Thương dại thương dột…

Thứ Tư, 05/10/2016 | 16:08

“Cháu ngoại thương dại thương dột/ Cháu nội không vội gì thương”. Không hiểu tại sao người đời cứ hay đem tình yêu thương ruột thịt ra mà “cân, đo” như vậy. Từ hồi nhỏ, đứa trẻ vẫn thường hay nhận được câu hỏi nửa đùa, nửa thật của người lớn “cha và mẹ con thương ai hơn?”. Hay là vì, tình thương yêu của bên nội, bên ngoại, của cha và mẹ dành cho con cháu mình có sự không đồng đều, nên người ta mới “đong đếm” như vậy…

Mẹ thương con gái (nhiều hơn con trai) từ lúc biết đang mang trong mình một hình hài bé bỏng. Mẹ thương con gái vì mẹ thấu hiểu làm phận gái thường chịu nhiều thiệt thòi. Cũng là những đứa trẻ như nhau, mà tinh nghịch một chút thôi, đứa con gái thường nhận ngay câu trách “con gái con lứa gì mà…”. Rồi thì con gái phải biết giữ gìn ý tứ, phải biết làm công chuyện sớm hơn con trai để đỡ đần việc nhà cho mẹ, con gái trông em sơ sẩy một chút cũng bị la rầy, trong khi con trai thì không vì “là con trai mà, sao mà tỉ mỉ, khéo léo như con gái được”. Mẹ thương con gái vì khi con gái lớn lên sẽ như mẹ hồi thời trẻ, yêu - khổ - và chịu cả những hy sinh thiệt thòi về phần mình nếu chẳng may gặp phải một tấm chồng không tử tế. Và mẹ yêu con gái vì mẹ hiểu thế nào là sự mang nặng đẻ đau, chín tháng cưu mang nặng nhọc. Và có phải, chính vì yêu con gái, hiểu thấu đáo cái tình mẫu tử của mình đối với con, của con gái đối với đứa con của nó, tức cháu ngoại mình, mà bà ngoại thương cháu ngoại nhiều hơn chăng? Thương cháu bởi vì cháu là núm ruột của con mình. Sợi dây máu mủ cứ thắt chặt với nhau như thế, như câu hát ru Nam bộ rất đỗi dễ thương: “Ầu ơ, con chim se sẻ nó đẻ cột đình, bà ngoại đẻ má, má đẻ mình, em ơi…”.
Lại có câu “Thắng về nội, thoái (thối) về ngoại”, câu nói ngụ ý rằng cái gì tốt lành, đẹp đẽ thì bên nội được hưởng phúc, khi sa cơ lỡ vận thì tìm về nương náu bên ngoại. Những bài ca, bài văn hình như cũng nghiêng về bên ngoại nhiều hơn, nhưng trong cái sự “nghiêng” ấy, bên ngoại hiện lên trong văn học nghệ thuật luôn là hình ảnh nghèo khó, cơ hàn đến mủi lòng… “Dẫu nhà ngoại nghèo siêu vẹo ở ven sông”, một câu ca trong bản vọng cổ hát về cảnh nhà ngoại não lòng như thế…
Tình thương yêu khó mà đem ra “cân, đo, đong, đếm”, tình yêu của ngoại - nội vẫn luôn là thứ tình cảm thiêng liêng của máu mủ, ruột rà… Nhưng, những câu ví von như trên cứ khiến lòng mình như chùn lại, như xót xa khi nghĩ về… bên ngoại.
Nhật Quỳnh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.