Văn hóa - Nghệ thuật
Nhớ một thuở sinh viên ta đã yêu
Thời sinh viên của tôi cách nay cũng ngót nghét hơn 20 năm, từ những năm thập niên 90 của thế kỷ XX. Thời mà muốn biết kết quả thi đại học, chúng tôi phải ngấu nghiến dò tên trên các tờ báo đăng tải. Thời mà những quyển lưu bút vẫn được chuyền tay nhau vào những năm cuối cấp, được chúng tôi hý hoáy viết, cặm cụi trang trí thật đẹp và nâng niu từng chút.
Ảnh minh họa: Internet
Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác mình đã bối rối và xúc động như thế nào khi nhận tận tay quyển lưu bút của một người bạn, với yêu cầu viết mở lời cho quyển lưu bút. Sở dĩ tôi kể câu chuyện này, vì thời đó, người nào được bạn nhờ viết lời tựa, mở đầu cho quyển lưu bút, lẽ đương nhiên phải là người rất yêu quý bạn hoặc là phải có hoa tay để viết, vẽ và trang trí thật đẹp. Tôi không biết vẽ, chữ viết lại xấu (những ai là bạn tôi đều biết chuyện này), nên cái người mà nhờ tôi viết lời dẫn, mở đầu cho quyển lưu bút của mình phải thật sự rất can đảm hoặc phải rất quý tôi. Và tôi luôn tự huyễn hoặc mình ở vế thứ hai, để rồi những ngày chuẩn bị cho quãng đời sinh viên sắp tới, chỉ toàn dốc sức cho những quyển lưu bút ngày xanh.
Nhắc một chút về chuyện dò kết quả thi đại học qua báo chí, thời đó tất cả đều trông chờ kết quả thi vào những tờ báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên đăng tải trên những phụ trang. Nhớ nhất là những ngày chờ kết quả thi đại học, dù rất tự tin khi làm bài thi nhưng ngày nào chúng tôi cũng ghé sạp báo để nghe ngóng thông tin. Và cái cảm giác khi dò thấy tên mình trên báo - ôi nhớ lại vẫn y nguyên cảm xúc - thật khó diễn tả. Đứa thì ôm tờ báo hú hét, đứa thì lật đật leo lên xe đạp một hơi một mạch về nhà đến mức quên trả tiền báo. Những đứa đậu ôm nhau mừng rỡ, mấy đứa dò không thấy tên mình thì buồn xo, tự an ủi và hy vọng ở kết quả thi đợt 2, đợt 3. Bởi thời đó, mỗi học sinh được thi đến 3 trường đại học ở 3 đợt khác nhau, cơ hội cũng được trao nhiều lần.
À, lại nói chuyện thi đại học, không như bây giờ. Thời đó, chúng tôi được đăng ký thi những 3 trường, tùy theo khối mà chọn. Và sĩ tử phải “cơm đùm cơm nắm” đi lên TP. Cần Thơ hay TP. Hồ Chí Minh để thi. Dù học, thi đại học hết sức gian nan, nhưng những ngày thi thật sự là những ngày đầy ắp kỷ niệm, nhất là với những học sinh tỉnh lẻ như tôi, chuyện bước chân lên đất Sài thành vẫn luôn là điều xa xỉ. Mấy bạn nam sinh có bạn tự mình đi thi, có bạn được gia đình đưa đi nhưng đối với nữ sinh chúng tôi thời đó, hầu hết đều được cha mẹ đưa đi thi. Bởi đường đi xa xôi, xe đò khó khăn, phải qua 2 chuyến phà Cần Thơ và Mỹ Thuận mà xớ rớ là bị xe bỏ lúc lên xuống phà. Cho đến tận những năm làm sinh viên, mỗi bận phải di chuyển từ trường về nhà, nỗi ám ảnh cho tôi vẫn là những chuyến xe đêm và những chuyến phà đêm. Tôi còn là nạn nhân của những lần bị kẻ xấu (là những băng nhóm giật tiền chuyên nghiệp trên những chuyến xe đường dài) ức hiếp, đến mức gần như không bao giờ dám đi một mình trên xe đò thuở ấy.
Giờ ngồi nhớ lại những năm tháng sinh viên tươi đẹp, lòng tôi không khỏi bồi hồi. Đó là thời chúng tôi chưa tiếp cận với công nghệ thông tin như bây giờ, sinh viên chỉ biết cắm đầu vào những trang sách, mà hầu hết đều không đủ tiền mua từ nhà sách nên chỉ toàn mua ở các quầy photocopy. Và thư viện của các trường luôn là điểm đến lý tưởng để đọc sách, thậm chí là để hẹn hò.
Tình yêu của thời sinh viên, luôn là những trang giấy màu hồng, dù cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc đến, đó vẫn là những kỷ niệm tươi đẹp, khó phai. Chúng tôi khi đó, trừ Khoa Báo chí của Trường đại học KHXH&NV vẫn được học ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh, còn lại đều bị đưa về trường đại học đại cương ở tận ngoài Thủ Đức. Ở Bạc Liêu, tuy nói là tỉnh lẻ, nhưng tôi ở tại thị xã, cũng ít nhiều tiếp cận với đô thị từ bé. Nhưng khi lên Thủ Đức học ở đại học đại cương, thời ấy cũng như ở nông thôn miền Đông Nam Bộ, vừa heo hút đìu hiu, với những vạt rừng trồng toàn cây điều, ngoại trừ sinh viên thì chỉ còn thưa thớt nhà dân, buồn đến mức ba, bốn đứa trong một phòng ký túc xá chỉ biết ôm nhau khóc vì nhớ nhà.
Những bạn học chung lớp 12B của tôi từ ngày rời mái trường lên TP. Hồ Chí Minh chỉ còn một nhóm bạn, một nhóm được học ở nơi phồn hoa đô hội ngay trung tâm thành phố, nhóm còn lại phải học ở trường đại học đại cương. Thế nhưng, chúng tôi vẫn “gặp nhau cuối tuần” dành cho nhau những niềm vui bất ngờ, và nói như các bạn học ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh là mang chút hào nhoáng trong ấy đến giải cứu chúng tôi. Thời ấy chỉ có những chiếc xe đạp, thế mà lũ bạn tôi vẫn kiên nhẫn đạp xe từ trung tâm thành phố ra Thủ Đức chỉ để thăm nhau. Mỗi bận đạp đi, đạp về là hơn 50 cây số, mà đường miền Đông không giống như ở Bạc Liêu, những con dốc như con dốc Thủ Đức có thể khiến ngay cả những cua- rơ phải ngán ngẩm thì chúng tôi lúc đó, như có một ma lực, cứ cắm đầu mà đạp, đạp không nổi thì dắt bộ. Tình yêu sinh viên thời ấy cũng đơn giản lắm, như cô bạn tôi ấy, chỉ cần ngồi sau yên xe của “người ta”, ríu rít trò chuyện, rồi ghé đâu đó uống ly nước mía, hoặc đơn giản chỉ là cho chàng đạp xe hăm mấy cây số, ngồi sau xe ngắm cái lưng đầy mồ hôi ấy, để được gặp mấy đứa bạn của cô ấy trong vài giờ mà trở thành động lực, làm niềm vui cả tuần. Tôi lúc đó trộm nghĩ, chắc nhỏ bạn tôi nó yêu “người ấy” - trước nhất là từ những lần đạp xe chở nó muốn đứt hơi như thế. Và chuyện tôi học ở nơi xa xôi, hẻo lánh ấy có khi cũng góp phần thêm lãng mạn cho tình yêu của nó.
Tôi cũng có những mối tình thời sinh viên hoa mộng, những câu chuyện mà giờ đã được tôi sắp xếp cẩn thận từng ngăn trong ký ức. Nhớ những ngày như Ngày truyền thống học sinh - sinh viên (9/1) hàng năm, trường tôi tổ chức rất nhiều hoạt động như: ôn lại kỷ niệm, giao lưu, thi sinh viên thanh lịch…, chúng tôi cùng tham gia nhiều hoạt động, ngồi bên nhau đến tận khuya trong những đêm văn nghệ, cắm trại. Thật khó mà quên được khi tôi ngồi bên chân cầu Sài Gòn vào một ngày đầu năm ấy, để nghe bạn tôi vừa đàn vừa hát say sưa một bản tình ca như “Hương tình yêu”, để rồi cảm nhận rất rõ ràng, tình yêu, những đam mê của một thời tuổi trẻ, vẫn “mang bóng dáng pha lê. Nên thầm mong không vỡ bao giờ”.
Kim Phượng
- Tự hào, rạng rỡ chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc khải hoàn”
- Khánh thành Dự án trưng bày nội thất Bảo tàng tổng hợp tỉnh
- Kỳ họp 20, HĐND TP. Bạc Liêu khóa XII: Trên 95,7% cử tri tán thành chủ trương sắp xếp thành lập tỉnh Cà Mau trên cơ sở hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Mạng lưới Hỗ trợ học sinh - sinh viên Khởi nghiệp Khu vực ĐBSCL: Bàn “Giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại trường đại học”
- Gần 100 đoàn viên - thanh niên về nguồn tri ân tại di tích Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh