Tác giả thơ Song Nguyễn đã “về với Cúc”…

Thứ Tư, 12/11/2014 | 15:28

Vậy là ông đã ra đi, ra đi đột ngột để lại bao tiếc thương trong lòng người thân, bè bạn, anh em. Trong khi mọi người đang về bên ông trong những giây phút ngắn ngủi để nhìn ông một lần sau cuối, tôi âm thầm lần giở những dòng thơ mới hôm nào còn nghe ông đọc. Vậy là ông đã bỏ lại tất cả để “về - với - Cúc” - nhân vật mà ông nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần trong thơ. Ông là tác giả thơ Song Nguyễn.

Tác giả thơ Song Nguyễn. Ảnh: T.L

Bảy mươi bảy tuổi, không còn nhieu sức khỏe nhưng tác giả thơ Song Nguyễn ít bệnh. Có lẽ vì ông có một cuộc sống lành mạnh, an nhàn và nhận được sự chăm sóc tận tình của con cháu. Cho nên, sự ra đi đột ngột của ông khiến người ở lại vô vàn tiếc thương, mà có lẽ sự tiếc thương ấy còn bắt nguồn từ niềm tôn kính một tâm hồn thơ thanh cao, một nhân cách sống đáng quý...

Ông tên thật là Nguyễn Văn Thuận, quê gốc ở huyện Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu). Thơ cũng chính là người. Đọc những vần thơ hay, giản dị về câu chữ nhưng sâu sắc về triết lý sống, dạt dào về tình cảm, người đọc sẽ cảm nhận được một tâm hồn thanh cao, sống thiêng về chiều sâu tình cảm, rất đáng trân trọng! Ít ai biết rằng, ông đã sớm có thơ đăng trên tuần báo Nhân Loại vào tận những năm 1957 - 1958 với bút hiệu Lam Giang. Sau năm 1975, thơ của ông tiếp tục được đăng trên nhiều tờ báo, tạp chí địa phương và Trung ương (báo An Giang, tạp chí Văn nghệ Thất Sơn, tạp chí Văn nghệ Cà Mau, tạp chí Văn nghệ Cần Thơ, tạp chí Văn nghệ Bạc Liêu…). Ngoài ra, ông cũng góp mặt trong một vài tuyển tập thơ nhiều tác giả với bút hiệu Song Nguyễn.

Tác giả thơ Song Nguyễn chỉ có duy nhất tập thơ riêng “Qua những mùa hoa cúc” (một tập thơ đầu tiên cũng là tập cuối cùng của ông, do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM và Liên hiệp Hội VH-NT Bạc Liêu xuất bản, phát hành). Qua tập thơ, người đọc sẽ hiểu về thơ và người của ông. Riêng tôi, tôi dừng lại ở những vần thơ ông dành tặng riêng cho vợ mình. Thường thì khi làm thơ, trong những phút thăng hoa, người ta thường dành tặng cho “người cũ” của đời mình, những mối tình “chỉ đẹp khi còn dang dở”; còn ở đây, tác giả lại làm thơ nghe như những dòng nước mắt chảy tròn trên từng con chữ: “Năm năm! Thềm cũ, như phần mộ/ Thềm đã đầy rêu, mộ đã xanh/ Ta đứng nghe mưa chiều nức nở/ Thương Cúc và thương cả phận mình…” (bài Năm năm); và niềm nức nở vẫn dài mãi: “Ôi tám năm người không trở lại/ Vườn thơ từ đó cũng điêu tàn/ Những trang giấy cứ đau lòng mực/ Tìm ai qua mỗi buổi chiều hoang…” (bài Qua những mùa hoa cúc)… Hơn 30 bài trong tập “Qua những mùa hoa cúc”, có đến gần chục bài tác giả hồi tưởng về vợ mình. Khi vô tình, lúc hữu ý, cái tên Cúc thân thương - người bạn đời “trăm năm đứt đoạn không tròn trăm năm” cứ xuất hiện trong niềm thương tiếc “ta đến trong đời nhau phút ấy/ Ngỡ dài lâu duyên kiếp, đâu ngờ…”.

Thơ ông mang một giọng điệu nhẹ nhàng, hay hoài cổ, luôn đau đáu những nỗi nhớ và một trái tim dễ rung cảm với đời: “Đời bỗng vui từ lúc có em về/ Ta bỗng trẻ từ khi Xuân trở lại/ Sáng hôm ấy gió giao mùa thổi mãi/ Đường em đi thảm trải lá mai xanh…”. Đó có khi là vần thơ viết riêng cho đứa cháu nhưng đong đầy tình thương của một người cha: “Thương mẹ con, mười hai bến nước/Đục trong nào biết giữa quê người/Ngoại cứ nao lòng khi tựa cửa/Cầu mong phương ấy vẫn yên vui…”; khi là những nỗi niềm không tên “Chuyện đời như thể một dòng sông/ Sông mấy nhánh chia, đời mấy lúc/ Nổi chìm như con nước lớn ròng”

Chưa được nhiều độc giả thơ biết đến, thơ ông cũng chỉ mới dừng lại như những dòng tự sự chân tình ông viết riêng dành cho người bạn đời trăm năm, những người thân, bè bạn hay giãi bày những nỗi niềm riêng. Sáng tác thơ đã mấy mươi năm, thơ cũng nhiều nhưng chỉ mới ra mắt độc giả tập thơ “Qua những mùa hoa cúc”. Được biết, ông dự tính sẽ còn ra mắt thêm một tập thơ tiếp theo, nhưng giờ thì không còn kịp nữa… Ở góc độ là một hội viên cao tuổi của Chi hội Văn học (trực thuộc Liên hiệp Hội VH-NT Bạc Liêu), tôi trân trọng ý thức sống và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nơi ông. Bất cứ cuộc họp mặt, gặp gỡ, giao lưu nào của Chi hội hay Liên hiệp Hội, ông đều tham gia. Không tự đi được, ông nhờ con trai mình (anh Nguyễn Vũ, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL) đưa đi, rước về. Vài lần đến nhà ông, tôi lại càng mến ông ở thái độ ân cần, nồng hậu; những sẻ chia về quan niệm sống rất đỗi chân tình, giản dị như tính cách của ông đã làm cho tôi và những người từng biết ông trân trọng và yêu quý ông!

Tạ từ một kiếp người nhưng biết bao điều sẽ mãi còn đọng lại. Ông ra đi quá đột ngột, dẫu biết rằng sinh - lão - bệnh - tử là lẽ thường tình, nhưng riêng với ông, từ cái nỗi niềm “Cúc đã thiên thu trong huyệt lạnh/ Chao ơi, từ đó cũng đôi bờ” thì biết đâu đây là một cuộc trùng phùng, đôi bờ sẽ như én nhạn hiệp đôi…

Xin vĩnh biệt một tâm hồn thơ, một nhân cách thanh cao! Xin mượn câu thơ của chính tác giả Song Nguyễn để tạ từ ông lần sau cuối: “Nơi đó, chiều như không muốn tắt/ Có một người đang tiếc một người”. Nhưng không chỉ riêng ai, rất nhiều người tiếc thương sự ra đi ấy…

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.