Văn hóa - Nghệ thuật
Sân khấu dù kê: Môn nghệ thuật độc đáo của đồng bào Khmer
Trong kho tàng văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, sân khấu dù kê là một bộ phận quan trọng. Đó là một bộ môn nghệ thuật truyền thống và cũng là đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer vùng ĐBSCL.
Theo nghiên cứu tư liệu về văn hóa Khmer Nam bộ, thủy tổ của nghệ thuật sân khấu dù kê là ông Kru Cô, một người Khmer ở Trà Vinh. Vào năm 1920, ông Kru Cô thành lập gánh hát dù kê lấy tên “Nhật Nguyệt Quan”, vừa biểu diễn phục vụ, vừa truyền bá và đào tạo diễn viên cho bộ môn nghệ thuật mới mẻ này. Tuy nhiên, một số nghệ nhân Khmer lớn tuổi ở Trà vinh lại cho rằng, vào thập niên 20 của thế kỷ XX, tại chùa Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh có một chú tiểu tên là Kê rất mê xem hát Quảng của người Hoa. Nhiều lần xem xong, chú tiểu Kê thường rủ bạn bè đến sân sau của chùa để phân vai biểu diễn, người xem vừa thấy “ngộ”, vừa thấy vui. Sau một thời gian, tiếng tăm của chú tiểu Kê thu hút người dân Khmer và cả người Kinh, người Hoa đến xem ngày càng nhiều. Mỗi lần đến đây, người dân bảo nhau là đi xem Kê vũ, tức xem chú tiểu Kê vũ, từ từ lâu ngày biến âm thành dù kê.
![]() |
Một cảnh trong vở “Truyền thuyết vua Thần” của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu dàn dựng. Ảnh: Thế Hiệp |
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, cứ mỗi lần diễn ra hội hè, đình đám của đồng bào dân tộc Khmer, người ta lại thấy xuất hiện loại hình nghệ thuật sân khấu dù kê.
Các tuồng tích của sân khấu dù kê và dì kê thường được lấy từ các truyện cổ dân gian Khmer như: Chuyện nàng Sê Đa, Thạch Sanh chém chằn, Chuyện nàng Tum nàng Tiêu… Phục vụ cho vở diễn ngoài các loại nhạc cụ dân tộc như đàn Trô-sô, đàn Trà Khê, đàn Khưm, đàn Pưn-pết và kèn Srolai Rô-băm… còn có các loại nhạc cụ điện tử khác được cải biên cho phù hợp với vở diễn. Những loại nhạc cụ này khi được tấu lên sẽ có một giai điệu khi thì vui tươi, rộn ràng, khi thì sâu lắng, bi ai nên có sự thu hút đặc biệt đối với người xem.
Về sự khác biệt giữa dù kê và dì kê, nhiều người nghiên cứu văn hóa Khmer phân tích như sau: Dù kê gần với nghệ thuật sân khấu cải lương của người Kinh hơn. Diễn viên dù kê thể hiện qua các điệu hát để chuyển tải nội dung của tuồng tích, còn các vũ đạo chỉ mang yếu tố minh hoạ. Riêng dì kê thì phần vũ đạo mới chính là yếu tố quan trọng, còn lời ca đóng vai trò thứ yếu. Vì vậy dù kê gần giống với hát bộ của người Kinh hay hát hồ quảng của người Hoa hơn.
Những năm gần đây, Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu đã dàn dựng trên 8 vở dù kê mang đặc trưng nghệ thuật truyền thống Khmer để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của đồng bào Khmer tỉnh nhà như: Nàng Thíp Sonl Va, Mẹ kế con chồng, Ngư Vương xuất thế, Nàng tóc thơm, Chiếp Ta Vong Phong Phi Runh, Dòng thư trên chiếc khăn, Sáp Pa Sách. Đặc biệt là vở Truyền thuyết vua Thần - vở diễn tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu dù kê Khmer lần thứ I, năm 2013, tại tỉnh Sóc Trăng (từ ngày 11-16/11/2013).
Như vậy, sân khấu dù kê đã thật sự trở thành nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ nói chung, đồng bào Khmer Bạc Liêu nói riêng. Để bảo tồn và phát triển lâu dài loại hình nghệ thuật sân khấu này, cần sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là những nhà khoa học, những nhà văn hóa nghệ thuật tâm huyết. Kết quả đạt được ấy không chỉ dành riêng cho đồng bào Khmer, mà sẽ làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Thế Hiệp
- Giải Bi sắt vô địch đồng đội quốc gia năm 2025: Bạc Liêu đoạt Huy chương Đồng nội dung đồng đội kỹ thuật nam
- Xây dựng mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Hợp tác xã Hồng Phát
- Đẩy mạnh bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số
- Kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội Đảng bộ các đơn vị xã mới thuộc huyện Hòa Bình
- Tọa đàm “Báo chí Cách mạng Cà Mau - Những chặng đường lịch sử vẻ vang”