Xây dựng nông thôn mới

Phát huy vai trò của người dân trong xây dựng giao thông nông thôn

Thứ Hai, 23/09/2019 | 15:29

Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từ nay đến năm 2020, Bạc Liêu sẽ huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho việc duy tu, sửa chữa và xây dựng các công trình giao thông nông thôn (GTNT). Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng nông thôn phát triển và tạo nên những tiền đề quan trọng, vững chắc cho xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nâng cao.

Tuyến giao thông từ xã Hiệp Thành về xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) bị xuống cấp.

Một cây cầu GTNT ở huyện Hồng Dân bị “bỏ hoang” do đơn vị thi công không đủ năng lực thi công.

Đất đổ tràn lên đường giao thông khi thi công công trình thủy lợi (ở huyện Phước Long). Ảnh: L.D

PHÁT HUY TÍNH TIÊN PHONG CỦA NGƯỜI DÂN

Qua thống kê, nhu cầu xây dựng cầu, đường GTNT ở các địa phương là rất lớn. Ở những địa phương đang XDNTM, nhiều nơi vẫn thiếu và chưa có cầu, đường GTNT phục vụ việc đi lại và giao thông hàng hóa của người dân. Thậm chí ở những địa phương đã được công nhận nông thôn mới, nhiều công trình giao thông cũng xuống cấp nghiêm trọng (như tuyến giao thông từ xã Hiệp Thành về xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu).

Để đẩy mạnh phong trào xây dựng GTNT, một trong những giải pháp quan trọng cần được các địa phương quan tâm là làm tốt công tác vận động, tuyên truyền. Đó là làm cho người dân hiểu rõ về nguồn lực đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình GTNT triển khai sắp tới chủ yếu là vận động từ các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, hoặc tranh thủ từ nguồn lực từ các chương trình khác. Do vậy, sẽ không có việc bồi thường, hỗ trợ như những dự án xây dựng GTNT trước đây. Đồng thời, khi đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng mới các công trình GTNT, nếu có làm ảnh hưởng đến đất của người dân thì rất cần sự đồng thuận của người dân trong việc hiến đất và tham gia ngày công lao động.

Thời gian qua, nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất, góp vốn và đóng góp cả ngày công lao động để xây dựng nhiều công trình XDNTM, trong đó có GTNT. Điển hình như huyện Phước Long, sau khi bước vào XDNTM nâng cao, huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn của huyện, các xã tiếp tục xây dựng 6 tuyến lộ liên ấp với chiều dài 8,1km, nâng tổng số lộ GTNT của huyện lên 76 tuyến với chiều dài 252,6km (tăng gấp 16,1 lần so với năm 2010). Song song đó, xây dựng hoàn thành 71 cây cầu bê-tông, nâng tổng số toàn huyện có 315 cây cầu. Các công trình GTNT trên đều thực hiện theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Trong đó, huyện Phước Long chỉ hỗ trợ xi-măng, còn nhân dân thì đóng góp cát, đá, sắt, ngày công lao động.

Hay trong xây dựng các công trình GTNT xóm liền xóm ở huyện Đông Hải, nhân dân tự nguyện đóng góp 50% giá trị công trình và tham gia ngày công lao động. Với cách làm trên, đến nay huyện Đông Hải đã bê-tông hóa, nhựa hóa các tuyến đường GTNT ấp liền ấp và đã hoàn thiện 697 hạng mục công trình GTNT, đường ngõ xóm với chiều dài 155,9km, tổng mức đầu tư 28,51 tỷ đồng.

THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP

Xuất phát từ nguồn vốn đầu tư chủ yếu là vận động và xã hội hóa, nên việc đầu tư xây dựng các công trình GTNT phải được tính toán kỹ, nhằm tránh lãng phí và phát huy được hiệu quả đầu tư các công trình.

Một trong những vấn đề đáng quan tâm đó chính là các chủ đầu tư cần thận trọng trong việc lựa chọn nhà thầu thi công; cần chọn những doanh nghiệp, đơn vị thi công có năng lực về tài chính, nhân lực, vật lực để đảm bảo cho việc thi công các công trình GTNT đúng tiến độ, chất lượng. Thực tiễn những năm qua cho thấy, nhiều tuyến đường, cầu GTNT bị bỏ hoang do các nhà thầu “bỏ của chạy lấy người” vì không đủ năng lực, từ đó gây nhiều hệ lụy.

Bên cạnh việc lựa chọn nhà thầu, các địa phương cần kết hợp xây dựng các công trình GTNT gắn với thi công các công trình thủy lợi và thủy nông nội đồng để tránh việc công trình GTNT vừa mới xây dựng xong, thì ngành Nông nghiệp lại tổ chức làm thủy lợi. Có những nơi cầu vừa xây xong phải tháo dỡ để xáng múc đi qua, hoặc đường vừa làm xong thì đất từ các con kênh bị xáng múc đổ tràn ra làm xâm hại công trình. Trong khi đó, nếu các công trình thủy lợi thi công trước, thì phần đất này có thể sử dụng làm nền đường hoặc mố cầu, đỡ tốn thêm tiền đầu tư.

Ngoài ra, các chủ đầu tư và địa phương khi xây dựng GTNT cần nghiên cứu và ưu tiên xây dựng những tuyến đường bức xúc, đặc biệt là những tuyến đường tạo ra khả năng kết nối với những tuyến đường đã xây dựng trước đó nhằm tạo liền tuyến, thông suốt; tránh tình trạng đầu tư dàn trải, xây dựng các công trình giao thông lẻ tẻ, đứt đoạn, gây lãng phí và không phát huy hiệu quả đầu tư. Đồng thời phát huy vai trò giám sát của người dân trong việc kiểm tra tiến độ, chất lượng của công trình và cả hậu công trình thông qua các phong trào trồng cây xanh, trồng hoa ven đường để chống sạt lở đường, vừa làm đẹp cảnh quan, môi trường vùng nông thôn.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.