Văn hóa - Nghệ thuật
Tục lệ thờ cúng đầu năm: Đậm màu văn hóa Việt!
Thời gian nghỉ tết đã hết, nhưng dư vị của những ngày xuân vẫn còn phảng phất trong lòng người. Không chỉ là “tháng ăn chơi”, tháng Chạp, tháng Giêng còn là những “tháng bận rộn” của nhiều gia đình, bởi các tục lệ thờ cúng những vị thần, tổ tiên, ông bà. Và phong tục này đã trở thành một nét văn hóa đậm màu bản sắc Việt.
Kéo dài từ cuối tháng Chạp cho đến gần cuối tháng Giêng, nhiều người Việt có khá nhiều lần bày mâm thờ cúng. 23 Tết cúng đưa ông Táo. 25 Tết cúng ông bà tổ tiên. Đến trưa ngày cuối năm thì bày mâm cúng rước ông bà về với gia đình mình, tối hôm đó còn tiếp tục cúng giao thừa. Hết tết, các gia đình lại lật đật chuẩn bị mâm cỗ để “cúng tất”.
![]() |
Cúng Thần Tài. Ảnh minh họa: B.T |
Đối với người Bạc Liêu nói riêng, người Việt Nam, các tục lệ thờ cúng trong những ngày đầu năm mới đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Họ làm bằng tất cả lòng thành kính của mình. Ở rất nhiều gia đình, phong tục thờ cúng được duy trì qua nhiều thế hệ. Cứ thế, phong tục này đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa đặc biệt đậm màu văn hóa Việt. Gia đình nào giàu có thì cúng mâm cao cỗ đầy, gia đình nào không được khá giả thì bày mâm cỗ giản dị, nhưng tất cả đều muốn tỏ lòng thành kính đối với các vị thần linh, ông bà, tổ tiên và mong họ sẽ phù hộ cho gia đình mình gặp nhiều may mắn, bình an, mọi ước nguyện đều trở thành hiện thực trong năm mới. Chị Nguyệt (phường 7, TP. Bạc Liêu) cho biết: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản là “có kiêng ắt có lành”, nên việc cúng kiến là điều nên làm. Nấu cúng tất nhiên là cực, nhưng lại thấy lòng mình thanh thản”.
Cái hay nhất ở tục lệ thờ cúng đầu năm mới là khi nó đã lan truyền rộng rãi trong toàn dân, hòa quyện trong lối sống hàng ngày thì không ai còn truy nguyên nguồn gốc của nó nữa. Đó chính là bản sắc văn hóa Việt đã, đang và sẽ được duy trì, phát huy một cách thật tự nhiên!
Ngọc Trân