Văn hóa - Nghệ thuật
Văn học - nghệ thuật các dân tộc: Nuôi dưỡng giá trị văn hóa quê hương
Bạc Liêu từ lâu được biết đến là vùng đất giàu giá trị văn hóa của các dân tộc anh em cùng đoàn kết xây dựng và phát triển từ thời mở đất. Được phản ánh qua lăng kính văn học - nghệ thuật (VH-NT) nói chung, mảng VH-NT các dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng, những giá trị văn hóa ấy được nuôi dưỡng để trở nên sáng lấp lánh hơn, góp phần tạo nên nền tảng tinh thần trong đời sống của Nhân dân.
Bức tranh nhiều sắc màu
Một trong những “cánh chim đầu đàn” của phong trào VH-NT các DTTS ở Bạc Liêu có thể kể đến là Chi hội trưởng Chi hội VH-NT các DTTS Việt Nam tỉnh (trực thuộc Liên hiệp các Hội VHNT Bạc Liêu) - Thạch Đờ Ni. Đầu năm 2024, trong sự kiện Ngày Thơ Việt Nam, diễn ngâm bài thơ “Mời bạn về với chúng tôi”, Thạch Đờ Ni đã làm rõ thêm sự phong phú, đa đạng của VH-NT các dân tộc Việt Nam trong “Bản hòa âm của đất nước” - chủ đề của Ngày Thơ Việt Nam năm nay! Với bài thơ tự sáng tác, Thạch Đờ Ni đã quảng bá về miền Tây nói chung, Bạc Liêu nói riêng, là “một dân tộc quanh năm lễ hội” với những: Chôl-chnăm-thmây, Đôn-ta, Oóc-om-bóc... Cùng với những giải thưởng gần như hằng năm của mình, Thạch Đờ Ni đã góp phần lan tỏa hương sắc VH-NT dân tộc Khmer ở Bạc Liêu qua những tác phẩm điện ảnh: “Hình tượng trang trí chùa Khmer”, “Ký ức lời ru”, “Người Khmer Cái Giá”...
35 hội viên, trong đó có đến 17 hội viên được kết nạp Hội VH-NT các DTTS Trung ương, Chi hội VH-NT các DTTS Việt Nam tỉnh Bạc Liêu ngày càng có nhiều đóng góp làm sáng bức tranh chung của hoạt động VH-NT các DTTS Việt Nam ở Đồng bằng sông Cửu Long, khẳng định vị trí và vai trò VH-NT các dân tộc trong sự nghiệp VH-NT chung của tỉnh.
“Bằng việc đổi mới hoạt động, phát huy sự sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, Chi hội VH-NT các DTTS tỉnh đã có những đóng góp, tập trung vào 3 nhiệm vụ chính là bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống và sáng tác”, Chi hội trưởng Chi hội VH-NT các DTTS - Thạch Đờ Ni cho biết. Nhiều công trình lĩnh vực này đã được xuất bản và hỗ trợ đầu tư như: “Sắc màu điệu múa Khmer trong nghi thức lễ hội tín ngưỡng” (Châu Phát), “Phát huy các giá trị lễ hội dân gian của người Hoa cho phát triển du lịch tỉnh Bạc Liêu” (Lư Dũng), “Nguồn gốc hình tượng trang trí chùa Khmer Nam Bộ” (Thạch Đờ Ni), “Lược sử một số chùa Khmer tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu” (Tăng Minh Khánh), “Lễ đắp núi cát của người Khmer Bạc Liêu” (Sơn Bồ Rết), “Đôi nét văn hóa Khmer Bạc Liêu xưa và nay” (Đào Sơn)... Lĩnh vực sáng tác cũng khá sôi động với những kịch bản sân khấu, múa, tập thơ, ca khúc... Tất cả góp phần tạo nên một sắc màu đa dạng cho VH-NT Bạc Liêu.
Một tiết mục ngợi ca những nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer Bạc Liêu trong chương trình văn nghệ kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam tổ chức ở Bạc Liêu. Ảnh: C.T
Nỗ lực và trăn trở
Những nỗ lực hoạt động và thành tựu trong sáng tác là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, VH-NT các dân tộc ở Bạc Liêu vẫn còn lắm trăn trở trong nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nói chung, nhất là con đường trao truyền cho thế hệ kế thừa.
Theo anh Thạch Đờ Ni, đội ngũ văn nghệ sĩ dân tộc cao niên giữ gìn hồn cốt dân tộc là những người rất am hiểu về đời sống văn hóa của đồng bào DTTS, tuy nhiên khi tham gia hoạt động VH-NT thì đa phần họ gặp phải nhiều chướng ngại khi tuổi tác đã cao không đủ sức khỏe để tham gia các lớp tập huấn và các trại sáng tác. Bên cạnh đó là việc sáng tác theo lối mòn, khó bắt kịp xu hướng phát triển VH-NT các dân tộc, một số được xem là cây cổ thụ trong nền VH-NT DTTS nhưng chưa in được đầu sách nào! Trong khi đó, thế hệ hôm nay hoạt động thuận lợi hơn nhưng lòng đam mê sáng tạo thì lại chưa đủ lửa, VH-NT của DTTS là con đường mà họ ít lựa chọn. VH-NT DTTS hiện nay đang đứng trước nguy cơ và thách thức chung, đó là người biết nói tiếng dân tộc nhưng không biết viết, người biết viết thì lại không biết nói!
Văn nghệ sĩ dân tộc thời hiện tại chính là đội ngũ quan trọng tiếp tục sứ mệnh lan tỏa hương sắc VH-NT các dân tộc trong phong trào VH-NT nói chung, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa tốt đẹp cho quê hương. Bên cạnh đòi hỏi sự nỗ lực tự thân ở họ thì vai trò đầu tàu của ngành Văn hóa nói chung, Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh nói riêng phải tích cực hơn nữa trong tạo điều kiện và có cơ chế thích hợp cho văn nghệ sĩ DTTS như: hỗ trợ in ấn, phát hành tác phẩm VH-NT, mở các lớp tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ sáng tác, mời nghệ sĩ lão thành truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức cho văn nghệ sĩ thế hệ kế cận; tạo điều kiện tốt nhất để văn nghệ sĩ DTTS được tham gia vào các hoạt động VH-NT của địa phương và Trung ương; có chính sách, cơ chế đặc thù thu hút các văn nghệ sĩ DTTS...
Đòi hỏi tâm huyết và sự cống hiến nhiều hơn nữa trong hoạt động VH-NT DTTS cũng cần lắm những động thái thắp lên ngọn lửa đam mê ở những người giữ sứ mệnh gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa từ lãnh địa VH-NT này.
CẨM THÚY
- Tự hào, rạng rỡ chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc khải hoàn”
- Khánh thành Dự án trưng bày nội thất Bảo tàng tổng hợp tỉnh
- Kỳ họp 20, HĐND TP. Bạc Liêu khóa XII: Trên 95,7% cử tri tán thành chủ trương sắp xếp thành lập tỉnh Cà Mau trên cơ sở hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Mạng lưới Hỗ trợ học sinh - sinh viên Khởi nghiệp Khu vực ĐBSCL: Bàn “Giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại trường đại học”
- Gần 100 đoàn viên - thanh niên về nguồn tri ân tại di tích Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh