Vài suy nghĩ về nghệ thuật đờn ca tài tử thời đương đại

Thứ Sáu, 15/12/2023 | 16:36

Qua hơn một thế kỷ, nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (gọi tắt là ĐCTT) đã và đang khẳng định vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Nam Bộ nói chung, trong đó có Bạc Liêu - một trong những “chiếc nôi” của loại hình nghệ thuât này. Tuy nhiên, trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, hội nhập và giao lưu văn hóa mạnh mẽ, sức sống của ĐCTT cũng đang dần bị xâm lấn…

Một tiết mục biểu diễn đờn ca tài tử tại buổi họp mặt kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Sức lan tỏa của di sản

Nổi bật trong dòng chảy văn hóa vùng đất phương Nam, ra đời cách đây hơn trăm năm, ĐCTT có sức lan tỏa rất lớn. Không chỉ phổ cập sâu rộng ở Nam Bộ, ĐCTT còn có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành và kể cả các nước có nền văn hóa hiện đại như: Mỹ, Pháp, Canada, Úc… đều có phong trào ĐCTT và ca hát cải lương. Từ khi ĐCTT được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì loại hình này như được chắp thêm đôi cánh ngày càng vươn tầm thế giới.

Đạt được thành quả như vậy là do ĐCTT có những đặc điểm mang tính khoa học và nghệ thuật, tiếp theo là do công lao xây dựng, bồi đắp của nhiều nghệ nhân tiền bối ở các tỉnh phía Nam, sau đó lại được sự cộng hưởng nhiệt tình của nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ các vùng miền trong cả nước. Riêng Bạc Liêu đã có những đóng góp tích cực trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển ĐCTT và sân khấu cải lương (SKCL) Nam Bộ. Nói Bạc Liêu là một trong những “chiếc nôi” của Nghệ thuật ĐCTT và là nơi đóng góp nhiều nhất cho nền SKCL Nam Bộ là có cơ sở. Bởi vì nơi đây có nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ từng cho ra đời những bản đờn, bài ca bất hủ cho ĐCTT và SKCL, từng gây dựng thành phong trào sáng tác mạnh mẽ với lực lượng hùng hậu từ những thập niên đầu thế kỷ XX.

Tuy vậy, phần lớn giới trẻ bây giờ có xu hướng thích tìm đến cái tân thời, một bộ phận không nhỏ có biểu hiện quay lưng với các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Điều đó đồng nghĩa với nguồn kế thừa càng hiếm hoi, khó tìm trong giới trẻ. Mặt khác, cuộc sống tất bật với cơm, áo, gạo tiền đã cuốn nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ không sống được với nghề, tìm hướng khác mưu sinh, mặc dầu lòng yêu nghề trong họ vẫn luôn cháy bỏng. 

Nếu không sớm có giải pháp kịp thời thì chuyện mai một loại hình di sản văn hóa đặc trưng của vùng đất Nam Bộ sẽ không còn quá xa.

Phục vụ đờn ca tài tử cho du khách đến với Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: C.T

Cần “hơi thở” của thời đại

Ngoài 2 đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT được ban hành vào năm 2015 và 2021, UBND tỉnh còn ban hành Đề án phát triển nghệ thuật SKCL tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025.

Bạc Liêu cũng là tỉnh đầu tiên của Nam Bộ thành lập Chi hội Nghệ nhân ĐCTT (trực thuộc Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh). Chi hội với nòng cốt là 26 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ nhân ưu tú (NNƯT), có bề dày kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức và uy tín để tập hợp giới nghệ nhân trong tỉnh, tổ chức các hoạt động, thẩm định đánh giá cũng như đề ra những định hướng phát triển của phong trào ĐCTT của tỉnh trong thời gian tới. Bạc Liêu có nhiều điều kiện thúc đẩy công tác bảo tồn và phát huy giá trị ĐCTT và SKCL Nam Bộ có bước đi vững chắc, không ngừng phát triển.

Một hội nghị chuyên đề về bảo tồn và phát huy ĐCTT và SKCL Nam Bộ là điều nên nghĩ đến. Bởi hiện nay, các giải pháp còn mang tính riêng lẻ, địa phương, nên nhìn chung chưa mang lại nhiều hiệu quả, chưa xứng tầm với một di sản. Hiện nay, Nhà nước phong tặng NNƯT, Nghệ nhân nhân dân định kỳ 3 năm/lần, thiết nghĩ, cấp tỉnh nên ban hành bộ tiêu chí và điều kiện kết nạp đối tượng này vào Hội hoặc Chi hội Nghệ nhân ĐCTT cấp tỉnh, làm tiền đề cho Hội đồng xét duyệt cấp tỉnh đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu là NNƯT.

Điều cần nữa là tạo điều kiện thuận lợi để nghệ nhân nuôi dưỡng đam mê, sống được với nghề, cống hiến nhiệt huyết hơn cho ĐCTT; khai thác có hiệu quả, đưa di sản ĐCTT và SKCL như một “đặc sản văn hóa” vào hoạt động du lịch… Đó vừa là cách để quảng bá, vừa tạo điều kiện cho nghệ nhân, nghệ sĩ có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống “lấy ngắn nuôi dài”. Nên đưa ĐCTT và SKCL vào trường học (chương trình ngoại khóa), xem như một bộ môn VH-NT dân gian địa phương để giáo dục, định hướng thị hiếu cho giới trẻ. Biết đâu từ môi trường giáo dục sẽ sớm phát hiện được những mầm non để tiếp tục chăm bồi, bổ sung nguồn nhân lực kế thừa.  

Bảo tồn và phát triển ĐCTT đòi hỏi sự chung tay của nhiều người, nhiều giới và ở nhiều phương diện để ĐCTT tồn tại không phải như một dư âm của quá khứ mà vẫn phát triển rộng lớn. ĐCTT cần được khơi gợi nên những sáng tạo mới, bắt đầu từ những bản đờn mới, lời ca mới, những sáng tạo mang hơi thở thời đại trên nền tảng khuôn mẫu cũ. ĐCTT sẽ tồn tại, phát triển vững chắc trong tương lai khi được khơi nguồn cảm hứng và không ngừng sáng tạo của cộng đồng.

Nghệ nhân ưu tú Đỗ Ngọc Ẩn

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.