Tọa đàm “Dạ cổ hoài lang - Góc nhìn người làm báo”: Những nhãn quan mới

Thứ Tư, 20/11/2019 | 17:00

“Trải qua 100 năm, “Dạ cổ hoài lang” (DCHL) vẫn mang một sức sống mạnh mẽ. Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố lịch sử, chúng ta vẫn luôn thấy sự đồng hành một cách giản dị mà chan chứa tình cảm của báo chí dành cho DCHL. Qua kênh báo chí, giá trị nghệ thuật của bản DCHL được làm rõ. Đó là quá trình báo chí góp phần cho giá trị bản DCHL được gìn giữ, lan tỏa và trở thành bản sắc văn hóa Bạc Liêu…”. Phát biểu ngay trong đề dẫn tọa đàm “Bản DCHL - Góc nhìn người làm báo”, Giám đốc Sở VH-TT-TT&DL - Cao Xuân Thu Vân đã khẳng định điều đó. Và đó cũng chính là lý do để Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Sở VH-TT-TT&DL Bạc Liêu tổ chức buổi tọa đàm để tiếp tục khẳng định giá trị, làm lan tỏa DCHL từ những góc nhìn.

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Nguyễn Bé: “Bản DCHL làm nên bản sắc văn hóa đặc trưng cho Bạc Liêu”

Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Nguyễn Bé

Bản DCHL có một sứ mệnh đặc biệt quyết định cho đờn ca tài tử (ĐCTT) và sân khấu cải lương Nam bộ phát triển rực rỡ, góp phần rèn luyện bao thế hệ nghệ sĩ và làm nên bản sắc văn hóa đặc trưng cho tỉnh Bạc Liêu.

Thực tiễn cho thấy, việc phát triển văn hóa của Bạc liêu đã góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa của nước nhà. Những năm gần đây, khi nhắc đến Bạc Liêu, ai cũng nói đến văn hóa. Văn hóa hiện diện từ bộ máy lãnh đạo cao nhất của tỉnh qua phong cách lãnh đạo, điều hành cho đến cơ sở. Người ta đã xem văn hóa là động lực, là bước đi trong phát triển của tỉnh và xem đây như là “kỷ nguyên văn hóa của Bạc Liêu”. Đặc biệt là bản DCHL và ĐCTT đã làm hứng khởi bao người, cho cả thế hệ hôm nay và mai sau. Để rồi những giá trị tinh thần đó đã trở thành báu vật của quê hương Bạc Liêu và rộng hơn là của nhân loại.

Nhà báo Dương Thành Truyền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Trẻ TP. Hồ Chí Minh: DCHL lên sóng YouTube, tại sao không?

Nhà báo Dương Thành Truyền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Trẻ TP. Hồ Chí Minh

DCHL, từ khúc nhạc lòng của người nghệ sĩ hiếu nghĩa - tài hoa, qua nhiều thế hệ mà sinh sôi, đâm chồi nảy lộc với sức sống của rừng mắm, rừng đước, thầm lặng nhưng mãnh liệt suốt trăm năm không ngừng nghỉ, qua những cuộc tung hứng nhịp phách và điệu thức đã trở thành một cuộc đại hòa nhạc tập thể của lòng người, của cả vùng đất Nam bộ trong một không gian giao duyên bất ngờ nhưng tất yếu: giữa cổ nhạc và tân nhạc, giữa âm nhạc và sân khấu, giữa sáng tác và diễn xướng, giữa nghệ sĩ và công chúng. DCHL, một bản tình ca bất hủ với nhịp đôi 20 câu 113 chữ, xứng đáng được phong tặng danh hiệu “anh hùng”: anh hùng âm nhạc dân tộc, anh hùng bản sắc văn hóa! Phận sự của chúng ta, những ai thừa hưởng tài sản vô giá này, từ nghệ sĩ đến nhà báo, từ người làm nghệ thuật đến cán bộ quản lý văn hóa, là phải làm sao cho DCHL, bài ca vọng cổ - sân khấu cải lương và ĐCTT tiếp tục sức sống mãi mãi ấy trong thời đại mới, mà thời đại mới chính là thời đại của kỹ thuật số với Internet, Wifi và các thiết bị di động, là thời đại của YouTube, Facebook…

Hãy nghĩ đến YouTube như một kênh quảng bá cho DCHL trong thời kỳ mới với những ưu thế chưa bao giờ có. Tại sao không có một bảo tàng về DCHL và nhạc sĩ Cao Văn Lầu trên YouTube (đó là câu chuyện, tư liệu, bài DCHL, ý kiến của du khách về DCHL, 2 bài thơ của cây phóng sự Vũ Trọng Phụng về DCHL chẳng hạn…). Tại sao không có một Nhà hát Cao Văn Lầu với những tuồng tích và chương trình hấp dẫn trên kênh YouTube, rồi chương trình học làm tài tử dành cho tất cả những ai yêu quý và mong muốn nâng cao khả năng thưởng thức ĐCTT, vọng cổ và các loại bài bản của cổ nhạc trên kênh YouTube?...

Nhà báo Nguyễn Chiến, Tổng Biên tập Báo Cà Mau: DCHL và nhạc sĩ Cao Văn Lầu chính là “những viên gạch đầu tiên” để định hình nghệ thuật sân khấu cải lương

Nhà báo Nguyễn Chiến, Tổng Biên tập Báo Cà Mau

Có thể nói, Cao Văn Lầu và DCHL đã trở thành mã “gen” di truyền bất tử để giữ lửa, khơi dòng cho nghệ thuật sân khấu cải lương và cả loại hình sinh hoạt ĐCTT khắp Nam bộ. Bởi vậy, không lạ khi trong hầu hết tác phẩm báo chí nói về nghệ thuật sân khấu cải lương và ĐCTT, trong mọi cảnh huống, thì DCHL và Cao Văn Lầu được nhắc đến trước tiên như một mệnh đề bất biến không cần chứng minh trong toán học. Bất cứ nghệ nhân dân gian, nhạc công, ca sĩ hay cả những người nông dân chân lấm tay bùn miền Nam ai cũng có thể ca, có thể nói về bác Sáu Lầu như một lẽ tự nhiên. Và những ai còn xa lạ với loại hình văn hóa tinh thần độc đáo này, điều đầu tiên họ muốn biết vẫn cứ là Cao Văn Lầu và DCHL.

Trên quê hương Bạc Liêu hôm nay, Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng là một sự tri ân, một dấu son để bất cứ ai trở về đây cũng cảm thấy có một mạch chảy xuyên suốt, trường tồn và trọn vẹn thủy chung của đất của người với tài sản lớn lao mà tiền nhân gầy dựng.

Nhà báo Cẩm Thúy, Báo Bạc Liêu: DCHL - tài nguyên vô giá trong câu chuyện làm du lịch

Nhà báo Cẩm Thúy, Báo Bạc Liêu. Ảnh: H.L

... Làm du lịch, đưa du khách tham quan điểm đến tựu trung lại là phải có câu chuyện để kể cho du khách nghe và thưởng thức, thế thì mới có sự thẩm thấu và đọng lại ấn tượng đẹp khi họ rời đi. Vậy thì nguồn căn ra đời bản DCHL thấm đẫm ân tình ấy quá phù hợp để Bạc Liêu có câu chuyện mời gọi du khách đến với mình. Tất nhiên đồng bộ với đó còn là những yếu tố khác như đầu tư hệ thống nghỉ dưỡng cao cấp, cơ sở vật chất tiện nghi, điều kiện đi lại dễ dàng, các dịch vụ hỗ trợ du lịch phải chỉn chu, cung cách phục vụ du khách phải văn minh, lịch thiệp, thể hiện cho ra cốt cách người Bạc Liêu “thân thiện, hiếu khách, nghĩa tình”…

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã thường xuyên đưa các di sản phi vật thể “tham gia” các hoạt động du lịch nhằm quảng bá và bảo tồn các di sản. Bởi khác với di sản vật thể, bảo tồn di sản phi vật thể không đồng nghĩa với giữ nguyên trạng mà phải làm cho di sản được thực hành thường xuyên bởi các nghệ nhân. Như vậy, DCHL được trình diễn, được kể thành câu chuyện thấm đẫm nhân văn về đạo nghĩa vợ chồng vừa có ý nghĩa phục vụ cho đường hướng phát triển du lịch Bạc Liêu, vừa chính là cách bảo tồn và phát huy giá trị thiết thực, hiệu quả nhất!

Nhật Quỳnh (lược ghi)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.