Sen Đôn-ta: Nét đẹp hiếu hạnh của đồng bào dân tộc Khmer

Thứ Hai, 30/09/2019 | 16:29

Vào cuối tháng 8 âm lịch hàng năm, đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ nói chung, Bạc Liêu nói riêng lại tưng bừng đón mừng Sen Đôn-ta (lễ cúng ông bà). Đây là một trong những lễ hội truyền thống được đồng bào Khmer gìn giữ qua nhiều thế hệ, thể hiện nét đẹp hiếu hạnh với tổ tiên, cũng như bày tỏ lòng biết ơn những người có công lao với đất nước và phum sóc.

Đồng bào dân tộc Khmer đón Sen Đôn-ta tại chùa Hòa Bình cũ (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình). Ảnh: H.T

Năm nay, Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer. Bên cạnh đó, đồng bào ở các phum sóc cũng tự ý thức vươn lên, tích cực thi đua lao động - sản xuất nên đời sống ngày càng khởi sắc. Chính vì vậy, bà con vùng đồng bào dân tộc rất phấn khởi đón chào lễ Đôn-ta.

Trước mùa lễ, các phum sóc ở Bạc Liêu như được khoác lên mình “chiếc áo” mới. Diện mạo khang trang của những ngôi chùa Khmer, sự tinh tươm trong những ngôi nhà của đồng bào báo hiệu một dịp lễ sung túc, ngập tràn niềm vui. Ông Huỳnh Minh Sơn, nông dân ấp Đay Tà Ni (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) cho biết: “Đối với đồng bào Khmer, Sen Đôn-ta là lễ hội quan trọng không kém gì tết Chôl-chnăm-thmây. Do đó, lễ được đồng bào chuẩn bị chu đáo, nhà nào cũng phải trang trí lại nhà cửa, quét dọn bàn thờ tổ tiên, rồi tự tay làm bánh trái, cơm nước cúng ông bà và dâng lên chùa”.

Theo tục lệ, trong ngày thứ nhất, lễ được diễn ra tại nhà để đón ông bà về dự và chung vui cùng con cháu. Theo đó, một mâm cơm được dâng lên bàn thờ ông bà để thể hiện sự nhớ thương, biết ơn tổ tiên, rồi tất cả con cháu sum vầy bên nhau chia sẻ chuyện vui buồn trong cuộc sống để thêm yêu thương, quý trọng giá trị tình thân. Ngày thứ hai, bà con mặc quần áo mới mang theo lễ vật vào chùa để cúng, tùy điều kiện kinh tế của mỗi nhà mà lễ vật cũng khác nhau. Rồi mọi người tập trung tại ngôi giảng đường, mời vị sư cả tụng kinh để cầu siêu cho ông bà, người thân đã khuất, các anh hùng đã hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc và những người có nhiều công lao với phum sóc.

Còn ngày cuối cùng thì nghi lễ được diễn ra đơn giản với việc mỗi nhà cúng mâm cơm để tiễn ông bà trở lại cõi vĩnh hằng. “Nhờ cuộc sống ngày càng nâng lên nên đồng bào có điều kiện đón Sen Đôn-ta trang trọng, đầm ấm hơn. Dù xã hội ngày càng hiện đại, nhưng gia đình tôi vẫn luôn trân trọng và gìn giữ những nét đẹp truyền thống của dịp lễ này. Qua đó, nhắc nhớ con cháu trong gia đình về sự hiếu hạnh, đạo lý uống nước nhớ nguồn”, bà Tăng Thị Lan (xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) chia sẻ.

Đặc biệt, dịp lễ truyền thống của đồng bào Khmer luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các ngành, các cấp, các địa phương trong tỉnh. Cụ thể, tỉnh đã thành lập 5 đoàn cán bộ đi thăm và chúc mừng lễ Đôn-ta đối với Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh và 22 ngôi chùa Khmer. Thông qua hoạt động này, lãnh đạo tỉnh ghi nhận và biểu dương những đóng góp của các vị chức sắc, sư sãi và đồng bào Khmer đối với sự phát triển chung của tỉnh nhà. Đồng thời, mong muốn các vị chức sắc, sư sãi tiếp tục đồng hành với các cấp ủy, chính quyền địa phương vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào cách mạng của tỉnh.

Hòa trong sinh khí náo nức của Sen Đôn-ta, nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, các hoạt động thể thao mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống được tổ chức rộn ràng khắp các phum sóc trong tỉnh. Qua đó mang đến cho đồng bào Khmer một lễ hội thật sự ý nghĩa, đầm ấm và tràn ngập niềm vui.

HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.