Liêu, nhưng ông luôn dõi theo. Ông còn chu đáo nhắn hỏi tôi, chương trình có chuyển lời ghi nhận của ông không… Sau đó Bạc Liêu đã tổ chức nhiều chuyến thăm hỏi nghĩa tình đáp tạ tấm lòng và tài năng ông đã gửi riêng cho quê hương này.

“Thời gian nào trôi bồng bềnh trên phận người/ Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi/ Mùa vàng lên biêng biếc bóng chiều rơi/ Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người”. NS viết cho người, cho đời, để rồi khi ông ra đi, người ở lại đã “hát vì xa người” trong nỗi thương tiếc khôn nguôi. “Thu, hát cho người” chưa khi nào buồn da diết như lúc này!

“Trở lại Bạc Liêu”, ước mong của NS Vũ Đức Sao Biển những ngày cuối đời, cũng là mong ước của bao thế hệ người Bạc Liêu, vậy mà vĩnh viễn không còn nữa! DCHL từ bao công việc NS dày công thực hiện đã bay xa hơn trong từng khúc hát; “hoài lang tiếng ca đang gọi” mà người NS vấn vương giai điệu hoài lang ấy đã mãi không còn “quay về Bạc Liêu mến yêu”.

Cẩm Thúy

Nhạc sĩ Nguyễn Hồng: Nhớ mãi một người thầy!

Đầu năm 1972, tôi học lớp đệ Tam (lớp 10 ngày nay). Lần đầu tiên thầy bước vào lớp học để dạy môn Văn, trên tay thầy không hề mang theo một quyển sách nào, vậy mà chữ nghĩa cứ tuôn ra ào ạt làm cho cả lớp say sưa lắng nghe. Sang năm đệ Nhị và đệ Nhất, thầy chuyển sang dạy môn Triết, lúc bấy giờ chúng tôi mới biết thầy có bút danh là Vũ Đức Sao Biển, nhưng hai tiếng “thầy Hợi” thân thương mà chúng tôi quen gọi ấy đã gắn liền với cuộc đời của tôi nói riêng và tất cả học sinh trung học Bạc Liêu thời ấy nói chung suốt gần nửa thế kỷ qua. Thầy dạy, thầy hát cho chúng tôi nghe rồi còn phân tích những bài hát đấu tranh trong phong trào học sinh - sinh viên thời ấy… Sau năm 1975, thầy chuyển về công tác ở đâu chúng tôi không biết nữa, nhưng chúng tôi vẫn luôn nhớ về thầy với tất cả những tình cảm đẹp… Đến năm 1995, tôi tìm gặp thầy tại tòa soạn Báo Pháp luật ở TP. Hồ Chí Minh…

… Năm 1999, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển và nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung được Sở VH-TT tỉnh Bạc Liêu mời về giao lưu trong đêm nhạc Tác giả - Tác phẩm tại rạp hát Cao Văn Lầu. Thầy xúc động trong vòng vây của những cựu học sinh Bạc Liêu ngày xưa. Ngày ấy, thầy mang niềm cảm xúc đó về TP. Hồ Chí Minh và sáng tác hai ca khúc “Trở lại Bạc Liêu” và “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”, lập tức hai ca khúc này đã đi vào lòng người trong cả nước và kiều bào ở hải ngoại từ đó đến nay.

Quỳnh Anh (lược ghi)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.