TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL: Liên kết kích cầu du lịch

Thứ Tư, 23/10/2019 | 15:04

Cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch của TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL vừa ký kết hợp tác chương trình kích cầu du lịch. Đây là hành động thể hiện quyết tâm gắn kết, cam kết hỗ trợ của TP. Hồ Chí Minh với vùng đất Chín Rồng theo tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh - Nguyễn Thiện Nhân, tại hội nghị cấp cao về liên kết phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL diễn ra vào tháng 9/2019.

Các sở, ngành, doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố ĐBSCL ký kết hợp tác chương trình kích cầu du lịch. Ảnh: Thy Kha

CÁC BÊN CÙNG CÓ LỢI

Đại diện ngành Du lịch của 14 tỉnh, thành phố cho rằng, liên kết là quy luật tất yếu để phát triển trong nền kinh tế thị trường. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và không có ranh giới về địa lý nên sự liên kết có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần được xúc tiến mạnh mẽ. Chính sự khác biệt về sắc màu du lịch sẽ giúp việc hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL tạo ra lợi thế, vừa có thể bổ trợ cho nhau, vừa đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng mọi nhu cầu của du khách.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phân tích, sản phẩm chủ lực của thành phố là du lịch Mice (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, sự kiện), du lịch mua sắm, thể thao, vui chơi - giải trí và văn hóa cộng đồng đô thị. Trong khi đó, thế mạnh của ĐBSCL là du lịch sinh thái, miệt vườn, sông nước và biển đảo. Chính vì vậy, liên kết du lịch sẽ phát huy lợi thế, sức hấp dẫn của từng điểm đến, giúp nhau mở rộng thị trường và tạo ra sự cạnh tranh tích cực để các địa phương không ngừng đầu tư, hoàn thiện chất lượng điểm đến.

Theo thống kê năm 2018, du lịch TP. Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL đạt kết quả ấn tượng, thu hút 10,9 triệu lượt khách quốc tế và 66,3 triệu lượt khách nội địa. Tuy nhiên, mức tăng trưởng giữa 14 địa phương này lại có sự chênh lệch khá rõ. Và nếu tính dân số chung của TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL là hơn 27 triệu người thì bình quân, mỗi người dân chỉ đón khoảng 2,8 lượt khách/năm và chỉ đón 0,39 lượt khách quốc tế/năm. Từ sự phát triển có phần khiêm tốn này, vấn đề hợp tác, hỗ trợ kích cầu du lịch TP. Hồ Chí Minh - ĐBSCL được xác định là giải pháp chiến lược để tháo gỡ khó khăn chung, giúp ngành “công nghiệp không khói” của mỗi địa phương bứt phá trong thời gian tới.

3 TUYẾN DU LỊCH KẾT NỐI KHU VỰC

Tại chương trình ký kết hợp tác, cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp đã bàn bạc, đóng góp nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả và hiệu lực liên kết. Trong đó, trọng tâm là tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL; xây dựng kế hoạch truyền thông sản phẩm du lịch vùng và từng địa phương; chú trọng đầu tư sản phẩm - dịch vụ mới, tiếp tục hoàn thiện chất lượng sản phẩm đã có; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Đặc biệt, các đơn vị đã đề xuất 3 tuyến du lịch kết nối TP. Hồ Chí Minh với các điểm đến của 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL. Cụ thể, tuyến 1 - du lịch xuyên Tây Nam bộ, với chủ đề “Những nẻo đường phù sa” mang đặc trưng du lịch sinh thái, miệt vườn, sông nước, các công trình lịch sử - văn hóa; tuyến 2 - du lịch ven biển Tây Nam bộ, với chủ đề “Non nước hữu tình” mang sắc thái cảnh quan biển, ẩm thực biển; tuyến 3 - du lịch vùng biên Tây Nam bộ, có chủ đề “Sắc màu của vùng biên” là những sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của mùa nước nổi, vùng Đồng Tháp Mười và nét văn hóa các tỉnh dọc biên giới. Trong tất cả các tuyến này, TP. Hồ Chí Minh giữ vai trò “nhạc trưởng” cung cấp, điều phối lượng khách cho các tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ. Và ngược lại, ĐBSCL sẽ giải quyết nhu cầu khám phá du lịch đô thị TP. Hồ Chí Minh cho du khách trong vùng.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở VH-TT-TT&DL Bạc Liêu nêu quan điểm, nếu phát huy được tiềm năng các tuyến và xây dựng chương trình kích cầu dành riêng cho du khách ĐBSCL thì mỗi năm, TP. Hồ Chí Minh chỉ cần khai thác khoảng 10% dân số vùng sẽ thúc đẩy tăng trưởng đáng kể lượng khách nội địa cho thành phố. Về phía ĐBSCL, các đơn vị quản lý điểm đến cần chủ động kết nối với khoảng 1.000 doanh nghiệp lữ hành hiện có của TP. Hồ Chí Minh để mở rộng thị trường du lịch rộng lớn, chất lượng này. Đồng thời, mỗi địa phương trong vùng cũng cần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng sản phẩm có sự khác biệt, tổ chức nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống để thu hút, giữ chân du khách.

HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.