Văn hóa - Nghệ thuật
Tết Nguyên tiêu: Lễ hội dân gian đặc sắc của người Hoa ở Bạc Liêu
Đối với cộng đồng người Hoa, từ lâu tháng Giêng được coi là tháng của lễ hội để mọi người vui chơi sau một năm dài lao động vất vả. Trong đó, tết Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) là một trong những lễ hội dân gian đặc sắc và được cộng đồng người Hoa rất xem trọng. Bởi ngoài ý nghĩa trẩy hội, vui xuân, tết Nguyên tiêu còn được xem là tết của tình yêu, cầu phúc, cầu lộc và gửi gắm ước vọng cho một năm mới an khang - phát tài.
Xuất phát từ ý nghĩa này, mà khi đến các chùa, miếu của người Hoa ở Bạc Liêu trong dịp tết Nguyên tiêu cũng đều thấy đèn lồng đỏ treo lủng lẳng từ cổng chính đến không gian chính của nơi thờ tự. Rồi trên các bàn thờ là những bánh kẹo đậu phộng bao giấy đỏ và trên mỗi chiếc bánh kẹo được dán một chữ cắt bằng giấy vàng kim với nhiều ý nghĩa tốt lành như: phúc, lộc, thọ, tài, an, khang, lạc… cùng với đó là những mâm cam, quýt vàng tươi chất đầy.
Sở dĩ có tục cúng này vì liên quan đến một số phong tục và tín ngưỡng dân gian của cộng đồng người Hoa hay tổ chức ngay đêm tết Nguyên tiêu như: đề câu đối trên đèn lồng, đấu đèn, vay tiền và vay quýt ông Bổn…
Lồng đèn được treo vào dịp tết Nguyên tiêu ở miếu Địa Mẫu (chùa Bà, phường 2, TP. Bạc Liêu). Ảnh: L.H
Trước đây, vào đêm Rằm tháng Giêng, nhiều chùa, miếu của người Hoa hay tổ chức lễ đấu đèn. Đó là một cây đèn được đem ra đấu giá và trên cây đèn có gắn sẵn một câu thơ hay một câu chúc phúc tốt lành, hoặc được đặt tên gắn với một vị thần của ngôi chùa miếu đó như: đèn Quan Thánh, đèn Thánh Mẫu… Và ai trả giá cao sẽ được thỉnh đèn, rồi toàn bộ số tiền có được từ đấu giá đèn đều dùng cho việc làm từ thiện như: hỗ trợ bệnh viện, hộ nghèo, xây cầu, làm đường giao thông… Đến nay, lễ đấu giá đèn đã không còn, do hạ tầng giao thông đã được Nhà nước đầu tư và phần lớn các bệnh viện đều có kinh phí hỗ trợ hộ nghèo, nên nhiều nơi không còn tổ chức đấu giá đèn nữa. Song, ở một số chùa, miếu hiện nay vẫn còn tổ chức cho thỉnh đèn vào đêm Rằm tháng Giêng để mọi người đem về treo trong nhà như gìn giữ lại một nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Hoa.
Cùng với thú vui đấu và thỉnh đèn lồng cầu may mắn, đêm Nguyên tiêu ở Bạc Liêu còn có tục vay quýt ông Bổn ở chùa Ban (Phước Đức cổ miếu, phường 3, TP. Bạc Liêu). Nghĩa là người ta đến chùa ông Bổn xin vay 2 - 3 trái quýt đem về nhà với mong muốn được đại cát, đại lợi (vì trái quýt được gọi theo tiếng Triều Châu là tài két, tài lỹ). Người đi vay có thể trả lại 3 hoặc 4 trái quýt mới sau khi vay, hay đợi đến Rằm tháng Giêng năm sau mới mang lại cúng trả cũng được. Họ xem đây là cái lộc của ông Bổn ban tặng cho đầu năm mới. Hoặc hình thức vay tiền ông Bổn vài chục ngàn đồng để lấy đó làm vốn hên cho việc làm ăn cũng thế… Và số tiền vay này được bỏ vào thùng tiền ngay ở điểm mua bán với hy vọng “tiền đẻ ra tiền”.
Ngoài các tục đấu giá đèn, vay tiền, vay quýt ông Bổn, lễ cúng kẹo đậu phộng, nhiều nơi trong dịp Rằm tháng Giêng còn tổ chức tấu nhạc, hát tuồng chúc xuân, chúc thọ thu hút nhiều người đến xem và đây cũng là dịp để nam, nữ vui xuân làm quen, kết duyên. Vì vậy, tết Nguyên tiêu còn được coi là tết của tình yêu.
Tất cả những phong tục và hình thức vui lễ trên đều mang đậm tín ngưỡng dân gian, thể hiện những nét văn hóa rất nhân văn, không vướng vào các tệ nạn xã hội như mê tín dị đoan hoặc đồng bóng. Đây thật sự là vốn quý cho Bạc Liêu khai thác và phát triển du lịch.
Lư Lâm Hỷ
- Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
- Gần 200 võ sinh thi thăng đẳng môn Vovinam
- Quay hình chương trình đờn ca tài tử năm 2025
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Thăm, chúc mừng Đại lễ Phật đản Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và các cơ sở Phật giáo
- Hơn 300 đoàn viên, công nhân viên chức, lao động tham gia Hội thao chào mừng Tháng Công nhân