Tạp bút

Tản mạn ngày tư ngày Tết

Thứ Sáu, 02/02/2024 | 17:53

Trên các trang mạng xã hội những ngày này, chủ đề chính không gì khác ngoài Tết.

Gác lại những bộn bề, lo toan và cả sự mệt nhọc sau khi hoàn tất những việc còn dang dở để bước sang năm mới thong dong…, mỗi gia đình lại bắt đầu chộn rộn tước lá mai, tỉa cành, tạo dáng cho cây cảnh ngoài vườn; vệ sinh, trang trí nhà cửa; xẻ cá phơi khô, làm dưa kiệu, dưa hành, chuẩn bị bánh, mứt… Đến ngày 23 tháng Chạp là mọi việc hoàn tất để chuẩn bị lễ cúng đưa ông Táo về Trời. Ông Táo trong tín ngưỡng dân gian Nam Bộ, khi hết năm có nhiệm vụ về Trời bẩm tấu lại những điều tốt - xấu của gia chủ cho Ngọc Hoàng Thượng đế biết. Chắc vì lý do này mà thức cúng chủ yếu là đồ ngọt (bánh, kẹo, chè xôi), để được Táo quân “nói lời ngọt ngào” với Ngọc Hoàng.

Sau lễ tiễn ông Táo, lại tiếp tục chuẩn bị lo cho tổ tiên, ông bà ăn Tết, với quan niệm dân gian: Tết, chủ yếu là lo cho tổ tiên, ông bà trước, sau đó mới tới mình. Người ta tin rằng, tuy tổ tiên, ông bà đã khuất nhưng linh hồn vẫn còn, luôn phù hộ, dõi theo con cháu. Ngày 25 tháng Chạp, người lớn, kẻ nhỏ trong nhà kéo nhau đi tảo mộ, nhổ cỏ (nếu có), lau chùi, quét tước, sơn phết lại mộ phần - thể hiện tình cảm, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân tổ tiên, ông bà. Cũng trong ngày này, nhiều gia đình miền Tây đã chuẩn bị tươm tất mâm cơm cúng đưa ông bà và lễ rước ông bà, tổ tiên sẽ rơi vào ngày cuối năm (29 hoặc 30 Tết). Trên bàn thờ gia tiên, ngoài bộ chân đèn, lư đồng đã được lau chùi, đánh bóng sáng loáng còn có mâm ngũ quả, cặp bánh tét. Đặc biệt, trong mâm cỗ cúng đưa, rước ông bà, tổ tiên, tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi nhà, chủ yếu là các món truyền thống như: thịt heo kho trứng, canh khổ qua dồn thịt, dưa giá, củ kiệu tôm khô, chả giò chiên, gà luộc, trà, rượu… Trước cúng, sau ăn, cả gia đình quây quần bên mâm cơm ngày cuối năm mang phong vị Nam Bộ, cùng tiễn đưa năm cũ và chuẩn bị sẵn sàng đón năm mới. Thời khắc này, Tết thật sự đến với mọi nhà. Trước khi bày mâm đón Giao thừa, mọi người cũng tranh thủ cúng rước ông Táo, nhờ vị thần này tiếp tục trông coi việc củi lửa, bếp núc cho gia đình trong năm mới.

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng, người ta bày lễ vật (thường là bánh, trái cây) cúng đất trời, tổ tiên, ông bà, cầu cho một năm mới an lành, tốt đẹp, thịnh vượng. Ngay sau khi đón Giao thừa, nhiều người xuất hành đi lễ chùa, thắp hương, khấn nguyện một năm mới tốt lành.

“Mồng 1 tết cha, mồng 2 tết mẹ, mồng 3 tết thầy”, thăm, chúc Tết họ hàng hai bên, thăm người thân, bạn bè…, thoắt cái, đã sang mồng 3 Tết. Đến mồng 3 Tết, người ta lại dọn một mâm cơm cúng tiễn ông bà về cõi thiêng sau khi ăn Tết với con cháu, gồm một con gà luộc to béo, no tròn và vài món thường là lúc sinh thời ông bà thích ăn và trà, ruợu để ông bà hưởng thực, mát ruột, mát lòng. Hết mồng 3 xem như hết Tết, mọi người rục rịch trở lại với công việc thường ngày.

Một mùa xuân mới đang đến, nhắc đến hương vị Tết xưa bên chung trà, chén rượu Tết nay, cùng nâng cao ý thức bảo tồn những nét văn hóa độc đáo, bản sắc của dân tộc.

B.N

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.