Những ngày cuối đời của Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há

Thứ Sáu, 13/07/2012 | 19:28

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Phùng Há khuất bóng đã 3 năm (vào giữa tháng 5 âm lịch năm 2009), để lại bao tiếc nuối cho công chúng hâm mộ. Cõi vĩnh hằng hẳn chẳng còn vương vấn thế sự cõi nhân gian; bởi nợ trần đã trả sạch đến thặng dư. Nhớ về má Bảy, chị Đan Thanh - Nguyễn Thị Trạng - một nghĩa nữ đã hồi tưởng vài giai thoại nhỏ về cây đại thụ ở độ tuổi bách niên.

NSND Phùng Há trong vở tuồng “Mộng hoa vương”. Ảnh: B.T

1. Đứa con từ viễn xứ

Một địa chỉ quen thuộc mà má Bảy rất nhiều lần được đưa đến để dưỡng - trị bệnh là nhà thương Nguyễn Trãi. Xem má như người nhà nên từ Ban Giám đốc đến bác sĩ, y tá… đều tận lực, tận tâm điều trị cho má. Nhiều lần, má tâm sự: “Các vị ấy thật đúng nghĩa lương y. Phải chi còn trẻ, khỏe, má sẽ hát thật hay để đền ơn”.

Ngày nọ, một chuyện lạ xảy ra: Có hai vợ chồng người Việt gốc Hoa đến bệnh viện tìm gặp bà. Người chồng quỳ xuống cầm tay bà, nghẹn ngào thổ lộ ông ta từ Hoa kỳ về Việt Nam tìm lại cội nguồn. Hai vợ chồng cùng xưng con, gọi má Bảy là mẹ, khiến bà rất đỗi ngạc nhiên: “Cậu… cậu sao gọi tôi là mẹ? Có nhầm lẫn gì không? Cậu có biết…”.

Ông ta quả quyết: “Dạ, mẹ là nghệ sĩ Phùng Há. Cộng đồng người Việt bên Mỹ ai cũng ngưỡng mộ tài năng của mẹ. Cha con vì hoàn cảnh mà phân ly mẹ, không lúc nào cha nguôi nhớ thương mẹ. Trước khi ly trần, cha bảo vợ chồng con nên hồi hương một chuyến tìm lại cội nguồn. Giờ gặp được mẹ, có lẽ nhờ cha con linh hiển”.

Má Bảy lặng người. Giây lâu, bà khẽ nói: “Tôi có sinh nở mấy lần, mấy đứa con tuổi gì, tên gì, tôi nhớ tất. Và, không hề có đứa con nào theo cha nó xuất cảnh. À, cha cậu là ai?”. Ông ta lại khóc: “Cha con tên X., còn con tên Y. đó, mẹ ơi!”.

Má Bảy kêu lên: “Trời ơi!...”. Ông ta mừng rỡ: “Mẹ… mẹ nhớ rồi, hả mẹ?” - “Nhớ cái gì đâu! Tên cha, tên con đều lạ hoắc”. Ông khách lại mếu máo: “Cha ơi! Khốn khổ thân con”. Má Bảy cám cảnh: “Cậu đừng buồn, nghe tôi nói đây: Tôi đã trọng tuổi, nhưng hãy còn minh mẫn. Tôi sinh mấy đứa, tôi đều tự tay nuôi nấng, thậm chí, nếu chồng tôi trăng hoa có con rơi con rớt, tôi cũng đem về nuôi dạy đàng hoàng. Ngay cả người dưng gặp nghịch cảnh ly tan, tôi cũng sẵn sàng cưu mang. Tôi nghĩ, ở đây chắc có sự hiểu lầm. Có lẽ xưa kia, ông thân cậu xem hát, ái mộ những vai tôi diễn rồi phát sinh một thứ tình cảm gần như là… ảo tưởng, lúc sắp khuất bóng, thần trí bất nhất. Cậu nghĩ kỹ lại xem. Và tôi xin lỗi nếu có lời làm cậu phật lòng”.

Hai vợ chồng Việt kiều đành ngậm ngùi giã từ. Tôi nhìn bà: “Má có nghĩ đó là kịch bản lừa đảo?”. Má Bảy xua tay: “Một lão nghệ sĩ giải nghệ như má, giàu có chi đâu mà đáng là mục tiêu của bọn lừa đảo”.

2. Vẫn đẹp như xưa

Có lần, chuẩn bị tuần sau đi thăm Hoài Thanh - Đỗ Quyên thì má Bảy có vấn đề về sức khỏe. Tôi và Thủy “phò” má vào Bệnh viện Chợ Rẫy khám chuyên khoa. Bác sĩ buộc nhập viện vài ngày để theo dõi. Thủy phải “nhập” theo săn sóc má; tôi thì lo vòng ngoài. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, có một thực tập sinh người Cam-pu-chia tuy nước da ngăm đen nhưng hiền hậu, đẹp trai. Thấy Thủy cũng ngăm ngăm, đẹp gái nên cậu ta làm quen, nhiệt tình giúp đỡ. Cậu ta bảo vàng ở Việt Nam mắc quá, bên Cam-pu-chia rẻ mạt. Thủy nghe phát ham, gom góp tiền bạc đang có, cộng thêm tiền má Bảy đưa nhờ giữ dùm, gọi là hùn hạp cùng anh ta về Nam Vang mua vàng đem qua Việt Nam bán kiếm lời. Dè đâu, má Bảy xuất viện về rồi mà cậu ta như bóng chim tăm cá. Cô Thủy xin lỗi má và thổ lộ sự tình. Má móc hết túi hò túi xê cũng không còn một tờ bạc nào. Má khóc như mưa. Tôi vỗ về: “Má đừng khóc lo mà bệnh thêm nặng. Dù sao thì chuyện cũng đã lỡ rồi. Thủy cũng đau lắm, nó chỉ vì muốn kiếm thêm đồng ra đồng vô thôi. Má còn có con đây, con không để má đói đâu”. Bà nắm tay tôi, siết nhẹ, mỉm cười mà nước mắt vẫn rơi: “Má quên… là… còn có con! Già khú đế còn sợ… đói, buồn cười quá phải không, con?”. Tôi rưng rưng ôm má: “Không đâu! Trái lại, con biết má còn lạc quan yêu đời nhiều lắm”.

Để má mau nguôi ngoai, tôi đưa bà đi Hóc Môn thăm Hoài Thanh - Đỗ Quyên trước lúc show diễn của họ lên sàn. Xe dừng, tôi dìu má xuống. Số đông công chúng reo to và đồng thanh khi thấy má: “Cô Bảy Phùng Há. Cô Bảy Phùng Há!”. Số khán giả cao tuổi thì vui mừng qua khẩu hiệu: “Vẫn đẹp như ngày nào! Vẫn đẹp như ngày nào!”. Mặt má tươi lên vì xúc động và hạnh phúc ngập tràn. Má cúi chào mọi người. Có lẽ trong giây phút ấy, ký ức má chợt quay về thời hoàng kim của sự nghiệp, cái thời An Lộc Sơn vĩnh biệt Dương Quý Phi ở Mã Ngôi; cô Lựu não nùng bi thiết đời bạc phận; Tô Ánh Nguyệt cô quả hận sầu tình…

Hồ Quang

(theo lời kể của chị Tám Đan Thanh - Nguyễn Thị Trạng)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.