“VUN GỐC” ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Thứ Hai, 01/05/2023 | 15:04

Trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, sợi chỉ đỏ xuyên suốt nối từ quá khứ đến hiện tại của dân tộc Việt Nam, cùng với sự kiên cường mạnh mẽ của tinh thần đại đoàn kết toàn dân còn là “sức mạnh mềm” từ cội rễ văn hóa của dân tộc. Chính sức mạnh ấy giúp cho Việt Nam dù có thời gian mất nước, nhưng dân tộc Việt Nam không mất gốc!

Trong bối cảnh của sự phát triển như vũ bão của toàn cầu, đối mặt với “cuộc chiến” giữa những giá trị tốt đẹp và hệ lụy tiêu cực ngoại lai có nguy cơ xâm lấn thì việc gìn giữ cội rễ, vun gốc văn hóa để phát triển bền vững vẫn luôn là nhiệm vụ hệ trọng, chẳng thể lơ là...

Bài 1: SỨC MẠNH MỀM CỦA VĂN HÓA DÂN TỘC

Văn hóa dân tộc bắt nguồn từ những điều thuận thiên đất trời đã ban cho và con người thì ra sức xây dựng, gìn giữ: “Như nước Đại Việt từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Bản sắc văn hóa dân tộc như mạch nước ngầm len lỏi trong lòng bao thế hệ người Việt Nam. Là những điều dung dị như “đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể”, “quê hương là gì hở mẹ, ai đi xa cũng nhớ nhiều”. Nhưng đó lại là sức mạnh nội sinh làm nên những điều kỳ diệu cho sự trường tồn của dân tộc!

80 năm nhìn lại giá trị và sức sống vẹn nguyên của Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 để thấy sự cấp thiết phải phát huy hơn nữa vai trò nhân tố văn hóa trên tiến trình phát triển, trong bối cảnh hiện nay.

Một tiết mục văn nghệ trong chương trình kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương văn hóa Việt Nam 1943” tại Bạc Liêu. Ảnh: C.T

Tự tôn văn hóa dân tộc

Một câu chuyện cũ của cố Giáo sư (GS) Trần Văn Khê mà rất nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội như thể hiện niềm tự tôn về văn hóa dân tộc. Chuyện rằng: Khi GS Trần Văn Khê được mời dự buổi sinh hoạt của Hội Truyền bá Tanka Nhật Bản, tổ chức tại Paris (Pháp), một diễn giả người Pháp đã mở đầu bài thuyết trình thế này: “Thưa quý vị, tôi là Thủy sư Đề đốc đã sống ở Việt Nam 20 năm mà không thấy một áng văn nào đáng kể. Nhưng khi sang nước Nhật, chỉ trong vòng một, hai năm mà tôi đã thấy một rừng văn học, trong đó Tanka là một đóa hoa tuyệt đẹp, chỉ cần nói một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm với chỉ 31 âm tiết..”.

Lời phát biểu dĩ nhiên đã chạm đến lòng tự trọng dân tộc của GS Khê - người Việt Nam duy nhất ở đó. Khi đến phần giao lưu, GS xin được bày tỏ: “Thưa Ông Thủy sư Đề đốc, ông nói rằng ông đã ở Việt Nam cả 20 năm mà không thấy áng văn nào đáng kể. Tôi là người Việt, khi nghe câu đó tôi đã rất ngạc nhiên. Chẳng biết khi ngài qua Việt Nam, ngài chơi với ai mà chẳng biết một áng văn nào của nước Việt? Có lẽ ngài chỉ chơi với những người quan tâm đến chuyện ăn uống, chơi bời, hút xách... Phải chi ngài chơi với GS Emile Gaspardone thì ngài sẽ biết đến một thư mục gồm 1.300 sách báo về văn chương Việt Nam mà GS đã in trên Tạp chí Viễn Đông Bác cổ của Pháp. Hay nếu ngài gặp ông Maurice Durand thì sẽ có dịp đọc qua hàng ngàn câu ca dao Việt Nam mà ông ấy đã cất công sưu tập... Nếu ngài làm bạn với những người như thế, ngài sẽ biết rằng nước tôi không chỉ có một, mà có đến hàng vạn áng văn kiệt tác...”. GS tiếp tục với giọng đanh thép: “Ngài nói trong thơ Tanka, chỉ cần một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm. Tôi chỉ là nhà nghiên cứu âm nhạc nhưng với kiến thức văn chương học thời trung học cũng đủ để trả lời ngài: Việt Nam có câu: “Đêm qua mận mới hỏi đào/Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?”. Trai gái thường mượn hoa lá để bày tỏ tình cảm”...

Khi GS Khê dịch và giải nghĩa những câu này thì khán giả vỗ tay nhiệt liệt. Thủy sư Đề đốc đỏ mặt: “Tôi chỉ biết ông là một nhà âm nhạc nhưng khi nghe ông dẫn giải, tôi biết mình đã sai khi vô tình làm tổn thương giá trị văn chương của dân tộc Việt Nam, tôi xin thành thật xin lỗi ông và xin lỗi cả dân tộc Việt Nam”.

Dẫn giải câu chuyện này để chứng minh rằng: Người ta có thể thích thú một đất nước nào đó giàu mạnh về sản vật, độ giàu có, danh lam thắng cảnh...; nhưng, sức hút tạo nên sự ngưỡng vọng chính là nền văn hóa với những giá trị đẹp đẽ thuộc về bản sắc của một dân tộc! Dân tộc Việt Nam hoàn toàn có quyền tự hào khi qua mấy ngàn năm biến thiên, nền văn hóa với những giá trị vật thể, phi vật thể độc đáo đã tạo nên dấu ấn Việt Nam: hòa nhập mà tuyệt đối không hòa tan, chúng ta từng mất nước nhưng không mất gốc.

Lan tỏa những thông điệp xây dựng gia đình hạnh phúc tại Ngày hội gia đình tiêu biểu các tỉnh Tây Nam Bộ do Bạc Liêu tổ chức.

Văn hóa - Hành trang vào đời

Mạng xã hội đưa chúng ta đến những chân trời cao rộng. Không còn khoảng cách địa lý nào ngăn trở, chỉ cần có “mạng” là kết nối, chuyện trò. Thông tin lan truyền đến chóng mặt. Sáng dậy, mở điện thoại đã thấy ngồn ngộn chuyện. Bên cạnh tin cần biết, đâu ít thông tin làm ta đau, trăn trở bởi sự băng hoại đạo đức, sự xuống cấp của những giá trị chân - thiện - mỹ! Một đứa con nghiện ngập thảm sát người sinh ra mình dã man như tra tấn thời Trung cổ, “hổ dữ còn không ăn thịt con” mà có những cha mẹ bạo hành con ruột mình; những học trò trong màu áo trắng đánh nhau tàn bạo như trên phim ảnh; rồi những vụ tham nhũng, lạm dụng chức quyền làm mất đi hình ảnh đẹp của người “đầy tớ của Nhân dân”...

Những thông tin nhan nhản ấy làm ta băn khoăn về hai từ “nhân cách” và việc gìn giữ hệ giá trị, quy chuẩn đạo đức thuộc về nét đẹp thuần phong mỹ tục của dân tộc ta.

Những mẩu tin con giết mẹ, giết cha cứ như vết cắt vào lòng đối với những người con hiếu thảo. Chợt nhớ đến bài thơ “Nói với em” của nhà thơ Vũ Quần Phương trong sách giáo khoa tiểu học: “Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ/ đã nuôi em khôn lớn từng ngày/ tay bồng bế sớm khuya vất vả/ mắt nhắm rồi lại mở ra ngay”. Hay “những ngôi sao thức ngoài kia/ chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con/ đêm nay con ngủ giấc tròn/ Mẹ là ngọn gió ru con suốt đời” (Mẹ - Trần Quốc Minh). Những cán bộ tham ô, lạm dụng chức quyền trục lợi riêng tư, sống trong thời bình sao có thể quên thời cha anh đã đổ máu xương cho đất nước này: “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành” (Tây Tiến - Quang Dũng)...

Và còn biết bao ca dao, tục ngữ, áng văn mà tự thuở nhỏ chúng ta đã được truyền dạy, về lòng yêu Tổ quốc, đồng bào, tình cảm gia đình, lòng biết ơn thầy cô... cốt là để xây dựng nhân cách, văn hóa cho một con người từ khi còn thơ bé. Cái gốc con người được vun bằng những hệ giá trị đó, chính là ta đang xây những viên gạch nền vững chắc, để “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam” trong mọi thời kỳ.

CẨM THÚY

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021)

Việt Nam là một đất nước có hơn 4.000 năm lịch sử, trải qua không biết bao nhiêu sự biến đổi, thăng trầm do thiên nhiên và con người gây ra, đã tích lũy, tạo ra và phát huy được nhiều giá trị, bản sắc văn hóa riêng của dân tộc, làm nên hồn cốt của dân tộc; đồng thời tiếp thu và góp phần đóng góp vào nền văn hóa chung của nhân loại. Nhận thức sâu sắc được vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước ta, dân tộc ta, cho nên ngay từ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hóa của dân tộc; và năm 1943, khi nước nhà còn chưa giành được độc lập, Đảng ta đã đề ra “Đề cương văn hóa Việt Nam”.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.