Văn hóa - Nghệ thuật
Thương hoài hát bội
“Hát bội làm tội người ta”. Hát bội không làm tình làm tội ai cả, hát bội làm người ta quên cả giờ giấc. Nhưng thời vàng son của nó đã qua. Bây giờ hát bội chỉ xuất hiện trong những đình miếu mỗi dịp cúng Kỳ yên.
Hát bội là một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc ta. Nó là hình thức giải trí bác học mà ban đầu chỉ dành cho giới quý tộc. Về sau, hát bội đi vào đình làng Nam Bộ và được “thần thánh” hóa. Từ đó, người dân được “hưởng ké”. Muốn hiểu được một vở hát bội, người thưởng thức phải nắm được cốt truyện trước. Đến sân khấu, người ta “xem hát” nghĩa là xem diễn viên thể hiện có điêu luyện, có hợp cốt truyện không. Hát bội luôn ca ngợi trung, hiếu, tiết, nghĩa và cái nhân nghĩa luôn thắng cái tà ác.
Hát bội là một trong những hoạt động chính ở các lễ hội Kỳ yên. Ảnh: P.A
Đó là một sân khấu nhỏ hướng về điện thờ. Sân khấu nhỏ nhưng trang trí rực rỡ, trang trọng và ước lệ. Hai bên sân khấu có hai khán đài nhỏ. Ai đến đây cũng mang tâm trạng háo hức đợi xem. Phần đông là các ông, các bà, mỗi người thường dẫn đứa cháu đi theo. Và có một số thanh niên choai choai cũng đến xem. Hát bội diễn ra từ lúc 20 giờ đến gần 1 giờ sáng hôm sau nhưng ít ai rời chỗ. Điều đó cho thấy vẫn còn rất nhiều người còn yêu hát bội.
Những vở diễn có thể khiến người ta cười nghiêng cười ngửa, nhưng cũng có khi khiến khán giả gạt nước mắt. Diễn viên không cần hát hò như cải lương nhưng từng cử chỉ, điệu bộ lại khiến người xem cảm nhận được tấm lòng trung nghĩa của nhân vật. Chẳng hạn hình tượng Khương Linh Tá trong vở “San Hậu”, diễn viên cho thấy một tinh thần trung nghĩa đến chết vẫn không bị khuất phục. Sống thờ vua, chết cũng thờ vua. Giá trị nhân văn, giáo dục trong một vở hát bội là ở chỗ đó. Không ồn ào, điềm tĩnh ngồi xem, chúng ta mới thấy cái tinh tế, sâu sắc của ông cha mình.
Hát bội là nghệ thuật của ước lệ, tượng trưng. Ba tôi bảo thế. Nhìn lên sân khấu hễ nhân vật mặt màu xanh lá cây thế nào cũng chết yểu. Ở ngoài đời, gương mặt ai xanh xao thì đúng là gương mặt bị bệnh, tướng không thọ. Thế mới biết, cái ước lệ ấy đâu có phải vô lý. Nó xuất phát từ hiện thực cuộc sống được ông cha ta tái hiện, tô đậm lại trên sân khấu để gây ấn tượng. Hiểu biết được như vậy mới thấy hát bội đâu có xa lạ. Tôi cảm thấy chúng ta thật hạnh phúc khi có một bộ môn nghệ thuật giá trị như thế.
Mong sao mỗi năm tôi lại còn được xem hát bội, được thấy dân làng đi cúng Kỳ yên, ngồi xem hát cùng nhau. Những buổi xem hát bội đã làm cho tôi càng yêu thêm vốn văn hóa truyền thống của cha ông.
Trần Phong
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh