Từ Tháp cổ Vĩnh Hưng: Con đường du lịch rộng mở

Thứ Hai, 15/01/2018 | 16:31

Được nhiều người ví như một ngôi tháp cổ ngàn năm bí ẩn ở miền Tây, tháp cổ Vĩnh Hưng của Bạc Liêu là một điểm đến du lịch độc đáo nếu phát huy đúng cách những giá trị vốn có và khai thác đúng hướng để phục vụ nhu cầu du lịch. Kiến trúc nghệ thuật độc đáo, cùng với những giá trị văn hóa đặc biệt đã được khẳng định qua nhiều lần khai quật, khảo sát, tháp cổ Vĩnh Hưng cũng đã được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1992.
Di tích tháp Vĩnh Hưng có diện tích phân bố khoảng 5ha, tọa lạc tại ấp Trung Hưng 1B (xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) cách TP. Bạc Liêu về phía Tây Bắc khoảng 20km theo đường chim bay. Đây được xác định là một di tích cư trú có niên đại khởi điểm từ khoảng thế kỷ IV sau Công nguyên, thuộc phạm trù văn hóa Óc Eo. Theo nghiên cứu khoa học, tháp Vĩnh Hưng là trung tâm tôn giáo của khu vực này được xây dựng từ khoảng thế kỷ VII sau Công nguyên và đã được trùng tu, sửa chữa qua những biến động lịch sử ở giai đoạn sau đó (từ thế kỷ VIII - XIII).
Tháp Vĩnh Hưng đã trải qua nhiều lần được khảo sát. Theo lịch sử ghi chép lại, từ năm 1911, tháp đã được ông Lunet de Lajonquiere phát hiện dưới tên gọi tháp Trà Long. Năm 1917, ông Henri Parmentier tiếp tục khảo sát và công bố kết quả khảo sát trong tập san của Trường Viễn đông Bác Cổ Pháp (BEFEO) với tên gọi mới: tháp Lục Hiền. Đến tháng 5/1990, các nhà khảo cổ thuộc Viện Khoa học xã hội TP. HCM (nay là Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Minh Hải đã đến khảo sát và đào một hố thám sát, phát hiện một số hiện vật như đầu tượng thần, minh văn, bàn nghiền, Linga - Yoni… Từ đây, niên đại di tích tháp được xác định từ thế kỷ VII - VIII sau Công nguyên, thuộc giai đoạn phát triển của nền văn hóa Óc Eo. Từ những giá trị độc đáo được ghi nhận, năm 1992, Bộ VH-TT đã xếp hạng đây là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Tháp Vĩnh Hưng sẽ thu hút khách du lịch nhiều hơn nếu có những giải pháp kịp thời, hiệu quả. Ảnh: C.T


Tiếp tục hành trình làm sáng rõ giá trị của một di tích cấp quốc gia, cũng như nhằm phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích tháp Vĩnh Hưng, trong năm 2002 và tiếp sau đó là năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu khai quật xung quanh tháp. Những đợt khai quật này tiếp tục những việc như làm lộ diện chân móng tháp, giải quyết những vết tích chìm trong lòng đất để có những giải pháp trùng tu, tôn tạo ngôi tháp nhằm phát huy giá trị của di tích. Nhiều hiện vật có giá trị đã được phát hiện trong những đợt khảo sát như: tượng Nữ thần được tạc theo phong cách truyền thống tượng tròn Óc Eo Phù Nam, bàn tay phải của “Tượng thần”, một số Linga - Yoni, đồ gốm dùng trong sinh hoạt và đặc biệt là bộ tượng đồng được các nhà khảo cổ học đánh giá là bộ sưu tập tượng độc đáo, là “bảo vật quốc gia”, trong đó có một số tượng độc bản có giá trị rất cao. Năm 2011, Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư công trình tôn tạo di tích tháp Vĩnh Hưng gồm các hạng mục: nhà trưng bày, nhà bia, nhà bảo vệ, hàng rào và một số hạng mục khác nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
Một công trình cổ trên hành trình xuôi về miền Tây đã được các nhà chuyên môn nghiên cứu và công bố giá trị độc đáo, được công nhận là di tích cấp quốc gia với những giải pháp trùng tu, tôn tạo kịp thời để bảo vệ nghiêm ngặt, chống xuống cấp. Thế nhưng, câu chuyện phát huy giá trị “làm du lịch” của nơi này, nhiều năm qua gần như chưa có tác dụng thật sự! Tháp cổ Vĩnh Hưng cũng đã được nhắc đến trong những hành trình xuôi về đất cực Nam Tổ quốc nhưng vẫn chưa được thiết kế như một điểm đến, điểm dừng chân thú vị trong các tua tuyến du lịch lữ hành. Cung cách phục vụ chưa chuyên nghiệp, chưa có những thuyết minh viên chuyên môn để dẫn dắt du khách tìm hiểu cặn kẽ về ngôi tháp cổ này, những hiện vật khai quật được xác định là “bảo vật quốc gia” vẫn chưa được giới thiệu đến du khách khi họ đến đây tham quan…, phải chăng cần tính toán lại để con đường làm du lịch của một ngôi tháp cổ nhiều giá trị độc đáo này được rộng mở thật sự ngay từ bây giờ?!
Một tấm bia chú thích về di tích tháp Vĩnh Hưng đã cho du khách đến đây hiểu khá rõ về quá trình hình thành, cũng như những công đoạn chuyên môn để làm “lộ diện” giá trị ngôi tháp cổ này, thế nhưng như thế vẫn chưa đủ sức hấp dẫn đối với du khách. Thiết kế tua tuyến du lịch hợp lý, đẩy mạnh công tác quảng bá, lời thuyết minh sinh động, những di vật được mục sở thị và có lời giải thích về niên đại ra đời, những giá trị đương đại của chúng để người ta hiểu rõ hơn về một nền văn minh thời cổ đại…, đó là những việc mà ngành chức năng cần tính đến để tháp Vĩnh Hưng trở thành điểm đến hấp dẫn trên hành trình về đất Bạc Liêu. Còn nữa, một điểm du lịch tiêu biểu cấp vùng kế tiếp trong tương lai của Bạc Liêu sau 8 điểm đã được công nhận, với điều kiện Bạc Liêu tính được con đường để tháp Vĩnh Hưng đón du khách nhiều hơn với những giá trị đặc biệt vốn có. 
Nhật Quỳnh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.