Văn hóa - Nghệ thuật
Những “Đại sứ văn hóa đọc”…
“Đọc sách có thể không giàu, nhưng không đọc chắc chắn bạn sẽ nghèo”. Bạn có thể giàu vì vật chất nhưng trí tuệ và đời sống sẽ không đầy đủ và mở rộng nếu như bạn không đọc sách… Đối với tôi, sách là sản phẩm tinh thần kỳ diệu của con người, là kho tàng tri thức giúp chúng ta có những tư duy tốt hơn và hiểu biết nhiều hơn về cuộc sống này”. Đó là chia sẻ của Đỗ Thị Anh Đào, học sinh lớp 10C4, Trường THPT Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) khi viết bài tham dự cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2019.
Đó cũng là một trong rất nhiều cảm nghĩ về lợi ích thiết thực của việc đọc sách đã được các em chia sẻ. Để từ đó, chúng tôi (trong vai trò Ban giám khảo) cho rằng, các em xứng đáng với danh hiệu là “Đại sứ văn hóa đọc” như tên gọi của cuộc thi. Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” được Thư viện tỉnh phát động trong học sinh các trường trên địa bàn TP. Bạc Liêu nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong lứa tuổi thanh thiếu nhi; khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Tuy thời gian phát động khá ngắn, lại chỉ phạm vi trong địa bàn thành phố, nhưng cuộc thi đã nhận về tổng số 1.465 bài dự thi của 11 trường học. Đây là con số đáng mừng, cho thấy một cuộc thi viết về sách, bàn về văn hóa đọc đã được các trường quan tâm phát động và nhất là nhận được sự tham gia nhiệt tình của học sinh.
Và, đáng mừng hơn nữa, vì từ những cảm nhận đó của các em, từ những bài viết được các em nắn nót cẩn thận, ghi chép rõ ràng và rất nhiều bài viết thể hiện sự tâm huyết của các em đã chứng tỏ văn hóa đọc chưa hề bị xao lãng trong giới trẻ. Tuy chưa phải là phong trào rầm rộ, nhưng việc đọc sách vẫn được một bộ phận khá đông các em học sinh - sinh viên nói riêng, giới trẻ nói chung quan tâm. Các em như những chú ong thợ cần mẫn chuyên tâm học hành và dành thời gian làm bạn với sách. Đến với “người bạn” ấy, các em đã thay đổi suy nghĩ, thay đổi nhận thức về cuộc sống một cách tích cực.
Giám đốc Thư viện tỉnh - Lưu Thị Hồng Liễu tặng giấy khen cho các cá nhân có tác phẩm xuất sắc tại cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc năm 2019”. Ảnh: Nhật Bình
Cuộc thi có 3 dạng đề tài. Ở đề tài “chia sẻ cảm tưởng về một quyển sách”, các tác phẩm dự thi đã chứng minh một cách thuyết phục rằng, một quyển sách hay đã thật sự trở thành người bạn đáng tin cậy của các em. Có khá nhiều bài viết khiến Ban giám khảo chúng tôi xúc động. Có thể cách hành văn của một số em chưa trôi chảy, cách trình bày chưa cẩn thận, chữ nghĩa còn chưa đẹp (đây cũng là hạn chế của các bài thi), nhưng cảm nhận của các em về sách thì rất chân thật. Ở lứa tuổi khoảng 14 - 15, nhưng Lâm Ngọc Phương Linh (lớp 8/1, Trường THCS Võ Thị Sáu) đã rút ra được những suy nghĩ hết sức chín chắn khi đọc quyển sách có nhan đề “Sống”. Phương Linh cảm nhận và viết như thế này “quyển sách giúp chúng ta cảm thụ được cuộc sống tươi đẹp này, dạy chúng ta cách sống, giúp chúng ta có thêm niềm tin và vực dậy chúng ta mỗi khi gặp khó khăn. Sách truyền cho chúng ta một cảm hứng lạc quan yêu đời. Quá khứ đã qua, tương lai chưa đến và hiện tại là tất cả, hãy trân trọng mỗi khoảng thời gian của ngày hôm nay, luôn phấn đấu hết mình từng giây phút, bắt trọn lấy những khoảnh khắc thiêng liêng tuyệt vời trong cuộc đời mỗi người, sống sao để không cảm thấy hối tiếc”… Những dòng suy nghĩ rất chín chắn, mà từ “người bạn” sách đã giúp em có được. Qua suy nghĩ và chia sẻ của các em trên từng trang viết, chúng tôi thấy các em đã thật sự trở thành “Đại sứ văn hóa đọc” - những người lan truyền thông điệp về lợi ích thiết thực của việc đọc sách, tầm quan trọng của văn hóa đọc ở bất cứ thời điểm nào.
Những câu chuyện về tấm gương vươn lên trong cuộc sống, bằng nghị lực vượt qua bệnh tật, chiến thắng bản thân mình, hay những cuốn sách nói về nhân cách, đạo đức, lối sống đẹp… đều để lại trong các bạn những suy nghĩ, tình cảm đẹp, có khả năng thay đổi nhận thức và hành vi của lứa tuổi mới lớn trong cuộc sống. Đó là điều mà Ban tổ chức mong muốn thông qua việc phát động những hội thi, cuộc thi viết về sách, về văn hóa đọc như thế này.
Nhận xét thêm về cuộc thi, Giám đốc Thư viện tỉnh - Lưu Thị Hồng Liễu cho rằng: “Ở cuộc thi lần này, vai trò đại sứ văn hóa đọc của các thí sinh còn thể hiện rất xuất sắc khi nêu được những giải pháp để khuyến khích nhiều người cùng đọc sách. Những giải pháp đầy tâm huyết ấy cho thấy các em không chỉ say mê đọc sách mà còn muốn lan truyền thói quen đọc sách, lan tỏa văn hóa đọc đến với mọi người. Ngoài ra, những câu chuyện sáng tác khuyến đọc cũng cho thấy các em rất giàu năng khiếu về viết lách, phong phú trong cách nghĩ, các nhìn nhận và phát triển những câu chuyện từ sách”.
40 tác phẩm được chọn để trao giải ở vòng sơ khảo cấp tỉnh, và 12 tác phẩm trong số đó được chọn dự thi vòng chung khảo toàn quốc. Tuy nhiên, theo Ban tổ chức vì số lượng giải có hạn, nên còn rất nhiều bài viết khá hay nhưng không được chọn dự thi tiếp. Chúng tôi cho rằng, hễ có tham gia cuộc thi, viết nên những suy nghĩ chân thành của mình từ những câu chuyện hay về cuộc sống, về lợi ích của việc đọc sách, từng làm bạn với sách thì các bạn trẻ đã thành công, đã biết tự làm giàu kho tàng tri thức cho chính mình. Mong rằng, việc đọc sách của các em ngày càng được phát huy hơn nữa, văn hóa đọc luôn được quan tâm, để từ người bạn sách, các em sẽ hoàn thiện chính bản thân mình hơn. Cùng với gia đình, nhà trường, sách sẽ góp phần đồng hành cùng các em trên con đường chinh phục tri thức và hoàn thiện nhân cách sống để trở thành những người có ích cho gia đình, quê hương và xã hội.
Cẩm Thúy
- Trao giải thưởng văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
- Kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ Khuyến học Võ Văn Kiệt tỉnh Bạc Liêu
- Nghị quyết 68: Vận hội mới cho kinh tế tư nhân bứt phá
- Những bài học “soi lối” cho báo chí cách mạng phát triển đúng hướng
- Bế mạc Giải vô địch cầu lông các CLB tỉnh Bạc Liêu năm 2025