Nhuận tháng 4 âm lịch

Thứ Sáu, 25/05/2012 | 19:48

Năm nay, âm lịch là năm nhuận có 2 tháng 4. Theo truyền thống, người Bạc Liêu có thói quen sử dụng âm lịch trong sản xuất cũng như trong một số sinh hoạt đời thường (cất nhà, khai trương, cưới gả…). Nhưng cứ đến năm nhuận âm lịch, cũng có người băn khoăn không biết dùng như thế nào, ví dụ như tổ chức đám giỗ, gieo sạ…

Năm nay cũng là năm nhuận dương lịch. Nhưng thông thường không nhất thiết năm nhuận của dương lịch và âm lịch trùng nhau.

Theo cách tính năm nhuận của dương lịch, chỉ cần lấy số năm hiện hành chia cho 4; năm nào chia chẵn cho biết sẽ là năm nhuận dương lịch. Còn cách tính năm nhuận của âm lịch thì phức tạp hơn.

Tháng mặt trăng trung bình có 29,5 ngày. Mỗi năm âm lịch có 354 ngày, ngắn hơn năm dương lịch 11 ngày. Cứ 3 năm ngắn hơn 33 ngày, vì vậy, cứ 3 năm âm lịch, người ta phải cho thêm một tháng nhuận. Tuy nhiên, năm âm lịch vẫn còn chậm hơn so với năm dương lịch.

Ngay từ thời Xuân Thu, người Trung Quốc đã tìm ra chu trình 19 năm âm lịch có 7 tháng nhuận. Sau này, ông Meton, nhà thiên văn Hy Lạp cổ, tái phát hiện và được gọi là chu trình Meton, đã tạo nên cơ sở để xác định các năm nhuận, tháng nhuận cho âm lịch.

Theo đó, trong 19 năm dương lịch có 228 tháng dương lịch tương ứng với 235 tháng âm lịch, thừa 7 tháng so với tháng dương lịch, gọi là 7 tháng nhuận. Bảy tháng đó được quy ước vào các năm thứ 3, 6, 9 (hoặc 8), 11, 14, 17 của chu kỳ 19 năm theo quy trình Meton.

Để biết năm âm lịch nào có nhuận, ta lấy số năm dương lịch tương ứng chia cho 19, nếu số dư là một trong các số: 0, 3, 6, 9 (hoặc 8), 11, 14, 17 thì năm đó có tháng nhuận cho năm âm lịch.

Năm nay là năm Nhâm Thìn - 2012, lấy 2012 chia cho 19, còn dư 17. Vậy năm Nhâm Thìn là năm nhuận. Tương tự như thế, năm Kỷ Sửu (2009) là năm nhuận (2009 chia cho 19, còn dư 14); năm Bính Tuất (2006) là năm nhuận (2006 chia cho 19, còn dư 11)…

Nhưng năm nhuận âm lịch lại còn phức tạp ở chỗ phải xác định tháng nhuận nào cho phù hợp. Năm nhuận dương lịch thì đã có sự thống nhất tháng nhuận là tháng 2 (thêm một ngày, từ 28 lên 29 ngày). Nhưng tháng nhuận âm lịch thì phải căn cứ vào điểm khác sao cho giữa âm lịch và dương lịch tương ứng với nhau, không có sự chênh lệch quá mức.

Cách tính này khá phức tạp nhưng khi đã hiểu rõ, người ta sẽ thấy ngay hiệu quả của nó và thông qua đó, tuy dương lịch được lấy làm căn cứ để sản xuất mùa vụ nhưng âm lịch vẫn được nhiều người dùng do cũng có tính tương đối của nó so với dương lịch…

Theo quy ước, tháng nhuận âm lịch được đặt vào các tháng không có trung khí. Nhưng thế nào là trung khí?

Trung khí là một khái niệm rút ra từ quy luật chuyển động của quả đất và mặt trời. Người ta chia đường đi của mặt trời giữa các chòm sao (gọi là hoàng đạo) ra 12 khoảng cách đều nhau tương ứng thời gian 1 tháng tính từ điểm xuân phân (giữa xuân) ngày 21 tháng 3 dương lịch. Các khoảng cách này gọi là cung hoàng đạo, mỗi cung dài 30 độ và được đặt tên khác nhau: Xuân phân - Cốc vũ - Tiểu mãn - Hạ chí - Đại thử - Xử thử - Thu phân - Sương giáng - Tiểu tuyết - Đông chí - Đại hàn - Vũ thủy. Ngày mà mặt trời đi qua điểm giữa của mỗi cung này gọi là ngày trung khí.

Các nhà làm lịch chia mỗi cung ra làm hai, kể từ Thanh minh - Lập hạ - Mang chủng - Tiểu thử - Lập thu - Bạch lộ - Hàn lộ - Lập đông - Đại tuyết - Tiểu hàn - Lập xuân - Kinh trập. Tất cả là 24 điểm, mỗi điểm cách nhau 15 độ. Ngày mà mặt trời đi vào mỗi cung (trừ những cung có ngày trung khí) gọi là ngày tiết khí. Cả thảy có 12 ngày trung khí và 12 tiết khí.

Theo quy ước nêu trên (tháng nhuận âm lịch được đặt vào các tháng không có trung khí), tháng nhuận của năm Nhâm Thìn 2012 rơi vào tháng 4.

Năm nhuận âm lịch có ảnh hưởng gì đến thời tiết, khí hậu?

Mặt trời rất lớn, cung cấp nguồn năng lượng chủ yếu cho trái đất và chi phối sự hình thành, biến động của thời tiết, khí hậu trái đất. Còn ảnh hưởng của mặt trăng đến thời tiết, khí hậu trái đất chưa rõ ràng, ngoại trừ ảnh hưởng đến thủy triều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xảy ra những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu của trái đất hôm nay nhưng trong đó đã có “thủ phạm” là do con người, không nên đổ cho tại “năm nhuận”.

Ở góc độ văn hóa, dân gian lấy ngày giỗ theo âm lịch. Nhưng có người băn khoăn có làm đám giỗ trong tháng nhuận không (ví dụ thường tổ chức lễ giỗ vào ngày 10 tháng 5 âm lịch nay đến mùng 10 tháng 4 nhuận có làm giỗ không?). Theo tiêu chí “thấy mặt đặt tên” thiết nghĩ là không làm, cứ đến ngày mùng 10 tháng 5 hẵng làm. Người mất vào tháng nhuận thì được làm giỗ vào tháng thường của năm không nhuận, hoặc giỗ vào tháng nhuận nếu năm giỗ có nhuận đúng vào tháng đó (thường là rất lâu, khoảng 28 năm = 7 lần x 4 năm).

Trong tháng nhuận, việc cưới gả, động thổ xây cất mới hầu như không được tổ chức vì tháng nhuận được coi là tháng “độn”, “coi ngày” không được. Nhưng nếu nghĩ chí miêng, không có “ngày tốt” thì cũng không có “ngày xấu”, vậy nên cứ an tâm làm mọi việc trong tháng nhuận này mà không sợ “thất bại”(!).

T.C

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.