Văn hóa nơi công sở: Đôi điều suy ngẫm

Thứ Hai, 24/10/2016 | 17:14

“Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, thiết nghĩ danh hiệu ấy nên được gắn ở bất kỳ một cơ quan, đơn vị nào. Vì đã là cơ quan, đơn vị thì ở đó có những cán bộ, công nhân viên đang sống và làm việc theo pháp luật, tuân thủ những quy định của Nhà nước, quy chế cơ quan… mà mục đích cuối cùng không chỉ là đạt hiệu quả ở từng phần việc cơ quan, đơn vị mình đảm nhiệm, mà còn phải hướng đến việc xây dựng một môi trường văn hóa cả về hình thức bên ngoài lẫn những hành vi ứng xử ở mỗi cá nhân. 
Để được xét tặng “cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, theo Thông tư số 08/2014/TT-BVHTTDL quy định thì các cơ quan, đơn vị phải đáp ứng các tiêu chuẩn như: “Hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả…; 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến" trở lên, 80% trở lên cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên tự học hoặc theo học các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện tốt nghĩa vụ và đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ công phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; có sáng kiến, cải tiến quản lý, kinh nghiệm được áp dụng vào thực tiễn…”. Nhìn những tiêu chuẩn được quy định như trên, nếu áp dụng đúng như khuôn mẫu thì việc kiểm tra để tiến tới công nhận những cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa sẽ không hề đơn giản! Nó đòi hỏi sự theo dõi, giám sát về lâu, về dài thì mới đảm bảo thực hiện đúng những tiêu chuẩn đã quy định, chẳng hạn những tiêu chí về thực hiện tốt nghĩa vụ và đạo đức cán bộ…, nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ công…, việc cán bô,̣ công chức thường xuyên tự học (thế nào là tự học, thường xuyên là ở mức độ như thế nào?… Những tiêu chuẩn dạng mở như thế này khó có một thước đo chuẩn xác nhất!). Ở phạm vi bài phản ánh này, người viết muốn đề cập đến góc độ ứng xử văn hóa tạo nên một môi trường văn hóa tại các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa góc độ “những điều trông thấy”!

Lãnh đạo tỉnh trao bằng khen cho các cơ quan, đơn vị có thành tích trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Ảnh: C.T

Tại một hội nghị về phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, một ý kiến đóng góp về những hiện tượng gây ảnh hưởng đến danh hiệu “cơ quan đạt chuẩn văn hóa” ở vài đơn vị, cơ quan đã khiến mọi người suy ngẫm và nhìn lại chính mình. Và đó cũng là những điều người viết bài này muốn đề cập. Sử dụng giờ làm việc nhà nước để làm việc tư, sử dụng máy móc, trang thiết bị của cơ quan để phục vụ việc giải trí riêng tư trong giờ làm việc, tác phong, hành vi ứng xử của một bộ phận cán bộ, công nhân viên chức nhà nước (thậm chí có cả vấn đề ý thức giữ gìn vệ sinh)… ở những cơ quan đạt chuẩn văn hóa chưa đúng chuẩn mực, tất cả những hiện tượng ấy đã làm ảnh hưởng đến chất lượng văn hóa ở những nơi đã được gắn bảng hiệu. Không khó để bắt gặp những cán bộ, công nhân nhân viên nhà nước “cà kê” ở các quán cà phê, quán ăn, thậm chí là tiệc nhậu khi còn trong giờ làm việc, trong số những người lấy cớ chính đáng là giao tiếp phục vụ cho công việc, ắt hẳn có nhiều người trong số đó “cắt xén” giờ làm việc để phục vụ cho những lợi ích, sở thích riêng của họ. Không khó để bắt gặp hình ảnh những anh, chị cán bộ, nhân viên trẻ ngồi mân mê đôi tay trên bàn phím máy tính, không phải để soạn thảo văn bản hay tính toán thống kê biểu mẫu mà họ đang say sưa với những trò chơi điện tử, “chát chít” với bè bạn hoặc xem phim trên mạng. Tất nhiên, không có nguyên tắc nào hà khắc đến mức cấm tiệt không cho nhân viên nhà nước sử dụng giờ công làm việc riêng, hay sử dụng máy móc, trang thiết bị của cơ quan vào việc giải trí trong giờ làm việc. Thế nhưng, nếu những hiện tượng trên bị lạm dụng thành thói quen thì chất lượng của những cơ quan đạt chuẩn văn hóa ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng bởi những người làm chủ những nơi đang giữ danh hiệu ấy. 
Văn hóa công sở của một cán bộ, công nhân viên không chỉ thể hiện ở ngay cơ quan, đơn vị mà còn qua thái độ, hành vi ứng xử với các mối quan hệ bên ngoài. Ở các cuộc hội nghị liên ngành, nhiều cấp, đó là nơi để cán bộ, công nhân viên chức ở nhiều đơn vị, cơ quan gặp gỡ, giao lưu; và vì vậy cũng là nơi để văn hóa “người nhà nước” được thể hiện. Thái độ tay bắt mặt mừng hay ngược lại là sự lạnh lùng đến thiếu tế nhị với nhau, vào hội nghị chăm chú nghe thuyết giảng, báo cáo hay ngược lại chỉ “tập trung” vào chiếc di động để “chát chít”, lướt mạng; ngồi tán gẫu gây mất trật tự xung quanh... Tất cả có thể với nhiều người chỉ là “chuyện nhỏ” nhưng đủ để khiến người xung quanh nhìn vào mà đánh giá về tác phong của một người cán bộ có văn hóa hay không!
Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa hiện nay ở đâu cũng thấy, toàn tỉnh hiện có đến 1.004/1.010 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đó là thành quả của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Tuy nhiên, để danh hiệu ở những nơi đạt chuẩn ấy giữ vững và đảm bảo có giá trị, thiết nghĩ chính mỗi cán bộ, công nhân viên chức phải tự xây dựng cho mình một bộ khung chuẩn mực về hành vi, ứng xử có văn hóa, bắt đầu từ chính những việc tưởng chừng rất nhỏ trong thói quen, đạo đức, tác phong. Xây dựng và gìn giữ danh hiệu văn hóa, dù đó là ở môi trường “công” (cơ quan, đơn vị…), thì trước tiên vẫn phải chú trọng đến văn hóa “tư” - văn hóa thể hiện ở từng cá nhân!
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.