Tháng chạp!

Thứ Sáu, 25/01/2013 | 17:44

Hôm nay là ngày rằm tháng 12 âm lịch. Thật ra, khi nói về các tháng của âm lịch, người ta không nói là tháng 12 mà là tháng chạp. Nhưng để giải thích “chạp” ở đây nghĩa là gì thì ít người biết.

Trong vốn từ tiếng Việt, có từ “giỗ chạp”. Người miền Trung gọi là “chạp mả” khi vào tháng 12 âm lịch, ra mả mồ ông bà để sửa sang, dảy cỏ, cúng lễ, nói nôm na là “cúng mả”.

Nhà nghiên cứu An Chi giải thích rằng, do từ này bắt nguồn từ chữ Hán. Tháng 12 âm lịch, chữ Hán gọi là “lạp nguyệt”. Do sự biến âm, “lạp” được gọi thành “chạp”. Lạp, chữ Hán là “lễ tế thần vào dịp cuối năm” (An Chi). Theo Hán - Việt tự điển của Thiều Chửu, “lạp” là “tế chạp”. Từ thời nhà Chu, cứ vào cuối năm làm lễ tế tất niên, gọi là “đại lạp”. Chưa thể khẳng định cách giải thích này là đúng nhưng hiện chưa có cách giải thích nào khác. Viết bằng chữ Nôm, từ “chạp” với nghĩa là cúng chạp, giỗ chạp; tháng chạp được viết bằng chữ “lạp” bộ “nhục” (thịt). Có một từ “chạp” chữ Nôm khác có nghĩa là “làm chạp” (làm theo lệ làng) thì được viết bằng chữ “chấp” bộ “nhục”.

Tập tục cúng lễ cuối năm âm lịch cũng có đối với người Hoa. Nhưng tập tục cúng mả vào dịp cuối năm chỉ có đối với người Việt, còn người Hoa thì không. Người Hoa chỉ sửa sang mồ mả ông bà, cúng mả vào dịp Thanh Minh. Vào dịp Tết, người Hoa rất kỵ ra mả mồ. Nhưng người Việt thì ngược lại.

Cúng lễ trước Tết, đầu tiên là cúng Thần nông, Thổ địa, “đất đai dương trạch” sau khi gặt lúa xong. Kế đến là cúng ông Táo về trời (ngày 23 tháng chạp), rồi đưa ông bà hay các vị thần khác vào những ngày kế tiếp. Ngày 24 tháng chạp là ngày cúng Thầy. Thầy ở đây là các vị tổ nghề hoặc là các vị thần bổn mạng của gia chủ (Tiên sư, Quan Công…).

Cho đến ngày cuối cùng của năm, 30 hoặc 29 Tết - tùy theo năm, lại làm lễ rước ông bà, các vị thần về “nhà”. Ngày mùng một Tết, còn ra mả cúng lễ để ông bà “ăn Tết”.

Ở Bạc Liêu, do có cộng đồng người Hoa sinh sống nên một số tập tục của người Hoa cũng ảnh hưởng đến dân tộc Việt, Khmer. Người Việt vừa cúng mả vào dịp Tết nhưng đồng thời cũng tổ chức cúng lễ Thanh Minh rất chu đáo. Một số người Hoa cũng cúng mả vào dịp Tết, trước hết là sửa sang mồ mả vào trước Tết - thông thường vào ngày đưa ông bà (ngày 25 Tết) như người Việt.

Ở những nghĩa trang của người Việt, kể cả nghĩa trang liệt sĩ, trước Tết và cả trong những ngày Tết đều có người lui tới sửa sang mồ mả, cúng bái. Đây là một phong tục đẹp cần được khuyến khích. Ngoài ý nghĩa tâm linh còn có ý nghĩa về văn hóa - không kiêng kỵ ra mồ mả trong dịp Tết.

T.C

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.