Tham gia Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020: Bạc Liêu hứa hẹn mang đến những tiết mục độc đáo

Thứ Hai, 14/09/2020 | 17:44

Bạc Liêu vừa tổ chức báo cáo chương trình tham gia cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020. Với sự chuẩn bị chu đáo cùng việc đầu tư bài bản cho các tiết mục, Bạc Liêu hứa hẹn sẽ mang đến cuộc thi những sắc màu âm nhạc độc đáo, cùng với các đơn vị bạn tôn vinh và lan tỏa tinh hoa văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu thể hiện tiết mục dự thi tại buổi báo cáo chương trình tham gia cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020. Ảnh: H.T

Cuộc thi do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-TT&DL) phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức nhằm quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị của âm nhạc truyền thống, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây còn là cơ hội để các nghệ sĩ, nhạc công biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các đơn vị nghệ thuật; các giảng viên, học sinh - sinh viên đang giảng dạy, học tập tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật trên toàn quốc được thể hiện tài năng, tình yêu âm nhạc dân tộc và giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật.

Chính từ ý nghĩa quan trọng đó, Bạc Liêu đã có sự chuẩn bị nghiêm túc từ khâu sáng tác, tập luyện đến dàn dựng chương trình dự thi. Cụ thể, tỉnh sẽ mang đến cuộc thi 5 tiết mục (2 tiết mục độc tấu, 3 tiết mục hòa tấu), với sự tham gia của 13 nhạc công, nghệ nhân thuộc Nhà hát Cao Văn Lầu và Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu. Ở thể loại độc tấu, nghệ nhân Ngọc Cần sử dụng đờn kìm để thể hiện 20 câu trong bản “Dạ cổ hoài lang” bất hủ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Cũng với cây đờn kìm, nghệ nhân Ngọc Cần tiếp tục thể hiện tài năng trong tiết mục “10 câu thể điệu Liêu giang” với sự trợ diễn của Nghệ nhân ưu tú Thanh Sử (đờn tranh) và Nghệ nhân ưu tú Hoàng Phỉ (đờn bầu). Trong tiết mục này, 3 loại nhạc cụ của nghệ thuật Đờn ca tài tử, gồm: đờn kìm, đờn tranh và đờn bầu cùng nhau hòa thanh để tạo nên những giai điệu hết sức ngọt ngào, sâu lắng.

Đối với các tiết mục hòa tấu là sự hợp diễn của các loại nhạc cụ Khmer, trong đó dàn nhạc ngũ âm giữ vai trò chủ đạo. Với chủ đề “Phum sóc ngày mới”, nhiều loại nhạc cụ Khmer được kết hợp để hòa tấu nên những tiết mục mang không khí rộn ràng, tưng bừng và vui tươi đúng với bản chất của các lễ hội văn hóa Khmer truyền thống.

Nghệ sĩ ưu tú Thạch Mô Ly, Phó Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu, Trưởng Đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu, chỉ đạo nghệ thuật chương trình dự thi, cho biết: “Vì là thể loại hòa tấu nên mỗi nhạc cụ đều có ý nghĩa, sự quan trọng như nhau trong từng tiết mục. Tuy nhiên, để tạo điểm nhấn và sự khác biệt, chúng tôi lồng vào mỗi tiết mục là một vài đoạn phô diễn kỹ thuật biểu diễn của một loại nhạc cụ. Chẳng hạn, tiết mục “Phum sóc ngày hội” được hòa tấu bởi 9 nhạc cụ Khmer và có một đoạn độc tấu riêng nhạc cụ Rô-niết-Ek (đờn thuyền); hay tiết mục “Âm điệu quê hương” cũng có 9 nhạc cụ cùng hợp diễn và độc diễn một đoạn giai điệu của đờn cò. Nhạc cụ được chọn phô diễn riêng phải đảm bảo người nhạc công có kỹ thuật tốt, giai điệu phù hợp với nội dung, câu chuyện muốn truyền tải. Ví dụ, một tiết mục về lễ hội văn hóa Khmer phải chọn những nhạc cụ có giai điệu rộn ràng, sôi nổi như: đờn thuyền, bộ cồng lớn, bộ trống Sakhô - somphô”.

Tiến sĩ - nhạc sĩ Sơn Ngọc Hoàng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Sóc Trăng, khách mời buổi báo cáo chương trình tham gia cuộc thi của Bạc Liêu đánh giá, các tiết mục dự thi có chất lượng tốt, cách dàn dự tiết mục mang tính sáng tạo, thể hiện rõ nét những tinh hoa của nhạc cụ các dân tộc Bạc Liêu. Nổi bật là các tiết mục hòa tấu nhạc cụ Khmer được phối hợp ăn ý, nhịp nhàng cho thấy âm nhạc của phum sóc luôn hấp dẫn, khác biệt với các loại hình âm nhạc khác; còn các tiết mục độc tấu, các nghệ nhân đã trình diễn những ngón đờn điêu luyện, minh chứng vì sao Bạc Liêu xứng danh là một trong những “cái nôi” của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ.

Cuộc thi sẽ diễn ra từ ngày 21 - 23/9, với sự tham gia của các đơn vị biểu diễn nghệ thuật công lập, ngoài công lập và các cơ sở đào tạo nghệ thuật trong toàn quốc. Do đó, Bạc Liêu quyết tâm khẳng định sự độc đáo của âm nhạc các dân tộc trên quê hương mình, cũng như góp sức tạo nên ngày hội âm nhạc dân tộc thật rộn ràng và đầy sắc màu.

HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.