Xuân Kỷ Hợi 2019
Mai này, Công tử Bạc Liêu…
“Nghe danh Công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu…”.
Ở Bạc Liêu, có một nhân vật lịch sử có thật nhưng cứ tưởng như… huyền thoại bởi cách “chơi” khó tin nổi. Sự giàu có, tính phong lưu đã tạo nên thương hiệu “Công tử Bạc Liêu” (CTBL) trên mảnh đất này. 100 năm sau, câu chuyện về CTBL lại được viết tiếp…
CÂU CHUYỆN CỦA TRĂM NĂM TRƯỚC…
CTBL Trần Trinh Huy (1900 - 1973) “sống” dài hơn một thế kỷ bằng những sự thật lẫn giai thoại. Bởi lẽ, câu chuyện về ông được chứng nhận qua tư liệu, hiện vật; nhưng cũng có chuyện được ghi lại bằng lời kể. Mà kể lại thường “tam sao thất bổn”, khó xác nhận bao nhiêu phần trăm sự thật. Chuyện tổ chức cuộc thi hoa hậu cấp đồng bằng đầu tiên, chuyện lái máy bay thăm ruộng, chuyện chạy ô tô Peugeot thời ấy ở Việt Nam chỉ có hai chiếc (vua Bảo Đại sở hữu chiếc kia)… là có thật! Sự giàu có, lối sống xa hoa, phong lưu trong tình ái; nhưng cuộc đời của vị công tử này không hề gieo tiếng ác (điều này dễ xuất hiện ở những điền chủ lắm của nhiều tiền) đã “gầy dựng” nên “thương hiệu” CTBL lưu truyền tận trăm năm.
Mà Bạc Liêu đâu chỉ có một CTBL! Trước và cùng thời với Trần Trinh Huy còn có một “tập đoàn” CTBL với cuộc sống sang giàu, lắm vợ nhiều con và nhân tình nhân ngãi. Đó là ông Bá hộ Bì - Phan Hộ Biết, ông ngoại của Trần Trinh Huy, một đại điền chủ lớn nhất Bạc Liêu đương thời, được mệnh danh là “vua” lúa gạo Nam kỳ, “vua” muối Bạc Liêu, có 7 người vợ chung sống một nhà. Là Trần Trinh Đinh, một trong 7 anh em của Trần Trinh Huy, người được cha tín nhiệm giao cai quản một nhà máy xay lúa lớn nhất Nam bộ lúc ấy. Giàu có nên cũng là tay ăn chơi có hạng, ông bỏ ra 20.000 đồng để “mua” vợ từ Campuchia về (thời ấy, giá 20kg lúa chỉ đáng 1 hào). Là Phan Kim Cân, cháu nội của Bá hộ Bì, chàng công tử duy nhất trong “tập đoàn” CTBL dám rũ bỏ đời sống vàng son tham gia kháng chiến, sau này được Việt Minh giao làm ủy viên tài chính ngân khố tỉnh Bạc Liêu. Nhưng cũng phong lưu đến mức bắt cóc một cô gái đẹp về làm vợ…
Danh tiếng CTBL còn đó qua hơn một thế kỷ. Tất nhiên, có khen, có chê. Nhưng chung quy, CTBL đã tạo nên dấu ấn về một vùng đất trù phú, nơi có rất nhiều đại điền chủ không phải là quân cường hào ác bá, ngược lại rất giàu tình thương đối với tá điền, sẵn sàng tiếp tế cho cách mạng. Trần Trinh Huy từng ủng hộ Việt Minh một lúc 13.000 giạ lúa, giảm tô, không hợp tác với Pháp, hỗ trợ vải vóc, thuốc men cho kháng chiến...
Du khách đến tham quan khu nhà Công tử Bạc Liêu. Ảnh: H.T
Nhà CTBL làm Du lịch
Nằm cạnh bờ sông, tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, TP. Bạc Liêu, ngôi biệt thự được xây dựng vào năm 1919. Ngôi nhà do kỹ sư người Pháp thiết kế. Để đảm bảo độ bền công trình và diện mạo kiến trúc, chủ nhân đã đặt toàn bộ vật liệu như: thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch, khung sắt trang trí có xuất xứ từ Pháp và được vận chuyển trực tiếp từ Pháp qua. Các bù-loong, ốc vít được đóng dấu chìm mẫu tự chữ “P” rất hoa mỹ để chứng thực nơi sản xuất là Paris - thủ đô nước Pháp. Đây được xem là ngôi biệt thự bề thế nhất ở Nam kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ.
Nhà CTBL còn có nhiều món đồ cổ quý hiếm. Các bộ bàn ghế đều được cẩn xà cừ, chạm trổ hoa văn sắc sảo. Những chiếc bình, chum trà trang trí hình rồng tô điểm cho ngôi nhà thêm nhiều màu sắc sống động. Những đồ vật tuy đã bị mất mát nhiều nhưng những thứ còn lại cũng đủ nói lên được giá trị của một dinh thự.
Từ năm 2012, nhà CTBL chính thức bước vào con đường làm du lịch (DL) chuyên nghiệp bởi Công ty TNHH TM-DV&DL Cẩm Quyên. Lượng khách đến với nơi này có ngày lên đến con số ngàn. Thế nhưng, du khách và các công ty lữ hành chưa thỏa mãn. Khi một “thương hiệu” vang xa về không gian lẫn thời gian như CTBL thì chỉ dừng lại ở việc nhìn ngắm và lắng nghe sự thật - giai thoại về ông, thì đó gần như là sự lãng phí “tài nguyên” (vật thể lẫn phi vật thể) mà người từ trăm năm trước để lại.
Phối cảnh tổng thể dự án khu nhà Công tử Bạc Liêu. Ảnh: N.H.G
Nâng tầm "thương hiệu" CTBL
“Thương hiệu” CTBL phải được phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong đường hướng phát triển DL, đó là quyết tâm của lãnh đạo tỉnh. Từ trong những cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cho đến những hội nghị chuyên đề về DL, “thương hiệu” CTBL được nhìn nhận như “xương sống”, chiếc “bản lề” quan trọng để DL Bạc Liêu xoáy vào đó.
Tại hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bạc Liêu năm 2018, đã có một dự án mang tên CTBL. Nhà đầu tư này cũng thuê kỹ sư người Pháp thiết kế mô hình. Ngoài tên gọi “Khu văn hóa đa năng ngoài công lập CTBL”, dự án còn có một slogan mỹ miều “Viết tiếp những câu chuyện trăm năm về chàng Công tử đất Bạc Liêu”. Đó là Công ty Cổ phần DV-DL CTBL (gọi tắt là Công ty CTBL), thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Hoàng.
Phó Giám đốc Công ty CTBL - Trần Anh Thạch Thảo cho biết: “Trước mắt, chúng tôi sẽ trùng tu, bảo tồn các giá trị về nghệ thuật kiến trúc và văn hóa tại cụm nhà CTBL nhằm tái hiện cuộc sống của một nhân vật nổi tiếng mà du khách khi đến Bạc Liêu đều muốn biết. Chúng tôi muốn giới thiệu cho du khách một góc cạnh thú vị khác, đó là các nét đẹp về tính cách của một con người Nam bộ trọng nghĩa tình, có trước có sau. Ngoài ra, chúng tôi còn xây dựng không gian sinh hoạt tái hiện sự trù phú một thời của Bạc Liêu, du khách sẽ được tìm hiểu quá trình lao động, sinh hoạt của người Nam bộ xưa và nay; giới thiệu nghệ thuật Đờn ca tài tử; xây dựng khu vui chơi hiện đại cho trẻ em… Tạo một điểm đến thú vị cho khách DL trong và ngoài nước, chúng tôi tin dự án sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội và ngành DL của tỉnh”.
Cụ thể, dự án sẽ cải tạo Khách sạn CTBL hiện tại thành trung tâm triển lãm văn hóa - nghệ thuật. Trong đó có khu trưng bày tượng sáp tái hiện hình ảnh những người đã để lại dấu ấn trong cuộc đời CTBL như: Bạch Công tử - Lê Công Phước, cô Ba Trà, nghệ sĩ cải lương Phùng Há, các vợ, con… và một số danh nhân nổi tiếng tại Bạc Liêu thời bấy giờ. Khu biểu diễn nghệ thuật sân khấu được thiết kế hiện đại, khu công viên tạo không gian xanh, kết hợp với trưng bày hai hiện vật sinh hoạt của CTBL là xe ô tô Peugeot và máy bay Morane.
Đại diện nhà đầu tư còn cho biết thêm, thông qua việc đầu tư khu văn hóa đa năng (Khu A), Công ty CTBL muốn tạo tiền đề về DL văn hóa để lập hồ sơ xin tiếp tục đầu tư vào Khu B liền kề. Khi ấy, cụm nhà CTBL sẽ trở thành Trung tâm DL - dịch vụ - vui chơi, giải trí với quy mô lớn mang thương hiệu CTBL - chỉ Bạc Liêu mới có!
CTBL từ lâu được xem là của cải, là vốn liếng của DL Bạc Liêu. Khi đã có nhà đầu tư tâm huyết, được tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để cùng nâng tầm một thương hiệu độc quyền, thì chắc chắn, “của để dành trăm năm sẽ làm nên chuyện trong tương lai rất gần. Thật phấn khởi khi được biết, mọi phần việc đã sẵn sàng để tháng 9/2019 - kỷ niệm 100 năm xây dựng nhà CTBL - sẽ có một hình hài mới trên khu nhà CTBL một thời vang bóng.
Từ Cẩm
- Nan giải bài toán giá thành sản xuất trong nuôi tôm
- Huyện Phước Long: Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp
- 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng: Củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân
- Làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng
- Truyền thông hiệu quả để giảm nghèo bền vững