Tháp cổ Vĩnh Hưng: Giá trị văn hóa - lịch sử - du lịch

Thứ Tư, 20/07/2016 | 16:28

Nằm về hướng Tây - Bắc cách TP. Bạc Liêu khoảng 20km theo đường chim bay, tháp Vĩnh Hưng tọa lạc tại ấp Trung Hưng B (xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi). Năm 1917, H. Pamentier đến khảo sát và công bố kết quả khảo sát trong tập san của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (BEFEO) với tên gọi Tháp Lục Hiền. Tháp Vĩnh Hưng được xếp hạng là di tích nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1992. Với những giá trị văn hóa - lịch sử độc đáo được phát hiện, đây còn là một địa chỉ du lịch có giá trị đặc biệt của Bạc Liêu.
Vào các năm 2002 và 2011, để phục vụ công tác trùng tu tháp, Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ (thuộc Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu khai quật khu di tích này. Việc khai quật có mục đích là làm lộ diện chân móng tháp, giải quyết những vết tích chìm trong lòng đất để có những giải pháp trùng tu tôn tạo ngôi tháp và đưa vào phát huy giá trị. Cuộc khai quật đã làm lộ diện chân tháp có bình đồ gần vuông (9,44m x 9,36m) xây giật cấp với kết cấu bẻ góc, với vách tường dày gần 2m, chiều cao còn lại khoảng 10m. Chiều cao và bình diện chân tháp tạo nên một tải trọng rất lớn lại được xây trên vùng đất yếu, chính vì thế giải pháp được chủ nhân ngôi tháp chọn lựa là dùng chân móng trải dài và phân bậc cao dần hướng tâm trên cả 3 mặt tháp, còn mặt trước và phần cách chân tháp khoảng 1m là cát mịn nện chặt với chất keo. Riêng cuộc khai quật năm 2011 đã làm xuất lộ một sàn gạch trước tháp có diện tích 320m2.

Tháp cổ Vĩnh Hưng. Ảnh: H.T

Như vậy, từ hai cuộc khai quật khảo cổ học cho thấy, diện mạo ban đầu của tháp Vĩnh Hưng là một ngôi tháp có sân hành lễ. Thật sự, đây là một trung tâm tôn giáo - tín ngưỡng của cộng đồng cư dân cổ trong khu vực này và di sản để lại từ trong quá khứ mang giá trị độc đáo.
Các nghiên cứu khảo cổ cũng cho thấy, trên vùng đất Vĩnh Hưng từng có một di tích cư trú của cộng đồng này từ khoảng thế kỷ IV, họ không chỉ cư trú ngay trong gò đất cao hơn khu vực xung quanh sau này được dùng vào việc xây tháp mà lan rộng ra trên một không gian liền khoảng chừng 10ha. Các cuộc khai quật đã phát hiện nhiều tàn tích của quá trình sinh hoạt như bình, nồi, vò kendi… bằng đất nung, than tro… và niên đại qua nghiên cứu so sánh cũng như qua phân tích có kết quả 450 - 550 năm cách ngày nay. Như vậy, niên đại khởi điểm của khu di tích khoảng thế kỷ thứ IV sau Công nguyên. Đây có thể xem là kết quả mới nhất về khu di tích này và cũng cho thấy vùng đất Vĩnh Hưng trong quá khứ là một khu di tích thuộc phạm trù văn hóa Óc Eo phát triển, nằm trong tiểu vùng văn hóa thuộc nhóm Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau.
Từ niên đại di tích cho thấy, cư dân cổ văn hóa Óc Eo đã hoàn toàn chiếm lĩnh vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, đã để lại nhiều vết tích văn hóa trên khắp các vùng đất khác nhau mà vùng đất Bạc Liêu là ranh giới cuối cùng ở phía Đông - Đông Nam nhìn từ trung tâm văn hóa Óc Eo. Bên cạnh những giá trị về văn hóa, lịch sử, việc khảo sát còn phát hiện tại tháp Vĩnh Hưng nhiều hiện vật độc đáo và có giá trị như: Tượng nữ thần Parvati có niên đại khoảng nửa đầu thế kỷ thứ VIII, bàn tay phải của tượng thần Visnu, một số Linga - Yoni thường gặp trong các di tích khảo cổ học thuộc văn hóa Óc Eo ở đồng bằng Nam bộ...
Tháp Vĩnh Hưng đã được công nhận là di tích nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1992. Các phát hiện khảo cổ học qua những lần khai quật đã làm tăng giá trị duy nhất và độc đáo của nó trên vùng đất gần cực Nam Tổ quốc. UBND tỉnh và các cơ quan quản lý văn hóa Bạc Liêu đã tiến hành trùng tu tôn tạo tháp cổ Vĩnh Hưng với mục đích bảo tồn, phát huy giá trị một di tích kiến trúc nghệ thuật nhưng lại hàm chứa những giá trị văn hóa - lịch sử vô cùng quý giá. Thế nhưng, việc xây dựng nơi này trở thành điểm đến du lịch của Bạc Liêu xem ra vẫn còn bỏ ngỏ. Nhiều du khách đến Bạc Liêu được tham quan những điểm đến hấp dẫn đã được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL như: Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu Quán âm Phật đài, cụm nhà Công tử Bạc Liêu… Tuy nhiên, thật đáng tiếc nếu ta không dẫn khách tham quan một ngôi tháp cổ với bề dày lịch sử - văn hóa như tháp Vĩnh Hưng…
Tháp cổ Vĩnh Hưng, một công trình đa giá trị văn hóa - lịch sử - du lịch, thiết nghĩ đủ tầm cỡ và thừa sức hấp dẫn để du khách từ mọi miền đất nước đến chiêm nghiệm. Tất nhiên, với điều kiện ngành Du lịch quan tâm hơn nữa công tác quảng bá, đưa tháp cổ vào bản đồ du lịch Bạc Liêu với những điều kiện đi kèm như phương tiện vận chuyển, sự thuận tiện về giao thông đi lại để đón du khách…
Phương Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.