Xuân Ất Mùi 2015
“Mặn mà” hạt muối Bạc Liêu
Trải qua biết bao thăng trầm và nghiệt ngã, nhưng diêm dân Bạc Liêu vẫn nặng tình với hạt muối. Năm qua là năm đột phá của nghề muối Bạc Liêu khi công nghệ làm muối được cải tiến; muối được cấp chỉ dẫn địa lý; doanh nghiệp cho ra đời nhiều sản phẩm mới... thời tiết thuận mùa; diêm dân trúng giá… Đặc biệt, khi đất trời vừa vào xuân, hạt muối đang kết tinh giữa mùa gió chướng cũng là lúc diêm dân phấn khởi đón nhận tin vui về việc tỉnh triển khai Đề án Xây dựng cánh đồng muối chất lượng cao. Điều này đồng nghĩa trong tương lai hạt muối Bạc Liêu sẽ ngày càng “mặn mà” hơn.
Làm giàu từ muối
Diêm nghiệp ở Bạc Liêu là một nghề truyền thống có từ rất lâu đời. Theo các “lão nông tri điền”, nghề muối ở Bạc Liêu có từ cái thuở cha ông đi mở đất phương Nam. Các bậc tiền nhân đã mang cách thức làm muối về đây, từ đó, hình thành nên những làng muối và truyền qua thế hệ này đến thế hệ khác…
* Sản phẩm muối chất lượng cao tại Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu. Ảnh: P.T.C * Sản phẩm của Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu trưng bày tại Hội chợ trong khuôn khổ Festival ĐCTT quốc gia lần I - Bạc Liêu 2014. Ảnh: Nguyễn Quốc |
Năm qua, khi muối Bạc Liêu được cấp chỉ dẫn địa lý cũng là lúc kỹ thuật canh tác muối của bà con diêm dân có nhiều cải tiến đột phá. Đồng thời, những chính sách khuyến diêm của ngành Nông nghiệp cũng đã thúc đẩy nhanh việc cơ giới hóa nghề muối. Từ đó, mở ra cơ hội làm giàu cho diêm dân. Về thăm đất muối chiều xuân, nghe các tỷ phú muối tâm sự trong niềm phấn khởi vì những đổi thay của nghề, ta như thấy được tâm huyết của người xưa đã kết tinh trong từng vụ muối hôm nay. Ông Trịnh Văn Thanh (ấp Bình Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Nhà tôi có 4ha đất muối. Tôi kế nghiệp và gắn bó với nghề nhiều năm, nhưng chưa bao giờ làm muối thành công như những năm gần đây. Trước đây, thế hệ cha ông mình làm muối đen, 1ha chỉ cho năng suất cao lắm là 90 tấn. Từ khi chuyển qua làm muối trải bạt, 1ha có thể cho năng suất hơn 120 tấn. Không chỉ vậy, năm nay, nhờ sản xuất muối trải bạt và hạt muối được cấp chỉ dẫn địa lý mà muối bán có giá hơn, mỗi đợt muối, tôi thu lãi hơn 200 triệu đồng. Với giá cả và cách làm muối hiện nay, diêm dân có thể làm giàu từ muối”.
Nghề truyền thống lên ngôi
Những ngày tháng Chạp, ngồi trên ghe xuôi theo các dòng kênh về các huyện Hòa Bình, Đông Hải, chúng tôi cảm thấy không khí mùa xuân năm nay như đến sớm hơn trên những làng muối. Trong cái nắng pha chút se lạnh của những ngày cuối năm cũng là lúc bà con diêm dân hối hả thu hoạch đợt muối tết. Chưa có năm nào làng muối lại rộn ràng như năm nay, vì muối thuận mùa lại trúng giá. Trên đồng, diêm dân í ới gọi nhau, người cào, người xúc, người cải tạo lại đất để chuẩn bị cho vụ muối tiếp theo…
Có thể nói, những người khai phá vùng đất ngập mặn phương Nam đã để lại cho Bạc Liêu một tài sản vô giá, đó là những làng nghề muối. Các làng nghề được công nhận đã và đang trở thành cơ sở để xây dựng vùng nguyên liệu muối bền vững trong tương lai. Ông Hồ Văn Niên, một người có thâm niên trong nghề muối ở làng muối ấp Trường Điền (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) cho biết: “Làng nghề muối truyền thống ở đây có diện tích hơn 1.000ha với gần 1.000 hộ sản xuất gồm 2 ấp Trường Điền và Bửu 2. Từ ngày được công nhận làng nghề đến nay đã gần 5 năm, đời sống sản xuất của bà con có nhiều thay đổi. Công nghệ làm muối đã tiến bộ hơn các khâu cán đất, bừa, trục… đều được thực hiện bằng cơ giới thay thế lao động thủ công. Tuy nhiên diêm dân vẫn giữ lại những kỹ thuật sản xuất cổ truyền như phơi nước biển theo các cấp “xa kề, nhì kề, xắp chuối”. Do đó, trong cái vị mặn pha lẫn cái hậu ngọt của hạt muối Bạc Liêu là cả một sự kết hợp về công nghệ làm muối truyền trống xưa và hiện đại ngày nay”. Dẫu có nhiều đổi thay, nhưng những làng nghề muối ở Bạc Liêu vẫn còn giữ được nét đẹp nguyên sơ, sản xuất độc đáo của người dân xứ biển.
Một trong những thay đổi quan trọng của nghề muối hiện nay là nhiều diêm dân đã chủ động chuyển sang làm kinh tế quy mô tập thể, không còn sản xuất nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Ông Nguyễn Văn Thống, Giám đốc HTX Diêm nghiệp Trường Sơn (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) cho biết: “HTX Diêm nghiệp Trường Sơn được thành lập năm nay đã thu hút rất nhiều diêm dân tham gia. HTX đang đi theo hướng sản xuất muối trải bạt công nghệ cao, vì vậy hạt muối sẽ có đầu ra ổn định hơn và giá cả cao hơn. Khi tham gia HTX, diêm dân cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho nhau, dễ dàng huy động vốn để cải tiến trong sản xuất”.
Muối Bạc Liêu vươn ra thế giới
Năm qua, không chỉ diêm dân thắng lợi mà các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh muối cũng có nhiều đột phá trong việc đưa muối Bạc Liêu chiếm lĩnh thị trường. Muối Bạc Liêu giờ đây không chỉ có muối đen, muối trắng như trước, mà xuất hiện nhiều dòng sản phẩm mới như: muối ớt, muối tôm, muối tiêu, muối hạt sạch, muối iốt cao cấp... Muối Bạc Liêu vốn đã có tiếng, giờ lại được đa dạng mẫu mã, nên sức cạnh tranh ngày càng tăng lên. Bà Lâm Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Muối Đông Hải, cho biết: “Những dòng sản phẩm muối mới ra mắt trên thị trường rất được khách hàng ưa chuộng. Nhiều nhà hàng ở TP. HCM đã đặt hàng công ty chúng tôi vì họ chỉ dùng muối Bạc Liêu làm gia vị”.
Ngày trước, muối Bạc Liêu không chỉ ngon có tiếng ở Nam bộ, trong nước, mà còn xuất sang các nước trong khu vực Đông Nam Á. Giờ đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của diêm nghiệp, muối Bạc Liêu đã vươn ra nhiều nước trên thế giới như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Không ít doanh nghiệp đã thành công trong việc đưa hạt muối Bạc Liêu đi quảng bá, tiêu thụ ở thị trường ngoài nước. Điển hình như Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu đã đưa muối Bạc Liêu tiếp cận thị trường Hàn Quốc. Ông Hồ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu, cho biết: “Tính đến thời điểm này, các sản phẩm muối công nghệ cao của công ty đã có mặt tại 13 tỉnh, thành phố trong nước, đặc biệt còn được thị trường các nước “khó tính” như Nhật Bản, Hàn Quốc… tiêu thụ. Nhật Bản thì mua muối Bạc Liêu để phục vụ cho quá trình chế biến rượu, còn Hàn Quốc sử dụng muối Bạc Liêu để làm kim chi”.
Trong tương lai, muối Bạc Liêu sẽ còn vươn xa hơn nữa trên thị trường thế giới. Bởi theo Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng chuyên canh muối tập trung ở 2 huyện Hòa Bình và Đông Hải lên đến 2.500ha, dự kiến mỗi năm cung ứng cho thị trường khoảng 100.000 tấn muối. Rồi đây đất muối sẽ đem lại “vị ngọt” cho người dân xứ biển, để bù đắp công lao của biết bao thế hệ đã đổ mồ hôi gầy dựng nên những làng nghề muối truyền thống hôm nay.
Đi trên đồng muối Bạc Liêu, giữa cái không khí hối hả lao động của diêm dân những ngày giáp tết, tôi bỗng nghe văng vẳng xa đưa trong gió những câu hát ngọt ngào: “Chiều nay tôi lại chèo ghe muối Bạc Liêu, như chở nặng tình quê đi khắp nẻo… Tu muối giữa đồng giờ cũng hết quạnh hiu, tiếng ai hát ầu ơ cho lòng tôi vương vấn/ Cá kèo kho muối Bạc Liêu, lấy chồng quê biển càng yêu Gành Hào…” (Biển cạn - soạn giả Ngô Hồng Khanh).
PHẠM ĐOÀN
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh