Xuân Ất Mùi 2015

Từ nghệ thuật Đờn ca tài tử nghĩ về hồn cốt văn hóa Nam bộ

Thứ Sáu, 06/03/2015 | 09:59

Có thể nói văn hóa - nghệ thuật truyền thống là gương phản ánh phần nào tinh hoa, hồn cốt dân tộc” (PGS-TS Lê Văn Toàn - Học viện Quốc gia âm nhạc Việt Nam).

Không phải đến khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ của Việt Nam mới được nhìn nhận chân giá trị. Quá trình định hình và phát triển hơn trăm năm ấy, nghệ thuật ĐCTT với bản chất độc đáo vốn có, đã trở thành “hồn cốt” của văn hóa Nam bộ…

Đờn ca tài tử tổ chức tại một gia đình ở nông thôn. Ảnh: M.Triết

Tinh hoa từ một dòng nhạc

Ở nước Nhật có câu danh ngôn: “Nếu là hoa hãy là hoa anh đào, nếu là người hãy là một võ sĩ đạo”. Hoa anh đào là biểu tượng của đất nước Mặt trời mọc, hoa nở rộ rồi rụng xuống ngay thời điểm đẹp nhất; người võ sĩ đạo Nhật sẵn sàng hy sinh ở khoảnh khắc vinh quang nhất, nếu đất nước cần đến họ! Bài học đứng dậy của Nhật sau hậu quả của thế chiến thứ hai và những trận động đất, sóng thần thảm sát bao sinh linh nơi ấy… đủ để cả thế giới khâm phục văn hóa và ý chí con người Nhật!

Văn hóa Việt Nam cũng được kiến tạo bởi lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, lòng nhân hậu, thủy chung... Đó là hệ quả tất yếu của dải dất hình chữ S ngay “từ thuở còn nằm nôi” đã phải “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”… Và trong tiến trình của lịch sử ấy, trên vùng đất Nam bộ có một “chứng nhân lịch sử văn hóa”: đó là loại hình âm nhạc truyền thống đã chứng kiến những thăng trầm của đất nước - nghệ thuật ĐCTT Nam bộ!

Nam bộ là một vùng đất phù sa, những người Việt từ miền Bắc xa xôi, từ miền Trung kinh kỳ trong phong trào Cần Vương đã chọn nơi đây lập nghiệp. Sự trù phú về sản vật thiên nhiên, rồi tấm lòng nhân hậu, nghĩa tình của con người nơi vùng đất mới đã gieo vào lòng người phương xa cái tâm lý “đến đây thì ở lại đây, trăm năm bám rễ, xanh cây không về”. Chẳng những thế, còn mang theo nền dân ca, nhạc lễ bắt nguồn từ nhạc cung đình miền Trung, dân gian hóa rất độc đáo với “Phe Văn, Phe Võ”… tạo nên một không gian văn hóa Nam bộ đặc thù.

Nghệ thuật ĐCTT ra đời là sự dung nạp rồi phát triển thành tinh hoa nghệ thuật của nhân loại như hôm nay. ĐCTT trở thành hồn cốt của văn hóa Việt Nam dựa trên sự giao thoa ấy! Những bài bản ĐCTT trong tiền bán thế kỷ XX đa số mang ý nghĩa vị nhân sinh, đặc biệt là những đề tài lịch sử. Các bài bản đề cao những tấm gương yêu nước, phản ánh cảnh thống khổ trong thời Pháp thuộc. Sự chuyển tải bằng cảm xúc đã khiến ĐCTT trở thành hồn cốt của văn hóa Nam bộ, văn hóa Việt Nam!

GS-TS Trần Văn Khê nhận định rằng: “Mọi tầng lớp xã hội miền Nam, từ những công chức cao cấp đến những người lao động, thợ hớt tóc, anh chèo đò… đều có thể trở thành những người sành điệu ĐCTT và khi vào chung một dàn nhạc thì người nào đờn hay được tôn trọng nhất, cách xử sự những người cùng đờn rất dân chủ…”. Đó là văn hóa ứng xử rất Nam bộ gửi vào tiếng đờn ngân nga chất chứa cả tâm tư, tình cảm của người chơi…

Biểu diễn đờn ca tài tử tại khu du lịch vườn nhãn Bạc Liêu. Ảnh: M.Triết

Giữ gìn hồn cốt dân tộc

Bài học văn hóa của đất nước Mặt trời mọc đã khiến thế giới ngưỡng mộ! Hồn cốt dân tộc cũng chính là sức mạnh dân tộc để họ vượt lên những nghiệt ngã, trụ vững và trở thành một trong những cường quốc!

Trở lại với nghệ thuật ĐCTT Nam bộ của Việt Nam, đó cũng là tinh hoa, hồn cốt của dân tộc Việt Nam. Ta phải gìn giữ cái hồn cốt ấy như thế nào để tránh sự lai tạp, mất đi bản chất vốn có, đó cũng là chủ đề mà nhiều học giả, nghệ nhân đã mổ xẻ tại các hội thảo về nghệ thuật ĐCTT. Tại hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ trong khuôn khổ Festival ĐCTT quốc gia lần I - Bạc Liêu 2014, có câu hỏi đặt ra: Chúng ta nên đem di sản văn hóa phi vật thể đến với du lịch, hay đưa du lịch đến với di sản văn hóa phi vật thể? Người đặt vấn đề này cũng khẳng định chắc nịch rằng: muốn để du khách hiểu đúng giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật các di sản và để các loại hình di sản giữ được các giá trị văn hóa, lịch sử và nghệ thuật, chúng ta cần thực hiện một quy trình thuận, đó là đưa du khách đến với di sản văn hóa phi vật thể. Thực hiện quy trình thuận này du khách mới được xem - nghe và được trải nghiệm cái không khí nghệ thuật dân gian đích thực! Ngoài việc giúp khách du lịch thưởng thức nghệ thuật, chúng ta cần quan tâm việc giới thiệu quảng bá về lịch sử, văn hóa của ĐCTT cùng những thông tin gắn liền đất và người Nam bộ, khi đó chúng ta mới giúp họ đánh giá sâu sắc hơn các giá trị của ĐCTT, để ta còn tự hào với quốc hồn, quốc túy của mình!

Hơn trăm năm định hình và phát triển, nghệ thuật ĐCTT Nam bộ đã khẳng định được sức sống và sự lan tỏa trong cộng đồng. Tâm hồn con người Nam bộ, bản sắc văn hóa Nam bộ đã được gửi gắm vào trong nét độc đáo của một dòng nhạc. Cho nên, ĐCTT Nam bộ cần được giữ nguyên chân giá trị ấy, không chỉ dưới góc độ bảo vệ một di sản văn hóa đại diện của nhân loại mà quan trọng hơn, đó chính là cách để chúng ta gìn giữ được hồn cốt dân tộc qua dòng âm nhạc truyền thống.

Quốc Cẩm

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.