Sang sông

Thứ Hai, 25/11/2019 | 17:13

Góc kênh cuối xóm “mọc” lên một bến đưa đò kể từ khi xã tiến hành xây một cây cầu. Cây cầu được đầu tư kiên cố nên tiến độ thi công cũng khá là lâu. Nhà chú Bảy “đại tu” chiếc phà (trước giờ chỉ dùng chở lúa từ ruộng vào nhà) để hành nghề đưa đò qua bến sông này trong những ngày đợi cầu mới.

Phà đưa khách qua sông ở nông thôn. Ảnh: C.T

Mỗi lượt sang bên kia sông, người đi mất 2.000 đồng. Đi cùng những người sang sông, tôi nghe người ta xầm xì với nhau về những người đưa đò “bất đắc dĩ” này. Có người bảo rằng, mỗi lần xây cầu mới thì chủ đò có dịp để “móc túi” tiền khách - những người “muốn qua sông phải lụy đò”. Chắc đó là họ nói những bến sông mà chủ đò cố ý lợi dụng sự cần thiết phải qua đoạn sông không có cầu của người đi đường để “hét” giá bất hợp lý. Chứ còn nhà chú Bảy xóm tôi, nhìn cái cách họ đưa khách sang sông đầy tinh thần trách nhiệm, tôi thương không hết!

Có những hôm tôi về quê cuối tuần lúc trời đã tối mịch. Thế mà chú vẫn lọm khọm tay cầm đèn pin rồi lần mò ra chỗ chiếc phà để đưa tôi qua sông. Chỉ có mỗi chiếc xe của tôi, thấy thương chú, tôi trả chú… 5.000 đồng (thay vì giá bình thường là 2.000 đồng), nhưng chú nhất định thối lại, tôi phải “năn nỉ” một hồi chú mới nhận.

Mấy anh cán bộ xã ngày nào cũng đi ngang bến sông để đến UBND xã làm việc. Thế là chú không lấy tiền. Chú bảo: “Mấy con làm việc hàng ngày đi qua lại chỗ này, cái cầu làm mấy tháng trời, lương bổng có bao nhiêu mà ngày nào cũng trả…”. Kể cả mấy đứa học trò nghèo qua sông lúc tinh mơ mỗi sáng, chú Bảy thức sớm phục vụ mà cũng không lấy tiền. Chuyến đò nào khẳm, chú nhất định không chở thêm nữa, thà cất công đi nhiều chuyến chứ không để xảy ra hiểm nguy cho người trên phà…

Để có thu nhập từ cái nghề bất đắc dĩ này, cái phà được chú Bảy sửa sang cũng tốn không ít tiền. Rồi để đảm bảo an toàn cho khách qua sông, chú tỉ mỉ trải đá, lót ván thành lối đi để xe xuống phà không bị trơn trượt. Mỗi bận đưa người sang sông, người nhà chú Bảy phải lần cọng dây để đẩy chiếc phà trôi qua bên kia, mỗi ngày đưa rước như vậy, cái tay cũng gần như chai sần. Tôi thấy ở bến sông nơi “lụy đò” này có cái nghĩa cái tình của người nhà quê ở đó.

Nhật Quỳnh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.