Vai trò của gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới

Thứ Sáu, 13/09/2019 | 16:51

Gia đình phát triển bền vững không chỉ là niềm hạnh phúc cho mỗi người, mỗi nhà mà còn là nhân tố quan trọng góp phần giữ gìn sự phát triển lành mạnh, an toàn của xã hội và sự ổn định dân số của mỗi quốc gia. Vì vậy, gia đình luôn là một mối quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta. Tại Đại hội XI của Đảng, vấn đề vai trò của gia đình trong thời kỳ mới được Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh và làm sâu sắc hơn.

Một gia đình 4 thế hệ ở phường 1 (TP. Bạc Liêu).

Vai trò của gia đình trong thời kỳ mới

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh khẳng định “gia đình là tế bào của xã hội”. Kế thừa tư tưởng của các nhà kinh điển, Đảng ta nhận thức sâu sắc về vai trò của gia đình đối với xã hội. Tại Đại hội XI, Đảng ta nhấn mạnh: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội”. Rõ ràng, muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng “tế bào” phải phát triển bền vững. Gia đình không chỉ là “tế bào” tự nhiên mà còn là một đơn vị kinh tế của xã hội. Không có gia đình tái tạo ra con người để xây dựng xã hội thì xã hội cũng không thể tồn tại và phát triển được. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị mới được tiếp thu, nhưng nhiều giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam cũng đang mất đi. Tình trạng ly hôn, bạo hành gia đình gia tăng; chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, hưởng thụ có xu hướng tăng lên… Những hạn chế này đang làm cho nhiều “tế bào” có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, làm cho nền tảng xã hội thiếu vững chắc. Từ những tiêu chí quan trọng của gia đình văn hóa Việt Nam được đề xuất tại Đại hội VIII của Đảng và được cụ thể hóa thành Chiến lược xây dựng gia đình văn hóa Việt Nam, đến Đại hội XI, Đảng ta đã có sự phát triển nhận thức mới về gia đình, đó là “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc” - những điều kiện cơ bản, quan trọng để gia đình phát triển lành mạnh. Muốn có một “tế bào lành mạnh”, một “nền tảng vững chắc” thì phải xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

Bên cạnh đó, gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ đất nước. Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ: “Gia đình là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”, góp phần chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa, nghĩa tình... Đảng ta nhận thức rõ rằng, con người Việt Nam chỉ có thể được trang bị những phẩm chất tốt đẹp nếu có một môi trường xã hội tốt. Môi trường đó trước hết là từ mỗi gia đình. Các gia đình chịu trách nhiệm trước xã hội về sản phẩm của gia đình mình, phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con cái, cung cấp cho xã hội những công dân hữu ích. Cùng với nhà trường, gia đình tham gia tích cực nhiệm vụ “dạy người, dạy chữ”, tạo ra lực lượng lao động tương lai có chất lượng cao.

Không chỉ vậy, gia đình còn có vai trò giữ gìn, lưu truyền, phát triển văn hóa dân tộc. Đảng ta nhấn mạnh gia đình là nơi tiếp thu, giữ gìn và lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thông qua các câu chuyện cổ tích, qua các câu ca dao, tục ngữ, cha mẹ, ông bà là những người thầy đầu tiên dạy dỗ, nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển tư duy và từng bước giáo dục hình thành nhân cách cho mỗi con người. Qua lao động, qua việc xử lý các mối quan hệ hàng ngày, gia đình đã truyền thụ cho con trẻ những nét đẹp của truyền thống gia đình, dòng họ, truyền thống văn hóa dân tộc. Từ đó mỗi cá nhân hình thành và bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, tình cộng đồng, dũng cảm trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, chăm chỉ, cần cù trong lao động  sản xuất…

Sân khấu hóa tuyên truyền vai trò, ý nghĩa của xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no và tiến bộ. Ảnh: H.T

Xây dựng gia đình Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

Để đạt được mục tiêu: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”, Đảng ta chỉ rõ cần tập trung vào một số khâu chủ yếu sau:

Trước hết là sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Để hoàn thiện Chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, cần làm rõ một số nội dung như: Nâng cao nhận thức của toàn xã hội cũng như mỗi cá nhân về vai trò, vị trí đặc biệt của gia đình đối với xã hội, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trong gia đình, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình. Cấp ủy và chính quyền các cấp phải đưa nội dung công tác xây dựng văn hóa gia đình và gia đình văn hóa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chương trình kế hoạch công tác hàng năm của các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt là xây dựng gia đình Việt Nam phải trên cơ sở kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của thời đại về gia đình. Đề cao trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng nhân cách cho mỗi thành viên trong gia đình nhằm hướng tới những phẩm chất của con người Việt Nam.

Một khâu nữa cần chú ý, đó là xây dựng “Gia đình văn hóa” phải gắn với các phong trào khác như: xây dựng khu dân cư văn hóa, đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới... Đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; xây dựng nếp sống văn hóa trong các gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…, tạo điều kiện cho mọi người được tiếp cận với các kiến thức kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học - kỹ thuật và phúc lợi xã hội, giúp các gia đình có kỹ năng sống, chủ động phòng, chống sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cũng là một trong những khâu cần đặc biệt quan tâm. Để mỗi tế bào xã hội mạnh khỏe thì công tác chăm sóc sức khỏe, trước hết là sức khỏe của bà mẹ, trẻ em, thực hiện gia đình ít con là biện pháp quan trọng cần được quan tâm.

Đặc biệt, cần chú trọng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật xây dựng gia đình văn hóa. Chúng ta đã có Luật Hôn nhân và Gia đình (năm 2000); Luật Bình đẳng giới (năm 2007); Luật Phòng chống bạo lực gia đình (năm 2008); Pháp lệnh Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 -  2020… Tuy nhiên, gia đình luôn vận động và biến đổi theo sự vận động của xã hội, vì vậy, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục ban hành, bổ sung một số chính sách mới phù hợp với điều kiện xây dựng gia đình văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, cần tiếp tục sự nghiệp giải phóng phụ nữ nhằm thực hiện bình đẳng giới. Hiện nay, phụ nữ còn chịu nhiều thiệt thòi, bất bình đẳng so với nam giới, do vậy, chưa phát huy hết vai trò của bản thân trong xây dựng gia đình, đồng thời hạn chế sự đóng góp của họ cho toàn xã hội. Phụ nữ cần tiếp tục được giải phóng, được chia sẻ về công việc gia đình, hỗ trợ về các dịch vụ gia đình để có thời gian phát triển sự nghiệp.

Với nhận thức và các biện pháp xây dựng gia đình như trên, hy vọng trong thời gian tới, vị trí, vai trò của gia đình ngày càng được khẳng định và các gia đình Việt Nam ngày càng “khỏe mạnh” hơn để giữ vững nền tảng xã hội, tạo đà cho Việt Nam “cất cánh” nhanh và bền vững.

Duy Thanh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.