Phát triển du lịch văn hóa: Cần “thổi hồn” cho các sản phẩm

Thứ Sáu, 30/08/2019 | 16:45

So với các địa phương khác trong khu vực, phát triển du lịch văn hóa (DLVH) được Bạc Liêu xác định là thế mạnh mũi nhọn và tạo ra năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, để việc phát triển DLVH trở thành hiện thực, đòi hỏi phải biết cách khai thác, phát huy và tạo nên bản sắc riêng.

Tranh hoa Mẫu đơn và chim ở chùa Bang (phường 3, TP. Bạc Liêu).

Chưa biết “thổi hồn”!?

Phải khẳng định rằng: Phát triển DLVH của Bạc Liêu chủ yếu dựa vào di tích và lễ hội. Muốn vậy, các sản phẩm DLVH phải tạo được sự hấp dẫn và có bản sắc riêng. Chính cái riêng ấy sẽ tạo nên tính độc đáo và lợi thế cạnh tranh. Có thể điển hình như lễ hội vía Bà Chúa Xứ thì gần như địa phương nào cũng có, nhưng vì sao du khách cứ phải đổ về TX. Châu Đốc (tỉnh An Giang) để tham gia lễ hội được công nhận mang tầm quốc gia? Là bởi An Giang đã phát huy được lợi thế vốn có qua việc tổ chức hàng loạt các sự kiện văn hóa, cũng như biết cách “thổi hồn” vào sản phẩm du lịch để tạo sức hút với du khách.

Nói điều này để thấy rằng, việc “thổi hồn” cho sản phẩm DLVH đóng vai trò rất quan trọng và mang tính quyết định trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, làm cho sản phẩm văn hóa ấy trở nên lung linh bắt đầu từ những câu chuyện kể hấp dẫn, ly kỳ gây thích thú, khiến du khách muốn được khám phá, trải nghiệm và cả hưởng thụ văn hóa. Thế nhưng, Bạc Liêu vẫn còn tồn tại hạn chế này, bởi hầu như các hướng dẫn viên du lịch của tỉnh đều chưa biết cách “thổi hồn”!? Hay nói cách khác, đội ngũ hướng dẫn viên của tỉnh còn thiếu sự am hiểu và bị hạn chế về tài liệu nên gần như chỉ mới tập trung giới thiệu “lý lịch trích ngang” của các sản phẩm mà không miêu tả được cái hồn cốt, tinh túy và cái độc đáo của các sản phẩm DLVH.

Xin được nêu ra một ví dụ: Khi đưa du khách tham quan công trình nghệ thuật kiến trúc đã được Bộ Văn hóa công nhận là chùa Vĩnh Triều Minh và Phước Đức Cổ Miếu (Chùa Bang - phường 3, TP. Bạc Liêu), các hướng dẫn viên du lịch của tỉnh chỉ giới thiệu về thời gian xây dựng di tích; nơi đây thờ vị thần nào; thời gian tổ chức cúng bái… Trong khi đó, cái du khách cần chính là giá trị văn hóa được kết tinh từ công trình kiến trúc được công nhận là nghệ thuật cấp quốc gia. Vì ngoài kỹ thuật xây dựng, thiết kế, ở các di tích này còn lưu giữ một dòng tranh dân gian rất đặc sắc, hay còn gọi là tranh cát tường được vẽ trên các bức tường, kèo, cột, các hoành phi, câu đối… phản ánh sinh động đời sống văn hóa, tinh thần phong phú của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu.

Hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về tiểu sử gia đình bác Sáu Lầu tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (phường 2, TP. Bạc Liêu).

Để giá trị được phát huy

Đối với cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu, chùa miếu không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, mà còn là nơi để lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, tranh cát tường và lễ hội dân gian truyền thống phản ánh sinh động đời sống văn hóa, tinh thần phong phú của cộng đồng người Hoa ở Bạc Liêu. Vì vậy, việc đầu tư nghiên cứu và phát huy giá trị văn hóa từ các di tích là rất cần thiết. Trong đó, có việc khai thác các giá trị văn hóa dân gian của tranh cát tường phục vụ cho phát triển du lịch.

Đến với các chùa miếu và công trình kiến trúc nghệ thuật của cộng đồng người Hoa, bên cạnh kiến trúc theo hình chữ Quốc, nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, còn có các tranh vẽ được thể hiện bằng nhiều phong cách, chất liệu khác nhau. Những bức tranh ấy được ví như “viên ngọc sáng” bởi hàm chứa nhiều ý nghĩa, triết lý sâu xa của người xưa về một vùng đất mới, nhưng vẫn không quên nguồn cội, nhất là bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là những tâm tư, nguyện vọng cùng những ước mơ cháy bỏng về một vùng đất mới lúc nào cũng được ấm no, phúc - lộc - thọ và không ngừng phát triển vươn lên. Dòng tranh dân gian này đã lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống, nhằm giáo dục con cháu hướng đến chân - thiện - mỹ trong quan hệ xã hội, ứng xử với cộng đồng, gia đình, không ngừng tu dưỡng bản thân, rèn đức, luyện tài, noi gương tiền nhân và không quên nguồn cội.

Cụ thể như những bức tranh vẽ về hoa và chim cũng mang nhiều ý nghĩa khác nhau, gắn với những câu chuyện, điển tích dân gian, hay xuất phát từ đặc điểm tự nhiên, hoặc một giai thoại nào đó trong văn học. Chẳng hạn như hoa Mẫu đơn là loài hoa quý hiếm, được ví là hoa vương (vua của các loài hoa) và được phong tặng là Quốc sắc thiên hương. Tên gọi này cũng bắt nguồn từ niên hiệu khai nguyên thời nhà Đường (Trung Quốc). Vào thời ấy thiên hạ thái bình, nhân dân khang lạc, ở Trường An hoa Mẫu đơn nở rộ thay nhau đua sắc thắm. Trong lúc Đường Hiến Tông thưởng thức hoa Mẫu đơn hỏi Trần Tu có bài nào hay vịnh về hoa Mẫu đơn không? Trần Tu tâu có một bài của Lý Chánh viết với câu: “Thiên thượng tại nhiễm y, quốc sắc triều cam tửu”. Nhà thơ Âu Dương Tu (đời nhà Tống) cũng khẳng định: “Thiên hạ chân hoa độc Mẫu đơn”. Chính sự ca ngợi này mà về sau hoa Mẫu đơn được xem là hoa phú quý.

Thỉnh thần cúng Kỳ yên - một trong những lễ hội dân gian của người Hoa ở TP. Bạc Liêu. Ảnh: K.T

Bên cạnh mỗi bông hoa tự bản thân nó mang ý nghĩa, ở một số loài hoa khi vẽ thường phải gắn kết chúng với nhau như một mô-típ không thể tách rời. Như bộ tranh tứ quân tử Mai - Lan - Cúc - Trúc. Điều này bắt nguồn từ những đặc điểm sinh học, khả năng chống chọi trước tự nhiên. Hoa Mai vừa có thể nở vào mùa Đông lạnh lẽo (tuyết Mai), vừa có thể nở vào mùa Xuân ấm áp. Đời Tống có ẩn sĩ Lâm Bô yêu hoa Mai đến nỗi không cần có vợ con, suốt ngày chỉ chuyên tâm trồng hoa Mai và nuôi chim Hạc. Ông xem hoa Mai là vợ, chim Hạc là con. Vì thế, người đời đặt cho ông cái tên là: “Mai thê, Hạc tử”…

Qua những ví dụ này để nói lên một điều, chỉ là những bức tranh vẽ về hoa, nhưng đã có rất nhiều câu chuyện cần được kể để tạo hứng thú cho du khách và nâng tầm giá trị từ những tác phẩm nghệ thuật vượt thời gian. Muốn làm được điều này, du lịch Bạc Liêu cần lắm những công trình nghiên cứu và tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, nhằm giúp họ có khả năng “thổi hồn” cho các sản phẩm và góp phần khai thác, phát huy có hiệu quả DLVH và lễ hội. Đồng thời, đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa từ các công trình kiến trúc nghệ thuật của cộng đồng người Hoa nói riêng và các dân tộc anh em cùng sinh sống trên vùng đất Bạc Liêu.

Lâm Hỷ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.