Xuân Ất Mùi 2015

Những địa chỉ mùa Xuân

Thứ Tư, 25/03/2015 | 09:32

Họ là những gương mặt tiêu biểu trên các lĩnh vực. Một cô học trò, một “bác tài”, một “già làng”… có thể thấy, họ là những người rất đỗi bình thường, giản dị. Thế nhưng, những đóng góp của họ cho xã hội thì “không tầm thường” chút nào.

Người tài xế viết thư gửi Bộ trưởng Bộ GT-VT


Sau những phản ánh của tài xế Trần Đức Hiền (ngụ ấp 1, thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai), hệ thống biển báo giao thông, phân làn đường ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao cho Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông xem xét điều chỉnh.

Theo xe tải của Hiền, chúng tôi đến khu vực cầu Bình Thủy, nằm trên Quốc lộ 91B thuộc phường Long Tuyền, quận Bình Thủy (TP. Cần Thơ). Chỉ biển báo “Hết khu đông dân cư” (biển số 421) cắm ở đầu cầu, hướng Cần Thơ đi An Giang, Hiền nói đây là kết quả từ lần góp ý đầu tiên của anh. Vào năm 2012, chàng thanh niên này viết thư gửi Sở GT-VT TP. Cần Thơ để chỉ ra sự bất hợp lý của việc thiếu biển số 421. Tuyến đường 91B từ khu vực này đổ dài về quận Ô Môn, lượt xe qua lại mỗi ngày có lẽ nhiều hơn số nhà dân hai bên lộ. Ấy vậy mà cung đường 20km này vẫn để biển báo vào “khu vực đô thị”, gây ức chế cho người ngồi sau vô lăng. Nhận được thư, Cục Quản lý Đường bộ IV đã cho lắp biển “xóa đô thị”, từ đó các xe được chạy nhanh hơn, từ 60 - 80km/h. “Lần đầu viết thư gửi cơ quan công quyền nên cảm thấy run lắm” - tài xế Hiền nhớ lại.

Thái độ tiếp nhận ý kiến phản ánh của dân một cách cầu thị như vậy đã thúc đẩy chàng trai này viết thêm nhiều lá thư khác gửi báo chí, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và cả Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng. Và mới đây, tháng 8/2014, anh Hiền lại gây ấn tượng mạnh với ngành Giao thông tỉnh nhà khi chỉ ra những bất cập của hệ thống biển báo hiệu đường bộ và tổ chức giao thông trên con đường liên huyện Giá Rai - Gành Hào. “Tuyến này biển báo mập mờ, đánh đố, khó hiểu, có những biển báo có thể gọi là “bẫy” cho người tham gia giao thông”. Liền sau đó, Sở GT-VT đã điều chỉnh, bổ sung hệ thống báo hiệu an toàn giao thông. Giám đốc Sở có thư “biểu dương sự quan tâm” của anh đến việc tổ chức giao thông và an toàn giao thông. Nhưng “thành tích” tiêu biểu nhất của anh phải kể đến là tác động thay đổi quy định phân chia làn đường Quốc lộ 1A đã có hàng chục năm nay, kéo dài từ tỉnh Đồng Nai, qua TP. HCM xuống vùng ĐBSCL và một số quốc lộ khác ở tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận.

Cầm vô lăng gần 12 năm, tài xế Hiền đã đi trên không biết bao nhiêu cung đường. Và cũng như các “bác tài” khác, anh phát hiện nhiều bất cập trong việc phân chia làn xe trên một số đoạn tuyến quốc lộ. Anh đã mạnh dạn nói tiếng nói của hàng triệu người tham gia giao thông chỉ với mong muốn phản ánh được chấp nhận, khảo sát, chỉnh sửa cho phù hợp. Xã hội cần những con người như thế, có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn và tinh thần vì lợi ích chung của người tham gia giao thông.

MẠNH QUÂN

Ấn tượng “Già làng” Sơn Bênh


Với cái tâm và nhiệt huyết của một “già làng”, ông Sơn Bênh (69 tuổi, ngụ ấp Kim Cấu, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) được chính quyền xã ví như “nhạc trưởng” của mọi phong trào. Bởi lẽ, ở đâu có tiếng nói của ông thì người dân đều nghe và làm theo một cách tích cực.

Đối với người dân ấp Kim Cấu trước đây, việc cho con biết mặt chữ là “điều xa xỉ’. Bởi vậy, việc ông Sơn Bênh dám… bán đất lấy tiền cho con ăn học là một chuyện lạ. Ông kể: “Vì lo cho các con đi học nên tôi đành bán hết 30 công đất sinh kế của gia đình. Giờ đây, cả 5 đứa đều có công ăn việc làm ổn định tại các công ty lớn ở TP. HCM. Thấy vậy, người dân trong ấp đem các con tôi ra làm hình mẫu dạy dỗ con cháu mình”.

Không chỉ được mọi người nể phục ở cách dạy con, mà ông còn đóng vai trò quan trọng trong việc vận động bà con phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hướng dẫn người dân kết hợp hài hòa giữa luật tục và luật pháp, thực hiện tốt các hoạt động tự quản tại cơ sở, các quy ước, hương ước trong cộng đồng dân cư... Với những hộ dân không chịu khó làm ăn, ông đã đến gõ cửa từng nhà khuyên lơn họ. Từ sự kiên trì vận động, khuyên răn của “già làng” này, nhiều người đã từ bỏ thói hư tật xấu, không tham gia vào tệ nạn xã hội, chăm chỉ lao động phát triển cuộc sống.

Trước đây, sau khi kết thúc mùa rẫy thì ông Huỳnh Cao Quang (57 tuổi, ngụ ấp Kim Cấu) thường không chịu tích cóp, mà “đốt tiền” trong các sòng nhậu, khiến cái nghèo luôn đeo bám. Từ sự khuyên can của ông Sơn Bênh, ông Quang đã biết quý trọng sức lao động. Nhờ vậy, dù chỉ có 3 công đất rẫy, mỗi năm ông đều “bỏ túi” trên 100 triệu đồng.

Không chỉ có ông Quang “đổi đời” nhờ nghe theo lời khuyên của ông Sơn Bênh, mà hầu như nhận thức các hộ dân sống ở ấp được nâng lên rõ rệt. Họ đã biết sắp xếp nhà cửa gọn gàng, cho con em đi học, chung sức cùng chính quyền địa phương thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

“Ông Sơn Bênh là người giản dị, dễ gần và sống nguyên tắc. Đặc biệt, tiếng nói của ông rất có uy tín trong các hộ đồng bào dân tộc. Vì vậy, ông chính là cánh tay đắc lực giúp chính quyền địa phương đưa ánh sáng văn hóa đến từng hộ gia đình”, ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trạch nhận xét.

Hiện ông Sơn Bênh là Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ ấp Kim Cấu, Phó Ban quản trị chùa Kim Cấu. Ngoài ra, ông còn tham gia dạy chữ Khmer, văn hóa Việt - Khmer cho sư sãi các điểm chùa Khmer trong và ngoài tỉnh.

Một mùa xuân nữa lại về, đến ấp Kim Cấu bây giờ không khó nhận thấy những đổi thay rõ rệt của một vùng quê từng một thời nghèo khó. Có được chuyển biến ấy, người dân ấp Kim Cấu không thể quên được công lao của “già làng” Sơn Bênh.

THÙY LÂM

Kỳ tích của Thiếu tá Lê Minh Khương


Trên mặt trận phòng chống tội phạm về trật tự xã hội của lực lượng Công an Bạc Liêu, Thiếu tá Lý Minh Khương luôn đứng ở tuyến đầu. Trong nghiệp vụ điều tra, anh tự rút ra cho mình một triết lý: “Nhiệt tình, quyết tâm bao giờ cũng được đền đáp”.

19 tuổi, Lý Minh Khương đứng vào hàng ngũ Công an nhân dân. Năm tròn 30 tuổi, anh được đề bạt giữ chức Đội trưởng Đội Điều tra án xâm phạm sở hữu và tội phạm hình sự khác. 4 năm sau, anh được đề bạt giữ chức Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH.

Tuổi trẻ của anh là những tháng ngày miệt mài, cam go trên mặt trận đấu tranh trấn áp tội phạm. Lòng quyết tâm cộng với tình yêu nghề cháy bỏng luôn mang đến cho Khương sự đền đáp xứng đáng: cùng đồng đội phá nhanh nhiều trọng án chấn động dư luận. Khương tự nhủ với lòng: “Để sót tội phạm là mình có lỗi với dân và với chính bản thân mình”. Nhận thức đó đã thôi thúc anh theo đuổi tội phạm tới cùng mỗi khi tham gia “đánh án”. Đóng góp cho ngành trong quãng thời gian chưa dài nhưng Lý Minh Khương trực tiếp điều tra và tham mưu cho trưởng phòng chỉ đạo điều tra hàng trăm vụ án. Qua đó thu hồi được vật phạm pháp hàng chục tỷ đồng cùng nhiều tài sản có giá trị lớn. Chỉ tính 2 năm gần đây, anh với tập thể cán bộ, chiến sĩ phòng CSĐT tội phạm về TTXH đã lập công làm rõ hàng trăm vụ án, hơn 130 đối tượng sa lưới pháp luật. Với Khương, kỳ tích phá án chỉ trong vài giờ, rồi 24, 36, 48 giờ… đã trở nên quá quen thuộc.

Đặc biệt, trên từng chuyên án truy xét tội phạm liên tỉnh do Bộ Công an thành lập hoặc nhiều chuyên án lớn của tỉnh, Lý Minh Khương đều ghi dấu ấn chiến công lẫy lừng; là người trực tiếp bốc gỡ rất nhiều manh mối quan trọng để mở rộng vụ án. Điều đó góp phần vào thành tích chung của Công an Bạc Liêu và được Bộ Công an, Chính phủ tặng Cờ dẫn đầu phong trào thi đua công an các tỉnh miền Tây Nam bộ. Qua mỗi “cuộc chiến” như thế, Khương luôn khiêm tốn: “Thành công là nhờ sức mạnh của tập thể”.

Nhận xét về Khương, Đại tá Lê Tấn Thảnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, đồng thời Thủ trưởng Cơ quan CSĐT đã không ngớt lời khen ngợi: “Trong nghề điều tra, đồng chí Khương rất nhạy bén, linh hoạt và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ rất hiệu quả. Có những vụ án tưởng chừng bế tắc nhưng đồng chí đã tìm tòi, tham mưu cho lãnh đạo triệt phá thành công. Đồng chí còn là người cán bộ công an mẫu mực, hết lòng với công việc và lo cho dân, xứng đáng để cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng học tập, noi theo…”.

Bảng vàng do Công an tỉnh ghi lại, Khương có 5 lần được Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen đột xuất và nhiều lần được tặng giấy khen, danh hiệu cao quý cấp Bộ, Tổng cục và Công an tỉnh. Năm 2014, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH và Thiếu tá Lê Minh Khương vinh dự được tỉnh đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì của Chủ tịch nước.

DANH TẤN

“Từ mẫu” của đồng bào dân tộc nghèo

Bác sĩ Lê Minh Tuấn khám bệnh cho bà con nghèo xã Vĩnh Trạch Đông. Ảnh: Đ.K.C

Hơn 3 năm gắn bó với địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu), bác sĩ Lê Minh Tuấn, Trưởng trạm Y tế xã được bà con nơi đây hết mực yêu kính. Tôi gặp anh vào một chiều cuối năm trong lúc anh đang khám bệnh cho một cụ bà, dù những giọt mồ hôi đang lăn dài trên má, nhưng môi anh vẫn nở nụ cười hiền của một “từ mẫu” luôn hết lòng vì người bệnh.

Tốt nghiệp bác sĩ Y học cổ truyền với tấm bằng loại ưu, nhưng bác sĩ Tuấn không chọn những thành phố lớn để khởi nghiệp, mà trở về theo tiếng gọi của quê hương. Bởi bà con nghèo vùng sâu, vùng xa đang rất cần bàn tay của một lương y để xoa dịu những nỗi đau bệnh tật. Nghĩ là làm, anh “đầu quân” vào Trạm Y tế xã Vĩnh Trạch Đông - một xã có hơn 71% đồng bào dân tộc Khmer. Tiếp nhận nhiệm vụ mới với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh, nhân lực, áp lực công việc… nhưng anh luôn tiên phong, nhiệt tình với công tác khám chữa bệnh. Trong đó, anh đặc biệt lưu tâm đến đồng bào dân tộc nghèo, vì họ ít có điều kiện để chăm sóc sức khỏe, thiếu kiến thức trong việc phòng và điều trị bệnh.

Do địa bàn giám sát khá rộng, bà con lại sống bám rừng bám biển nên mỗi khi mở chiến dịch phòng bệnh, anh và đồng nghiệp phải lội bộ hàng chục cây số để đến từng mái nhà dưới tán rừng mà vận động, tiêm ngừa… Khổ nhất là mùa mưa bão, đường sá trơn trượt, đi lại khó khăn nhưng anh vẫn nhiệt tình đến tận nhà bệnh nhân neo đơn, lớn tuổi để thăm khám, điều trị. Không chỉ vậy, vào những ngày nghỉ hay ca đêm, nếu có bệnh nhân đột xuất anh vẫn nhiệt tình cứu chữa. Mỗi năm, anh còn hỗ trợ cho khoảng 30 ca sinh con tại trạm. “Trung bình mỗi ngày trạm khám và điều trị cho trên 100 lượt bệnh nhân, trong đó có nhiều trường hợp đăng ký khám trái tuyến. Công việc nhiều, nhưng lương bổng và trợ cấp chỉ đủ để chúng tôi trang trải cuộc sống một cách tiết kiệm. Song, cái tình, cái nghĩa của đồng bào nghèo nơi đây đã giữ chân, khiến tôi muốn gắn bó và cống hiến lâu dài”, bác sĩ Tuấn tâm sự.

Hoàn thành chuyên khoa I, anh thêm vững chuyên môn, chắc tay nghề trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chính niềm tin, sự hỗ trợ đặc biệt về mặt tinh thần của người dân là động lực giúp anh và đồng nghiệp vượt qua những khó khăn, nỗ lực cống hiến và không ngừng hoàn thiện y đức, y nghiệp của những lương y chân chính.

MAI KHÔI

Lê Nguyễn Bích Ngọc: “Đại sứ nhí” Bạc Liêu tham dự trại hè quốc tế châu Á – Thái Bình Dương

Lê Nguyễn Bích Ngọc chụp ảnh tại quầy bán hàng lưu niệm của tỉnh Fukwoka (Nhật Bản).

Trưởng thành và chững chạc hơn bạn bè đồng trang lứa là điều dễ dàng nhận thấy khi Lê Nguyễn Bích Ngọc (lớp 6/2, Trường THCS Võ Thị Sáu, TP. Bạc Liêu) trở về từ Trại hè quốc tế thiếu nhi châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26, được tổ chức tại tỉnh Fukuoka (Nhật).

Là 1 trong 6 gương mặt đại diện cho hàng triệu thiếu nhi Việt Nam tham dự trại hè quốc tế, Bích Ngọc gánh trọng trách của một “đại sứ nhí” quảng bá hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng đến bạn bè quốc tế. Hai tuần bắt đầu cuộc sống tự lập ở một đất nước xa lạ, khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ… với cô bé chỉ mới 11 tuổi là điều vô cùng khó khăn, nhưng đó lại là hồi ức đẹp về những trải nghiệm thú vị của Ngọc tại xứ sở hoa anh đào.

Được cha mẹ nuôi đón từ sân bay, Ngọc khởi động tuần thú vị đầu tiên trong nhà host và tham gia nhiều hoạt động giao lưu bổ ích của trại hè như: thả diều, các trò chơi dân gian truyền thống, làm quen với trà đạo, thư pháp, cách mặc kimono… với các bạn thiếu nhi đến từ 49 quốc gia. Đây là cơ hội để em giao lưu, kết bạn, chia sẻ văn hóa Việt Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng với bạn bè quốc tế. Khoảng thời gian sống, tham gia các hoạt động ngoại khóa trong nhà host còn giúp em trau dồi khả năng tiếng Anh, tập sống tự lập và khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh.

Rời nhà host, trải nghiệm tuần “thử thách” thứ hai tại nhà cha mẹ nuôi, Ngọc được họ yêu quý như thành viên trong gia đình. “Ba mẹ nuôi đối xử với em rất tốt. Họ tặng em rất nhiều quà, đưa đi tham quan nhiều nơi: Đền Dazaifu, suối nước nóng Beppu… Bất ngờ nhất là họ còn chuẩn bị cuốn từ điển Việt - Nhật để dạy em những từ thông dụng trong giao tiếp hằng ngày. Em cảm giác như đang sống trong gia đình của chính mình vậy!”, Ngọc thổ lộ.

“Nghía” qua bản thành tích đáng nể của Ngọc mới thấy “chiếc vé” để tham dự trại hè của em thật xứng đáng: 5 năm liền đoạt giải Nhất, Nhì cấp tỉnh về “Vở sạch chữ đẹp”; huy chương Bạc Cờ vua ĐBSCL; 2 huy chương Đồng Cờ vua toàn quốc; nhiều lần tham gia giải Vô địch Cờ vua trẻ; giải thưởng cao quý Kim Đồng; học sinh xuất sắc toàn diện nhiều năm liền…

Thư Các

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.