Văn hóa - Nghệ thuật
Vai trò người cao tuổi trong giữ gìn giá trị văn hóa gia đình
Người cao tuổi có vai trò là những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống trong xây dựng gia đình. Là thế hệ đi trước và làm gương nên “tiếng nói” của người cao tuổi có giá trị đặc biệt trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình.
Ông Liêu Khai Chuối và “bộ sưu tập” bằng khen, giấy khen,
giấy chứng nhận gia đình hiếu học, gia đình học tập. Ảnh: N.V
Cuộc sống càng hiện đại thì mô hình gia đình hạt nhân (gia đình hai có thế hệ cha mẹ và con cái) ngày càng phổ biến. Ở thành thị và nông thôn bây giờ ít gặp những gia đình “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” (gia đình 3 hoặc 4 thế hệ). Chưa có thống kê nào cho thấy, những gia đình nhiều thế hệ sẽ đào tạo ra nhiều nhân tài hơn và gia đình hạnh phúc hơn gia đình hạt nhân. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh được rằng, gia đình có người cao tuổi ở chung với con cháu, thì nhiều giá trị văn hóa truyền thống trong gia đình sẽ được bảo tồn tốt hơn.
Thực tế, người ông, người bà trong những gia đình có nhiều thế hệ con cháu chung sống đã lấy đức độ, tình yêu thương của mình làm tấm gương sáng cho con cháu noi theo để xây dựng nên những gia đình gắn bó, thuận hòa và hạnh phúc. Đó là những bằng chứng sống về những gia đình mẫu mực Việt Nam.
Gia đình ông Liêu Khai Chuối (ấp Xóm Lớn B, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) là một điển hình. Ông Khai Chuối có 3 người con, trong đó 2 người là giáo viên và 1 người là nhân viên nhà nước. Gia đình được tặng rất nhiều giấy khen, giấy chứng nhận và bằng khen với các thành tích: Gia đình hiếu học, gia đình học tập. Ông Khai Chuối bộc bạch: “Tôi không có bí quyết gì hết, chỉ có phương pháp giáo dục con cháu là dùng tình thương của mình để phân tích điều hay lẽ phải cho chúng nhận ra sai lầm mà sửa chữa. Bữa cơm gia đình là nơi để mọi người trong nhà quây quần, chia sẻ mọi thứ. Rồi từ đó, với vai trò người lớn tuổi nhất trong nhà, tôi mới quyết định nhiều việc quan trọng, cũng như đưa ra lời khuyên hữu ích cho con cháu”. Không ngại gian khổ, cần cù lao động để cho con ăn học thành tài là cách để gia đình ông Khai Chuối giúp con cháu vững bước vào đời.
Đa phần người cao tuổi đều có chung suy nghĩ và cách làm để giữ nét văn hóa gia đình. Đó là chấp nhận cực khổ, chí thú làm ăn tạo ra của cải vật chất để làm gương cho con cháu noi theo. Ký ức về một thời gian khó của gia đình ông Lê Văn Yên (ấp Trà Ban 1, xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) đến giờ vẫn còn in đậm trong tâm trí ông. Gia đình con đông (11 người) nhưng vợ chồng ông Yên vẫn tạo ra cơ ngơi và để lại cho con cháu nền tảng kinh tế vững vàng nhờ vào sự chí thú làm ăn. Ông Yên chia sẻ: “Tôi vẫn tâm niệm rằng, cha mẹ phải làm gương thì con cái mới ngoan và sống tốt được. Cho nên, 11 người con của tôi học được tính kỷ luật đó”. Ở cái tuổi 97 mà ông Yên vẫn sinh hoạt đờn ca tài tử đều đặn hàng tháng, tinh thần minh mẫn và thể chất khỏe mạnh, nên hiện tại con cháu vẫn chờ ông là người quyết định sau cùng trong nhiều việc quan trọng.
Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam đến năm 2020 chỉ rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...”. Trước nhiều thay đổi của xã hội như: giao lưu văn hóa mở rộng không giới hạn, tư tưởng con người ngày càng thoáng hơn... thì việc giữ gìn và phát huy giá trị gia đình truyền thống là vô cùng quan trọng. Theo đó, vai trò của người cao tuổi càng trở nên đặc biệt hơn. Bởi người cao tuổi với sự trải nghiệm dạn dày về cuộc đời sẽ trở thành “trụ cột tinh thần” vững chãi trong gia đình bằng việc nêu gương sáng về đạo đức, lối sống từ những sinh hoạt và việc làm nhỏ nhặt hàng ngày để giáo dục cho con cháu những giá trị tốt đẹp của gia đình.
NGỌC TRÂN