Tri ân tổ nghiệp Sân khấu Việt Nam

Thứ Sáu, 25/09/2020 | 18:10

Khắp nơi trên cả nước (đặc biệt là giới nghệ sĩ, các nhà hát cải lương…) đang long trọng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch). Ở Bạc Liêu, cùng kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam còn có nhiều hoạt động thiết thực để tưởng nhớ, tôn vinh người nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu với tuyệt phẩm “Dạ cổ hoài lang” (DCHL) - bản nhạc năm nay đã 101 tuổi!

Các nghệ sĩ, nghệ nhân hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật của Bạc Liêu tham gia lễ giỗ Tổ cổ nhạc. Ảnh: H.T

Thiêng liêng ngày giỗ Tổ cổ nhạc

Có nhiều sự tích được kể lại nhưng chưa ai xác định được Tổ sân khấu là ai; chỉ biết rằng các gánh hát khi kéo quân đi phục vụ ở đâu cũng đều lập một bàn thờ Tổ để trước khi ra sân khấu, mỗi nghệ sĩ, diễn viên đốt nhang, khấn vái Tổ phù hộ cho đêm diễn thành công. Vị Tổ của sân khấu đã là biểu tượng thiêng liêng như vậy!

Trước khi được Đảng và Nhà nước công nhận chính thức ngày 12/8 âm lịch hàng năm là Ngày Sân khấu Việt Nam, thì Bạc Liêu đã có nghi thức giỗ Tổ cổ nhạc tổ chức cùng ngày ấy! Trong không khí trang nghiêm, bàn thờ Tổ trong đêm giỗ Tổ cổ nhạc thiêng liêng hơn bao giờ, nhất là khi những điệu thức cúng bái khai màn! Năm nào cũng vậy, trước đây là Đoàn cải lương Cao Văn Lầu - giờ là Nhà hát Cao Văn Lầu - hễ cứ đến gần ngày giỗ Tổ là các nghệ sĩ, diễn viên lại miệt mài tập dượt. Đó là các tiết mục liên hoàn, đan xen giữa chuyện hôm nay và tích hôm qua, những bản vọng cổ ngợi ca người nghệ sĩ… được dựng thành một ca cảnh tầm 60 phút, vừa đậm chất nghệ thuật chuyên nghiệp đồng thời cũng rất sâu sắc ý nghĩa tri ân Tổ nghiệp.

Lễ giỗ Tổ cổ nhạc là thời khắc linh thiêng trong lòng các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên nói chung, giới nghệ sĩ, diễn viên cải lương ở Bạc Liêu nói riêng. Hồ Hồng Nhiên, diễn viên Nhà hát Cao Văn Lầu, đã nhiều năm góp mặt trong lễ giỗ Tổ, chia sẻ: “Tôi cảm thấy tự hào khi được thắp hương, dâng lên bàn thờ tổ những lễ vật, biểu diễn các tiết mục nghệ thuật… Càng tự hào tôi càng thấy mình phải ra sức phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng là thế hệ kế thừa, nối nghiệp”!

Giỗ Tổ hàng năm ở Bạc Liêu còn là dịp để giới nghệ sĩ, diễn viên cải lương tỉnh nhà “báo công” với Tổ nghiệp. Anh Ngô Quốc Khánh, Phó Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu, chia sẻ: “Những chuông vàng vọng cổ, huy chương trong các hội diễn sâu khấu chuyên nghiệp toàn quốc, giải thưởng Trần Hữu Trang, 4 nghệ sĩ ưu tú được Nhà nước công nhận… đã khẳng định độ chín của một thế hệ nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp của Nhà hát Cao Văn Lầu. Thành tựu bước đầu đó và nỗ lực của nhà hát với những suất diễn định kỳ cuối tuần đã góp phần tạo nên thương hiệu và tiếng vang ngày càng xa của Nhà hát Cao Văn Lầu”. Và đó cũng là cách tri ân thiết thực của đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên kế thừa ở Bạc Liêu! Tri ân những vị Tổ trong truyền thuyết đã có công sáng lập nền sân khấu cải lương và ghi tạc công đức của những bậc hậu Tổ; “ôn cố tri tân”, nhớ ơn Tổ nghiệp để đền đáp bằng sự cống hiến cho sự nghiệp sân khấu trên quê hương bản DCHL!

DCHL - vượt trăm năm tuổi

Vị Tổ trong chuyện xưa tích cũ là ai thì không ai dám khẳng định, nhưng những cống hiến có thật của những bậc hậu Tổ ở Bạc Liêu thì đã được sử sách lưu danh bởi những cống hiến to lớn cho nghệ thuật sân khấu cải lương. Đó là những Nhạc Khị, Sư Nguyệt Chiếu, Cao Văn Lầu, Trịnh Thiên Tư, Lư Hòa Nghĩa, Trần Tấn Hưng…

Theo tư liệu ghi chép lại, bản DCHL ra đời vào Rằm tháng Tám năm 1919. Như vậy, ngày ra đời bản nhạc lòng của nhạc sĩ Cao Văn Lầu gần như cùng thời điểm với Ngày Sân khấu Việt Nam, cứ như sự trùng hợp của kỳ duyên! DCHL gắn liền với sân khấu Việt Nam như cách bản nhạc thổi hồn vào sân khấu cải lương, từ một sáng tác thăm thẳm tiếng lòng người vợ gửi cho chồng nơi biên ải xa xôi mà trở thành công trình tập thể dài về sau: DCHL đã biến hóa từ nhịp đôi đến vọng cổ nhịp 4… rồi đến nhịp 32 thông dụng sau này. Nói về DCHL thì đếm không xuể, liệt kê không bao giờ đủ những nhận xét, đánh giá của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nghệ nhân, soạn giả trong và ngoài nước. Vì đó không đơn thuần là những nhận định mà còn là cảm tình, yêu thương gửi gắm vào khúc nhạc lòng đã trở thành tài sản phi vật thể của quốc gia trong tâm thức bao thế hệ! Phạm vi bài viết này chỉ xin trích nhận xét của một danh ca trong làng cải lương Việt Nam - Nghệ sĩ ưu tú Thanh Sang: “Từ nhịp 2 của DCHL đã lớn dần qua nhịp 4, 8, 16, 32… Vọng cổ đã mới và càng mới hơn. Tuy nhiên, nếu ca vọng cổ mà không nắm được cái cốt lõi từ DCHL của bác Sáu Lầu, e rằng không đánh giá được từng giai đoạn chuyển hóa của nó, mà mỗi giai đoạn có nghĩa là nốt nhạc kéo dài ra nhưng vẫn giữ được cái hồn của nhạc Việt”. Cái hồn đó đi vào sân khấu cải lương rồi bước chân qua sân khấu kịch (với vở kịch cùng tên và vang danh trên sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần, TP. Hồ Chí Minh) đã đành, lại còn tiếp tục da diết trên sân khấu âm nhạc sôi động của giới trẻ bây giờ với dấu ấn không lẫn với một bản nhạc hit đương đại nào…

Ngày 12 tháng 8 âm lịch từ lâu đã trở thành ngày hội truyền thống của người nghệ sĩ, cũng là thời điểm Bạc Liêu long trọng những hoạt động tri ân bác Sáu Lầu - người  nhạc sĩ tài hoa và tôn vinh bản DCHL bất hủ. Tổ chức trang trọng để tưởng nhớ những thời điểm có ý nghĩa đặc biệt đối với nghiệp sân khấu nói chung và sân khấu cải lương Nam Bộ nói riêng, đồng thời cũng là dịp để văn nghệ sĩ tri ân công lao của Tổ nghiệp, từ đó ra sức phấn đấu sáng tạo và biểu diễn, đóng góp vào sự nghiệp sân khấu Việt Nam.

TỪ CẨM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.