“Phong điều vũ thuận”

Thứ Bảy, 10/03/2012 | 07:43

Tại các đình làng ở Bạc Liêu, ngoài bức hoành phi “quốc thái dân an” như đã đề cập trong chuyên mục này kỳ trước còn có một bức hoành phi khác là “phong điều vũ thuận”. Trong khi cụm từ “quốc thái dân an” mang tính “vĩ mô” thì cụm từ “phong điều vũ thuận” lại có ý nghĩa thực tế hơn. Bởi sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, cho dù trong thời đại ngày nay, khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhưng vẫn phải rất cần vai trò điều tiết của “nhà trời”, huống chi là xưa kia cách đây hàng trăm, hàng ngàn năm. Chỉ khi “phong điều vũ thuận” (gió điều hòa, mưa phù hợp) thì cây cối mới tốt tươi, vạn vật mới sinh sôi nảy nở. Qua đó, đời sống vật chất của con người mới được nâng lên.

Nhằm là xứ nông nghiệp nên ở các đình làng, ngoài lễ Kỳ yên còn có lễ Hạ điền và Thượng điền. Lễ Hạ điền là lễ được tổ chức vào đầu mùa mưa, có ý nghĩa như lễ xuống đồng, bắt đầu một mùa vụ mới. Lễ Thượng điền được tổ chức vào cuối mùa mưa, khi mùa màng (lúa) vừa thu hoạch xong. Tuy nhiên do lễ Kỳ yên, lễ Hạ điền, lễ Thượng điền có nghi thức cúng lễ gần giống nhau nên có nhiều nơi gộp lại thành 2 lễ: lễ Kỳ yên Hạ điền hoặc lễ Kỳ yên Thượng điền. Điều cần chú ý là mỗi đình trong năm chỉ tổ chức lễ Kỳ yên 1 lần nhưng đều phải tổ chức đủ cả 2 lần lễ Hạ điền và lễ Thượng điền. Như vậy, nếu đình nào làm lễ Kỳ yên Hạ điền thì chỉ làm thêm lễ Thượng điền. Hoặc ngược lại, nếu làm lễ Kỳ yên Thượng điền thì chỉ làm lễ Hạ điền. Chớ không phải làm lễ Kỳ yên Hạ điền rồi làm lễ Kỳ yên Thượng điền nữa (không tổ chức 3 lần lễ Kỳ yên trong năm).

Có người cho rằng cách gọi lễ Hạ điền và Thượng điền như thế là “ngược” vì theo thứ tự, “thượng” trước, “hạ” sau. Vậy phải đổi lại là lễ Thượng điền là lễ được tổ chức vào đầu mùa mưa (lễ xuống giống); lễ Hạ điền được tổ chức vào cuối mùa vụ. Chớ không phải theo nghĩa “hạ” là “xuống” (xuống giống), “thượng” là “lên” (đem lên cất giữ).

Nhưng cho dù hiểu theo cách nào thì lễ Hạ điền và Thượng điền đều không ngoài ý nghĩa nhân lễ này, cầu cho “phong điều vũ thuận” để mùa màng được thuận lợi.

Ở một số đình, trong lễ Kỳ yên, có một sớ gởi cho chư thần có câu: “Nhất sái thiên thanh (Một là trời xanh - thanh bình); Nhị sái địa linh (Hai là đất linh ứng - tươi tốt); Tam sái nhân trường (Ba là người được sống lâu); Tứ sái quỷ diệt hình (Bốn là quỷ dữ bị tiêu diệt)”.

Như vậy, việc “cầu an” đã được cụ thể hóa hơn nữa là không chỉ cầu mong cho “mưa thuận gió hòa”, “đất đai tươi tốt” mà còn cầu cho con người được sống lâu và quỷ (biểu tượng chỉ cái ác, kẻ ác) bị tiêu diệt…

T.C

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.