Văn hóa - Nghệ thuật
Phật đản và Phật lịch khác nhau như thế nào?
Tại Bạc Liêu, lễ Phật đản được tổ chức khá long trọng ở các chùa chiền, tùy theo chùa, bắt đầu từ mùng 8 đến ngày rằm tháng 4 âm lịch.
Trước đây, tại Việt Nam, lễ Phật đản mỗi năm được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch. Nhưng từ năm 1951 trở đi, nhân kỳ Đại hội Phật giáo thế giới lần thứ nhất tại Colombo (Srilanca) năm 1950, quy định trở lại ngày giáng sinh của đức Phật vào ngày rằm trăng tròn tháng 4 theo lịch Ấn Độ để phù hợp với đại đa số các nước theo Phật giáo Bắc truyền. Trong thực tế, ở Bạc Liêu, các chùa tổ chức vào những ngày khác nhau trong thời gian trên (từ mùng 8 đến rằm tháng 4 để phật tử có thể đến viếng nhiều chùa khác nhau).
Năm nay, năm 2012 dương lịch (âm lịch là năm Nhâm Thìn) là năm mừng Phật đản lần thứ 2636, Phật lịch 2556. Chú ý vào con số, sẽ thấy sự khác nhau giữa năm Phật đản và Phật lịch. Tại sao Phật lịch kém Phật đản tới 80 năm?
Tây lịch (dương lịch) là lịch tính từ năm chúa Jesus sinh ra (đến nay là 2012 năm). Do vậy, nhiều người cho rằng Phật lịch là tính từ năm Phật ra đời (được sinh ra). Thật ra lại không phải vậy!
Phật đản là ngày sinh của Phật (Phật Thích Ca). Còn Phật lịch lại tính từ ngày Phật Thích Ca nhập diệt (mất).
Căn cứ theo lịch sử, từ khi đức Phật Thích Ca ra đời cho đến khi Phật nhập diệt là 80 năm, tức đức Phật sống được 80 tuổi. Vì Phật lịch được tính từ năm Phật nhập diệt nên Phật lịch kém Phật đản 80 năm. Phật Thích Ca ra đời trước Tây lịch 624 năm nên Phật đản năm nay là lần thứ 2012 + 624 = 2636 năm; từ đó Phật lịch là năm 2556.
Lịch theo nghĩa thông dụng là một công cụ để đo thời gian được tính bằng năm. Theo nghĩa Hán Việt, “lịch” còn có nghĩa là “trải qua”. Phật lịch là thời gian đánh dấu sự tồn tại của Phật giáo trên thế giới tính theo năm tháng Phật nhập diệt.
Thật ra cũng có sách lấy ngày Phật đản sinh để làm Phật lịch nhưng việc lấy ngày Phật nhập diệt để làm lịch cũng có lý do. Đó là đức Thích Ca Mâu Ni vốn là một nhân vật lịch sử (là thái tử Tất Đạt Đa của xứ Ca Tỳ La Vệ, con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Gia; Ngài cũng đã có vợ là công chúa Gia Du có con là thái tử La Hầu La). Trước khi đắc đạo, Ngài là một con người bình thường như hàng vạn người khác, có khác chăng là sau đó Ngài đã đi tu, đi tìm sự giải thoát cho con người khỏi sự đau khổ. Chỉ khi giác ngộ, Ngài mới thành Phật. Do vậy, việc lấy ngày Ngài nhập Niết bàn (nhập diệt) sẽ hữu lý hơn…
T.C