Xuân Ất Mùi 2015

Hiệu quả kinh tế qua các mô hình

Thứ Tư, 25/03/2015 | 09:47

Những năm qua, huyện Giá Rai có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững. Điển hình là mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML); nuôi cá lóc kết hợp trồng năn bộp trên ruộng, nuôi cá lóc mùng; nuôi cá sặc rằn; nuôi cá bống tượng, trồng bông thiên lý…

Từ những mô hình lớn

Mô hình tôm - lúa ở xã Phong Thạnh Đông A. Ảnh: Đặng Quang Khương

Mô hình CĐML được tỉnh đầu tư trình diễn 3 vụ liên tiếp ở xã Phong Thạnh Đông A với 218ha, có 133 hộ tham gia, năng suất lúa đạt 6,5 - 7 tấn/ha, cá biệt có nơi lên đến 7,5 tấn/ha. Sau khi thu hoạch, trừ chi phí, nông dân lãi 4 - 4,5 triệu đồng/ha. Theo ông Lê Tấn Lộc, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Giá Rai: “Sau khi thí điểm mô hình CĐML ở xã Phong Thạnh Đông A đạt hiệu quả, huyện chỉ đạo mỗi xã xây dựng một mô hình CĐML để nông dân học tập và nhân rộng. Từ đó, hướng tới xây dựng cánh đồng lớn, tạo vùng nguyên liệu, thuận tiện cho các doanh nghiệp bao tiêu, thu mua sản phẩm”.

Năm 2014, Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao khoa học - công nghệ huyện Giá Rai đưa một số mô hình vào sản xuất thử nghiệm ở các xã. Đơn cử như mô hình thử nghiệm nuôi cá lóc kết hợp trồng năn bộp trên ruộng (ở ấp 1, xã Phong Thạnh Đông A). Với 5.000m2, sau hơn 5 tháng nuôi, bà con thu lãi hơn 40 triệu đồng. Hay mô hình sinh sản và nuôi cá sặc rằn, mô hình trồng thử nghiệm bông thiên lý tại xã Phong Thạnh Đông A.

...Đến mô hình tự phát

Nông dân xã Phong Thạnh Đông A đưa màu xuống ruộng. Ảnh: Đặng Quang Khương

Ở huyện Giá Rai, mô hình nuôi cá trong mùng lưới, vèo trong ao được một số nông dân áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Một trong các mô hình nông dân tự xây dựng phải kể đến là mô hình nuôi cá bống tượng trong vèo. Hiện, trên địa bàn xã Phong Thạnh Đông A có khoảng 20 hộ nuôi cá bống tượng với diện tích 5ha. Đây được xem là mô hình nuôi thủy sản đem lại giá trị kinh tế cao.

Đơn cử như hộ ông Lộ Văn Minh (ấp 3, xã Phong Thạnh Đông A) áp dụng mô hình nuôi cá bống tượng trong vèo từ năm 2007 cho đến nay. Nhiều năm liền, mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hay mô hình nuôi cá lóc mùng trong ao của gia đình anh Hồ Vũ Phong (xã Phong Thạnh Đông A). Anh Phong cho biết: “Trước đây, tôi nuôi nhiều loại cá như cá chình, cá tra, cá trê, cá điêu hồng, thậm chí còn nuôi tôm nước ngọt. Nhưng tất cả đều thất bại! Tôi quyết định nuôi cá lóc vì lợi thế ở khu vực này là nước ngọt. Ưu điểm của mô hình này là chủ động phòng chống dịch bệnh cho cá, giảm chi phí đầu tư, đầu ra tương đối ổn định”.

Các mô hình sản xuất mới ở huyện Giá Rai được nhân rộng và phát triển nhanh. Nhờ nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từ đó, tăng năng suất, nâng chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, giảm chi phí sản suất, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Minh Châu

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.